Thu nhập có đợt 200 triệu/tháng, vẫn lo sống bấp bênh khi về già

Xuân Thạch - 14/04/2024 15:30
(VNF) - Có thu nhập ở mức khá, có đợt tiền về tài khoản 200 triệu/tháng nhưng nhiều người vẫn lo lắng tương lại bất ổn. Đặc thù công việc thu nhập không ổn định, không tham gia BHXH, trong khi chi phí nhu cầu trong tương lai sẽ tăng cao... đây là điều khiến nhiều người lo lắng cho cuộc sống 15 đến 20 năm tới.
Thu nhập có đợt 200 triệu/tháng, vẫn lo sống bấp bênh khi về già

Thu nhập khá tốt, nhưng không ổn định

Chị Chu Phương Mai (38 tuổi) ở quận Đống Đa, Hà Nội là 1 freelancer chia s, thu nhập có đợt nhiều khoản về lên đến hơn 200 triệu/tháng, thường chia theo đợt, tuỳ vào kỳ thanh toán của các đối tác, không tính chính xác được thu nhập cố định mỗi tháng, mà chỉ có thể tính trung bình hàng năm. Mỗi năm 2-3 đợt như vậy, cộng thêm với một vài công việc partime, nhưng không đều đặn, rất khó thống kê, và có một kế hoạch tiết kiệm tiền đều đặn

“Bản thân muốn có kế hoạch hưu trí khoảng 10 năm nữa, mà chưa rõ cụ thể sẽ như thế nào, mới chỉ nghĩ trong đầu. Hiện cũng chỉ có chuẩn bị tài chính cho việc này là 2 hợp đồng bảo hiểm và 1 khoản tiết kiệm bằng vàng, tiền mặt”, chị Phương nói

Chị Phương là 1 điển hình cho rất nhiều người hiện có thu nhập ở mức khá tốt so với mặt bằng chung, có 2-3 nguồn thu nhập nhưng thiếu tính ổn định, công việc có thể giảm hoặc mất hẳn thu nhập bất cứ lúc nào bởi nhiều yếu tố khách quan.

Cũng làm tự do, không ký hợp đồng lao động, nên ít quan tâm tham gia BHXH, đó là thực trạng chung của một bộ phận khá lớn những người lao động hay được gọi với tên freelancer, lao động tự do, kinh doanh online…mà bản thân họ không thuộc một tổ chức, hay công ty nào.

Thu nhập có đợt 200 triệu/tháng, vẫn lo sống bấp bênh khi về già
Những người làm freelancer, họ không thuộc một công ty hay tổ chức cụ thể nào, không ký kết hợp đồng lao động.

 

Chị Hương Giang, sinh năm 1996, ở Thái Nguyên chia sẻ, bản thân cũng là một người làm việc tự do, thu nhập chính là từ các job về content marketing, sản xuất video, bài PR… với trung bình khoảng 400 triệu/01 năm, nhưng cũng về theo từng đợt.

“Cũng nhiều lần nghe các chị cùng nhóm nói về chuyện hưu trí tuổi 50, mà bản thân em chưa hình dùng ra, hay là do mình còn quá trẻ. Nhưng với thực tại không thuộc tổ chức, công ty nào, đa phần chị em còn không tham gia BHXH, cũng là vấn đề phải suy nghĩ sớm, vì thời gian như các chị đồng nghiệp chỉ còn 15 năm nữa”, chị Giang kể.

Bác Minh Phương, sinh năm 1964 (60 tuổi), ở Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, lúc trẻ làm được bao nhiêu lo cho 3 cô con gái học hành. Tích cóp được chút tiền cho 2 vợ chồng nghỉ ngơi, không may 2019 gặp vấn đề về sức khoẻ, phải mổ tim, chi tiêu hết sạch số tiền đã tích cóp được bấy lâu nay. Cả 2 vợ chồng làm tự do, không thuộc cơ quan tổ chức nào nên không có lương hưu, hàng tháng chỉ có thu nhập từ tiền cho thuê nhà được khoảng 6 triệu một tháng. Hiện vì sức khoẻ yếu nên bác cũng không làm thêm được công việc gì để có thể gia tăng thu nhập.

