Ngân hàng tuần qua: BIDV có tân CEO, MSB muốn nâng vốn lên trên 15.000 tỷ

Hải Đường - 13/03/2021 15:09
(VNF) - MSB muốn nâng vốn lên trên 15.000 tỷ đồng; BIDV có tân tổng giám đốc; VCBS cho rằng lãi suất vẫn còn dư địa giảm; hiệu suất hoạt động của ngân hàng biến động mạnh… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.
1
MSB đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2021 tăng 30% là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua

Hiệu suất hoạt động của ngân hàng biến động mạnh

Trong số nhiều tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng, có một chỉ tiêu đáng chú ý: tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập hoạt động (cost to income ratio – CIR). Đây là một chỉ số đo lường hiệu suất hoạt động của các ngân hàng, do nó đo lường được việc các nguồn lực được sử dụng tốt như thế nào để đạt được khối lượng đầu ra.

Vài năm trở lại đây tại Việt Nam, chỉ số CIR ngày càng được coi trọng, không chỉ bởi bản thân các ngân hàng mà còn bởi giới phân tích lẫn các nhà đầu tư.

Thống kê của VietnamFinance đối với 28 ngân hàng thương mại Việt Nam cho thấy 2020 là năm chỉ số CIR biến động mạnh hơn nhiều so với các năm trước đó.

Cụ thể, có tới 4 ngân hàng ghi nhận mức giảm CIR lên tới trên 10%, bao gồm: NCB, VietCapitalBank, VietABank và NamABank.

Ở chiều ngược lại, có 2 ngân hàng ghi nhận CIR tăng trên 10%, bao gồm PGBank và VietBank, đều do thu nhập hoạt động giảm trong khi chi phí hoạt động tăng mạnh.

Xu hướng biến động chủ đạo của CIR trong năm 2020 là giảm. Thống kê cho thấy có tới 19/28 ngân hàng trong diện này. Số liệu tổng cộng thu nhập và chi phí của 28 ngân hàng cũng cho thấy CIR giảm 2,4 điểm% trong năm 2020, xuống 39,1%.

Điều này cho thấy hiệu suất hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam đã tăng lên bất chấp dịch Covid-19. Bóc tách sâu hơn, dù dịch, tổng thu nhập hoạt động của 28 ngân hàng vẫn tăng tới 12,7% trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 6,1%.

>>> Xem thêm: Hiệu suất hoạt động của ngân hàng biến động mạnh

VCBS: Lãi suất vẫn còn dư địa giảm

Tổng cục thống kê gần đây đã công bố báo cáo tình hình kinh tế tháng 2 năm 2021. Trong đó, mức tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu nhập là 24,5%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 7,4%, cao hơn mức tăng 7,1% của cùng kỳ năm trước. 

Chỉ số PMI tháng 2 tăng nhẹ lên 51,6 điểm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4 % so với cùng kỳ năm trước.

Dựa trên những tín hiệu tích cực trên, trong báo cáo thị trường trái phiếu tháng 2/2021 công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo tăng trưởng GDP trong quý I của Việt Nam có thể đạt 5%- 5,5%.

Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2021 tăng 1,52% so với tháng trước, cao hơn đáng kể so với mức kỳ vọng của thị trường. Mặc dù vậy, khi so sánh chỉ số giá tiêu dùng với tháng 2 năm ngoái, CPI chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận định của VCBS, ở giai đoạn này, kỳ vọng lạm phát năm 2021 có xu hướng tăng lên khi có các quan sát cho thấy sự tương đồng về xu hướng tăng giá hàng hóa giữa thập niên 2000 và thập niên 2020.

Về chính sách điều hành, trong bối cảnh hiện nay, VCBS kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt và duy trì thanh khoản hệ thống dồi dào.

"Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm khá trong khoảng 1 năm trở lại đây. Trong tháng vừa qua nhiều ngân hàng thương mại đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ về lãi suất cho vay nhằm đồng hành với doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh". VCBS cho hay, đồng thời đánh giá thời điểm hiện tại vẫn còn dư địa giảm với cả lãi suất huy động và cho vay.

>>> Xem thêm: VCBS: Lãi suất vẫn còn dư địa giảm

SSI: Lãi suất tăng ở một số ngân hàng chỉ mang tính cục bộ

Theo bản tin thị trường tiền tệ công bố mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cho biết tuần qua, thị trường mở không phát sinh giao dịch, lãi suất trên kênh liên ngân đi ngang ở mức 0,33%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,51%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

SSI dự báo nền thanh khoản tháng 3 sẽ tiếp tục dồi dào do huy động tiền gửi đang khá tích cực và Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì định hướng nới lỏng thận trọng, do đó, lãi suất trên liên ngân hàng sẽ vẫn ổn định ở mức thấp.

"Việc một số ngân hàng điều chỉnh tăng/giảm lãi suất tiền gửi trong 2 tuần gần đây chỉ áp dụng với nhóm khách hàng cá nhân và mang tính chất cục bộ. Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn giữ ở mức thấp hiện tại", chuyên gia của SSI nêu quan điểm.

Trong một báo cáo công bố gần đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) có phần đồng quan điểm với SSI khi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt và duy trì thanh khoản hệ thống dồi dào. Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm khá trong khoảng 1 năm trở lại đây. 

Chuyên gia của VCBS đánh giá thời điểm hiện tại vẫn còn dư địa giảm với cả lãi suất huy động và cho vay.

