Ngân hàng

ĐHCĐ BIDV: Đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thương vụ chào bán cổ phần của BIDV

(VNF) - BIDV dự kiến phát hành 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ.

ĐHCĐ BIDV: Đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thương vụ chào bán cổ phần của BIDV

ĐHCĐ BIDV: Đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thương vụ chào bán cổ phần của BIDV

Ngày 12/3, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Phát biểu tại đại hội, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết nếu không hỗ trợ khách hàng trong thời kỳ Covid-19, lợi nhuận năm 2020 của ngân hàng đã có thể tăng 44% so với năm 2019.

Liên quan đến vấn đề chia cổ tức, lãnh đạo BIDV cho biết mặc dù có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên ngân hàng đã quyết định chia cổ tức bằng tiền trong năm vừa qua.

Ông Tú cũng cho hay, để chuẩn bị cho đợt chào bán cổ phiếu để tăng vốn, BIDV đã tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng. "Đã có khá nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư quan tâm đến cổ phiếu của BIDV nhưng do dịch Covid-19 nên họ đang cân nhắc đầu tư", người đứng đầu ngân hàng nói.

Về việc cổ đông chiến lược KEB Hana Bank có tham gia chào mua cổ phần BIDV hay không, Chủ tịch Phan Đức Tú cho biết ngân hàng đã gửi kế hoạch tăng vốn tới KEB Hana Bank. Tuy vậy, trước đây, phía KEB Hana Bank có đồng ý rằng nếu BIDV phát hành thêm cổ phiếu thì họ sẽ chấp nhận giảm tỷ lệ sở hữu, dành cơ hội cho các nhà đầu tư khác. "Tuy nhiên hiện nay, chúng tôi vẫn chưa thể khẳng định KEB Hana Bank có tham gia hay không", ông Tú cho hay.

Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết trong 2 tháng đầu năm 2020, dư nợ tín dụng và số dư huy động vốn sụt giảm so với cuối năm, dù vậy, đây chỉ là diễn biến theo chu kỳ. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vào khoảng 1,58% tính đến cuối tháng 2/2021.

Liên quan đến kế hoạch lợi nhuận 13.000 tỷ đồng (tăng 44% so với năm 2020), đại diện BIDV cho biết động lực lớn nhất đến từ việc tiết kiệm chi phí (thông qua gia tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn CASA lên tối thiểu 16% từ mức 14,5%, cùng với đó, mức trích lập dự phòng chỉ tăng một chút so với năm 2020); thêm vào đó, thu nhập lãi thuần dự kiến tăng khoảng 19%, thu dịch vụ ròng dự kiến tăng 16-17%, đồng thời tiếp tục xu hướng tích cực trong thu nợ ngoại bảng, dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng.

Về việc lập ngân hàng con tại Myanmar bất chấp thời điểm nhạy cảm chính trị hiện tại, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho hay Myanmar là thị trường cực kỳ tiềm năng, BIDV đã có mặt ở đây hơn 10 năm và đã có lãi.

"Chúng tôi chớp thời cơ chính phủ Myanmar cho phép chuyển đổi chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành ngân hàng con. Trước đây, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Myanmar chỉ được tiếp cận khách hàng FDI, không được nhận tiền gửi bằng đồng bản tệ, mạng lưới chỉ có một... nhưng ngân hàng con thì mở ra một thị trường rất lớn", ông Tú nhấn mạnh.

Người đứng đầu BIDV cho biết Myanmar, Lào, Campuchia là địa bàn chiến lược của BIDV trong tương lai.

Về lĩnh vực bảo hiểm, Chủ tịch Phan Đức Tú cho biết trong ngắn hạn, mảng phi nhân thọ sẽ tiếp tục được đặt kỳ vọng vào công ty bảo hiểm BIC; ở mảng phi nhân thọ, sẽ tiếp tục triển khai thông qua công ty BIDV Metlife. Mặc dù vậy, về dài hạn, BIDV cũng không loại trừ việc nghiên cứu ký hợp đồng bảo hiểm độc quyền bancassurance, làm sao đảm bảo hiệu quả hoạt động tốt nhất cho ngân hàng.

