Trái chiều ý kiến về việc luật hóa các nội dung liên quan đến Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam

Thanh Long - 22/10/2019 17:36
(VNF) - Một số đại biểu quốc hội ủng hộ giữ nguyên quy định trong dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) theo hướng luật chỉ quy định chung về Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và giao cho Thủ tướng quy định cụ thể. Có đại biểu thì đề nghị quy định rõ mô hình công ty mẹ - con đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam vào dự thảo luật. Trong khi đó, có đại biểu lại đề nghị Quốc hội cân nhắc không nên tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con.
1
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam được thành lập trên cơ sở tổ chức lại 2 sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. HCM

Ngày 22/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Một trong những nội dung được thảo luận nhiều nhất là mô hình Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Theo đại biểu quốc hội (ĐBQH) Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh), Luật Chứng khoán (sửa đổi) nên giữ nguyên như nội dung hiện tại, có nghĩa là quy định chung về Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và giao cho Thủ tướng quy định cụ thể. Bởi thị trường chứng khoán hiện nay của Việt Nam mới hơn 20 năm phát triển, chưa thể được coi là có lịch sử phát triển lâu dài và ổn định, do đó, luật cần phải có các quy định mang tính định hướng và cần tạo sự chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tổ chức điều hành hoạt động của thị trường.

Trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32 ngày 7/1/2019 về sắp xếp lại các sở giao dịch chứng khoán theo định hướng thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con.

Đại biểu Thơ đánh giá việc thành lập công ty mẹ - con là hoạt động bình thường của doanh nghiệp và do chủ sở hữu quyết định theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cũng thống nhất dự thảo luật theo hướng chỉ có một sở giao dịch chứng khoán duy nhất làm đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán.

Tuy nhiên, vị đại biểu này lại cho rằng dự thảo luật nên nghiên cứu mô hình sở giao dịch chứng khoán có các sàn giao dịch sẽ phù hợp hơn, đồng thời dự thảo luật cần quy định các nguyên tắc phân định trách nhiệm, mối quan hệ của sở giao dịch chứng khoán với các sàn giao dịch, thay vì quy định chung trong luật và giao cho Thủ tướng quy định cụ thể như nội dung dự thảo hiện tại.

Đại biểu Tuyết cũng đề nghị cân nhắc không nên tổ chức thực hiện mô hình công ty mẹ - con, vì với mô hình này không khác gì có 3 sở giao dịch chứng khoán ra đời, 1 sở mẹ và 2 sở con, sẽ làm tăng bộ máy và không phù hợp với xu hướng sáp nhập nhiều sở giao dịch chứng khoán thành một sở giao dịch chứng khoán của nhiều nước trên thế giới giới đang thực hiện.

Bên cạnh đó, nên cân nhắc việc quy định tại Điều 42 quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, giải thể cơ cấu tổ chức hình thành sở hữu của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nhưng phải đảm bảo nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết vì "thực tế xu thế phát triển khi hội đủ điều kiện cần thiết thì nhà nước giảm dần và nhất thiết không nắm giữ cổ phần chi phối như nhiều nước trên thế giới hiện nay đang thực hiện".

Vị này cũng nhấn mạnh việc đặt Sở giao dịch chứng khoán ở đâu rất quan trọng.

"Để phát huy hiệu quả và tác động thị trường chứng khoán phát triển Sở Giao dịch chứng khoán được đặt tại Trung tâm Tài chính Quốc gia hướng đến quốc tế và khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh, năng động... Do đó, địa điểm đặt ở đâu không quy định trong dự thảo luật mà nên giao cho Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, dự thảo luật cần quy định các nguyên tắc, tiêu chí cơ bản để Chính phủ xem xét, quyết định chọn địa điểm đặt Sở Giao dịch chứng khoán và tổ chức thực hiện", đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết kiến nghị.

Trái ngược với ý kiến của đại biểu Ánh Tuyết, đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) lại đồng tình với phương án giao việc quy định cụ thể đối với Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam cho Thủ tướng Chính phủ để kịp thời đổi mới phương thức hoạt động, sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức, làm rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường chứng khoán, vì đây là thị trường mới, phát triển nhanh và biến động liên tục.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng các quy định trong dự thảo luật lần này còn chưa đủ, chưa tạo được khuôn khổ pháp lý cho Sở Giao dịch chứng khoán tổ chức, vận hành với tư cách là một doanh nghiệp như mục tiêu đặt ra.