>>> Xem thêm: SSI: Lãi suất tăng ở một số ngân hàng chỉ mang tính cục bộ

MSB đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2021 tăng 30%, muốn nâng vốn lên trên 15.000 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB) vừa công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2021.

Theo đó, MSB kỳ vọng tổng tài sản năm 2021 đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020. Vốn huy động tại thị trường I (từ tổ chức kinh tế và dân cư) và trái phiếu huy động vốn dự kiến đạt 114.105 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 15%.

Dư nợ tín dụng (bao gồm dư nợ cho vay tổ chức kinh tế, cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) năm 2021 theo kế hoạch của HĐQT MSB là 106.208 tỷ đồng, tăng 25% so với mức dư nợ tín dụng của năm 2020.

Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng thu về 3.280 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020.

Tuy nhiên, dư nợ tín dụng và lợi nhuận của MBS phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép theo chính sách điều hành từng thời kỳ.

Tỷ lệ phân phối lợi nhuận năm 2021 dự kiến tối thiểu là 15%.

HĐQT MSB cũng trình ĐHCĐ phương án tăng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức cho các cổ đông.

Số lượng cổ phiếu MSB dự kiến phát hành là 352,5 triệu đơn vị, với tỷ lệ tối đa là 30% trên tổng số cổ phần đang lưu hành. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021, sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu và cho người lao động.

>>> Xem thêm: MSB đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2021 tăng 30%, muốn nâng vốn lên trên 15.000 tỷ đồng

ĐHCĐ BIDV: Đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thương vụ chào bán cổ phần của BIDV

Ngày 12/3, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Liên quan đến vấn đề chia cổ tức, lãnh đạo BIDV cho biết mặc dù có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên ngân hàng đã quyết định chia cổ tức bằng tiền trong năm vừa qua.

Ông Tú cũng cho hay, để chuẩn bị cho đợt chào bán cổ phiếu để tăng vốn, BIDV đã tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng.

Về việc cổ đông chiến lược KEB Hana Bank có tham gia chào mua cổ phần BIDV hay không, Chủ tịch Phan Đức Tú cho biết ngân hàng đã gửi kế hoạch tăng vốn tới KEB Hana Bank. Tuy vậy, trước đây, phía KEB Hana Bank có đồng ý rằng nếu BIDV phát hành thêm cổ phiếu thì họ sẽ chấp nhận giảm tỷ lệ sở hữu, dành cơ hội cho các nhà đầu tư khác. "Tuy nhiên hiện nay, chúng tôi vẫn chưa thể khẳng định KEB Hana Bank có tham gia hay không", ông Tú cho hay.

Về việc lập ngân hàng con tại Myanmar bất chấp thời điểm nhạy cảm chính trị hiện tại, ban lãnh đạo ngân hàng này cho hay Myanmar là thị trường cực kỳ tiềm năng, BIDV đã có mặt ở đây hơn 10 năm và đã có lãi.

Người đứng đầu BIDV cho biết Myanmar, Lào, Campuchia là địa bàn chiến lược của BIDV trong tương lai.

Về lĩnh vực bảo hiểm, Chủ tịch Phan Đức Tú cho biết trong ngắn hạn, mảng phi nhân thọ sẽ tiếp tục được đặt kỳ vọng vào công ty bảo hiểm BIC; ở mảng phi nhân thọ, sẽ tiếp tục triển khai thông qua công ty BIDV Metlife. Mặc dù vậy, về dài hạn, BIDV cũng không loại trừ việc nghiên cứu ký hợp đồng bảo hiểm độc quyền bancassurance, làm sao đảm bảo hiệu quả hoạt động tốt nhất cho ngân hàng.

>>> Xem thêm: ĐHCĐ BIDV: Đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thương vụ chào bán cổ phần của BIDV

Ông Lê Ngọc Lâm làm Tổng giám đốc BIDV

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa tổ chức công bố quyết định chuẩn y chức vụ Phó bí thư Đảng ủy BIDV và Quyết định bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc BIDV đối với ông Lê Ngọc Lâm - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành BIDV.

Trước đó, sáng cùng ngày, tại ĐHCĐ thường niên năm 2021 của BIDV, ông Lê Ngọc Lâm đã được đại hội bầu tham gia HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017-2022.

Được biết ông Lê Ngọc Lâm sinh năm 1975. Năm 1997, ông bắt đầu làm việc tại Trụ sở chính BIDV. Từ tháng 3/2009, ông là Phó giám đốc ban quản lý rủi ro tín dụng BIDV. Từ tháng 10/2010, ông là Phó giám đốc BIDV Sở giao dịch 1.

Từ tháng 4/2012, ông là Giám đốc ban quản lý rủi ro tín dụng BIDV. Từ tháng 4/2013, ông là Giám đốc ban khách hàng doanh nghiệp BIDV. Từ ngày 15/01/2015, ông được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc BIDV.

Từ 15/11/2018, ông được giao nhiệm vụ Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành BIDV. 

Phát biểu tại sự kiện, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết: Việc bổ nhiệm ông Lê Ngọc Lâm với vị trí Tổng giám đốc BIDV sẽ giúp ngân hàng tăng cường năng lực quản trị điều hành để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển 2021-2025, tầm nhìn 2030 của BIDV; thể hiện tốt hơn vai trò chủ lực, chủ đạo của ngân hàng thương mại nhà nước trong thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

>>> Xem thêm: Ông Lê Ngọc Lâm làm Tổng giám đốc BIDV

Quảng cáo