Đại hội đã thống nhất bầu ông Lê Ngọc Lâm (Phó tổng giám đốc phụ trách ban ddiều hành BIDV) và ông Nguyễn Quang Huy (Nguyên Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) tham gia HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017-2022, trong đó ông Nguyễn Quang Huy là Ủy viên HĐQT độc lập; bầu bà Nguyễn Thị Thu Hà (Phó Giám đốc Ban Kế hoạch BIDV) tham gia Ban Kiểm soát BIDV nhiệm kỳ 2017-2022. Với sự bổ sung này, HĐQT BIDV hiện gồm có 11 thành viên, trong đó 1 thành viên là người nước ngoài; 1 thành viên HĐQT độc lập, Ban Kiểm soát BIDV gồm có 3 thành viên.

***

Theo tài liệu công bố trước thềm đại hội, năm 2021, BIDV đặt kế hoạch dư nợ tín dụng tăng trưởng 10-12%, đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức không quá 1,6%. Huy động vốn tăng trưởng phù hợp với sử dụng vốn, cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng, dự kiến khoảng 12-15%.

Đáng chú ý, BIDV kỳ vọng lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 sẽ đạt 13.000 tỷ đồng, tăng tới 44% so với năm 2020. Tuy vậy, ngân hàng này cũng lưu ý rằng chỉ tiêu lợi nhuận trên phải đảm bảo phù hợp với diễn biến của thị trường, năng lực của BIDV trước tác động của dịch Covid-19 và điều chỉnh trên cơ sở phê duyệt kế hoạch tài chính của Ngân hàng Nhà nước.

HĐQT BIDV nhấn mạnh tới 8 giải pháp trọng tâm trong năm 2021. Một số trọng tâm quan trọng có thể kể đến như: triển khai Chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 tại tất cả các cấp trong toàn hệ thống; quán triệt quan điểm chuyển đổi số toàn diện mọi mặt hoạt động của hệ thống: tập trung nguồn lực để triển khai các giải pháp đột phá trên kênh ngân hàng số (định danh điện tử - eKYC, chuyển tiền và thanh toán đa kênh bù trừ điện tử - ACH, huy động vốn/vay vốn online…), hướng tới mục tiêu đạt 80% lượng khách hàng tiếp cận và sử dụng các kênh ngân hàng số của BIDV vào năm 2025.

Cùng với đó, chú trọng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, khuyến khích tín dụng trung dài hạn hiệu quả trong giới hạn phù hợp; tăng trưởng tín dụng ngắn hạn đối với khách hàng tốt, đem lại tổng hòa lợi ích cao; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, theo dõi chặt chẽ khả năng phục hồi của nhóm khách hàng khó khăn và đã được hỗ trợ theo các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý nợ xấu, thu hồi nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ ngoại bảng.

Bên cạnh đó, tập trung cơ cấu lại kỳ hạn của nền vốn theo hướng gia tăng tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn; đảm bảo cân đối vốn gắn với cải thiện nền vốn theo loại tiền.

Đặc biệt, HĐQT BIDV sẽ tập trung nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tài chính mới, phát hành trái phiếu tăng vốn BIDV, phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu thu nhập, gia tăng các nguồn thu đặc biệt là nguồn thu từ hoạt động phi lãi, đẩy mạnh triển khai quản trị chi phí hiệu quả.

Năm 2021, BIDV muốn tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6%. Phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III và quý IV/2021.

Đáng chú ý, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ. Thời gian dự kiến trong giai đoạn 2021-2022 sau khi được chấp thuận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tại đại hội tới, BIDV cũng trình chuyển đổi Chi nhánh Yangon thành ngân hàng con. Vốn điều lệ ngân hàng con sẽ là 100 triệu USD, tăng 15 triệu USD. Dự kiến ngân hàng con sẽ đem về lợi nhuận trước thuế hàng năm trung bình 1,5 triệu USD/năm.

Đặc biệt, ngân hàng dự kiến đổi tên tiếng Anh và đổi tên viết tắt. Cụ thể, tên tiếng Anh sẽ đổi từ "Joint stock Commercial Bank for Investment and Development of Viet Nam" sang "Vietnam Commercial Bank for Investment and Development JSC.".

Tin mới lên