"Tôi cho rằng thế giới ngày nay đang tổ chức lại mô hình tổ chức này theo hướng sáp nhập các sở giao dịch. Nhiều nơi thành lập tập đoàn liên quốc gia phù hợp với vận hành thể chế kinh tế toàn cầu. Trong nước chúng ta phải chào đón xu hướng này", đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Theo vị này, trong dự thảo luật, tại Điều 42 và Điều 45 có đề cập quyền và nghĩa vụ của Sở Giao dịch chứng khoán, nhưng mới chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Trong khi đó mô hình này theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ ở Quyết định số 32 là mô hình công ty mẹ - con.

"Chúng ta chỉ quy định mẹ mà không quy định con, trong khi công ty còn lại là công ty trực tiếp thực hiện các giao dịch chứng khoán, thực hiện khớp lệnh mua bán chứng khoán, điều này trực tiếp tác động đến quyền và lợi ích của những người tham gia chứng khoán là người dân chúng ta lại không chế định nó vào luật", đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Đại biểu đoàn Cà Mau đề nghị cần phải rà soát lại quy định tại Điều 42 và Điều 45 theo hướng trao cho Thủ tướng quy định về quyền, nghĩa vụ và quyền hạn của Sở Giao dịch chứng khoán nói chung, còn phân tầng ra là Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và các sở giao dịch chứng khoán ở các điểm thành lập, nên quy định cụ thể bởi văn bản của Thủ tướng Chính phủ.

Trái chiều ý kiến về việc luật hóa các nội dung liên quan đến Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam

Đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. HCM), đồng thời là thành viên trong Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì đề nghị luật hóa quy định Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam phải hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và 100% là vốn ngân sách nhà nước.

Theo đại biểu này, không nên quy định Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

"Đây là điều rất nguy hiểm như sự vội vã cổ phần hoá của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV vừa rồi, có lúc chúng ta định mua lại cổ phần đã cổ phần hoá. Đối với mô hình Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, tôi đề nghị tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước và tổ chức theo hình thức công ty mẹ con", ông Trần Hoàng Ngân nói.

Theo đánh giá của đại biểu Ngân, hiện nay đang có hai sở con có tư cách pháp nhân độc lập, hạch toán độc lập và đang hoạt động rất tốt theo mô hình này.

"Tôi rất mong Quốc hội ủng hộ Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam được tổ chức dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 100% vốn ngân sách nhà nước và hình thành dưới hình thức là công ty mẹ - con, còn lại những chức năng khác được Thủ tướng quy định chi tiết. Thủ tướng đã có hướng dẫn chi tiết thông qua Quyết định số 32", đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị.

Thực tế hiện nay, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) chỉ quy định chung về Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và không quy định cụ thể rằng sở này sẽ hoạt động theo mô hình nào. Tuy nhiên, Quyết định số 32 của Thủ tướng ban hành ngày 7/1/2019 về Đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã quy định mô hình sở này theo mô hình công ty mẹ - con.

Trên quan điểm là người đứng đầu cơ quan chuyên trách, thay mặt Chính phủ đệ trình dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay Luật Chứng khoán không cần nói mẹ - con nữa, nếu không sẽ rất dễ nhầm lẫn với quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam chỉ là tổ chức lại 2 sở hiện nay.

Về ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân nói rằng Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nên là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm 100% vốn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng ý kiến này cần phải nghiên cứu và cũng có thể tiếp thu báo cáo Quốc hội với lộ trình trước hết là sắp xếp 2 sở giao dịch chứng khoán hiện tại thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam từ nay đến năm 2023.

"Chắc là trong 5 năm tới chưa cổ phần hóa được sở này, theo thông lệ quốc tế thì các sở giao dịch chứng khoán là cổ phần, thậm chí là tư nhân nhưng trong điều kiện của chúng ta thị trường đang phát triển và đang sắp xếp, củng cố tổ chức thì chúng tôi cho rằng việc kế thừa, ổn định để đảm bảo ổn định thị trường phát triển trong điều kiện chúng ta đang yêu cầu phát triển cao và hội nhập. Đây là ý kiến rất cần phải nghiên cứu", Bộ trưởng đinh Tiến Dũng nói.

Đại biểu quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang)

"Tôi thống nhất với dự thảo luật là giao cho Ủy ban Chứng khoán nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính nhưng cần nghiên cứu lộ trình cụ thể để Ủy ban Chứng khoán nhà nước mang tính độc lập trực thuộc Chính phủ để đáp ứng về quy mô xu thế phát triển của thị trường chứng khoán, phát huy hiệu quả tốt nhất cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai".

Quảng cáo