“Hai vợ chồng cũng chi tiêu chắt bóp, với chi phí sinh hoạt đắt đỏ như hiện nay cũng không đủ, không dám đi du lịch ở đâu, quà bánh cho các con, các cháu cũng phải tính toán chi phí. Tôi chỉ mong sức khoẻ tốt, chứ ốm đau là xác định tốn kém, mình mà không lo được nữa thì đành phải phụ thuộc vào 3 cô con gái, với 3 chàng rể vậy”, bác Phương tâm sự.

Ngổn ngang lỗi lo về già

Những câu chuyện trên đây là lo lắng của khá nhiều thế hệ người Việt sinh từ khoảng 1970 – 1985, khi họ đã bước vào giai đoạn độ tuổi 40 đến 55 tuổi, thời điểm giai đoạn sau của cuộc đời và cần phải tính toán cho kế hoạch nghỉ ngơi dài hạn.

Tâm lý chung của hầu hết người Việt khi được hỏi đều mong muốn bảo đảm khi hưu trí, nhưng có một nghịch lý là chỉ hơn 28% người Việt được hỏi có kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc sống độc lập tài chính khi về già, nghiên cứu được thực hiện bởi viện nghiên cứu Y – Xã hội học (ISMS). Và trong đó, tài chính là yếu tố khiến nhóm tuổi 40 - 55 cảm thấy thiếu tự tin và lo lắng nhất.

Cũng theo các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), để có thể duy trì mức sống như trước khi nghỉ hưu, mỗi cá nhân cần có thu nhập tương đương 70 - 75% mức thu nhập bình quân trong 5 năm gần nhất trước nghỉ hưu.

Thu nhập có đợt 200 triệu/tháng, vẫn lo sống bấp bênh khi về già
Bác Sương hàng ngày bác vẫn phải đi giúp việc gia đình, trông con trẻ, để có thu nhập ở tuổi 61, vì bản thân cũng không có bất cứ một nguồn lương hưu nào. Ảnh: Xuân Thạch

 

Ông Dương Minh Tuấn (37 tuổi), một chuyên gia Tài chính Cá nhân cho rằng, hầu hết những người đang hưởng chế độ hưu trí ở Việt Nam đều ở mức thấp, chi tiêu khá tằn tiện, không bảo đảm mức sống tối thiểu. Nếu trước đây ở thành phố, các cụ thường có nhà cho thuê, hay có cửa hàng nho nhỏ làm vốn sống. Ở quê, có mớ rau, con gà ngoài vườn, tạo nguồn thu nhập nâng cao cuộc sống khi về già. Tuy nhiên, với đà phát triển của kinh tế xã hội, nhu cầu cuộc sống ngày càng nâng cao, đi liền với đó là chi phí cũng ngày càng tăng, đó là chưa kể đến sự trượt giá của đồng tiền. Chính vì vậy mà chuyện dưỡng già cho một thế hệ “hậu chiến” tại Việt Nam hiện nay ngổn ngang lỗi lo, chủ yếu là vấn đề tài chính và sức khoẻ.

“Ngoài việc phải đảm bảo mức sống hiện có, độ tuổi nghỉ hưu sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí khác như chi phí hưởng thụ, chi phí hội họp, giao lưu, đặc biệt là chi phí chăm sóc sức khoẻ chiếm phần nhiều trong tổng chi phí của người già. Chưa kể một thực tế xã hội hiện nay, nhiều người lớn tuổi gặp rủi ro từ những bài toán đầu tư "làm giàu không khó", rất có thể sẽ đưa cuộc sống của họ đi theo một hướng khác hoàn toàn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến đầu năm 2023, vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội hoặc bất cứ một tầng an sinh xã hội nào khác.

Cụ thể, BHXH Việt Nam hiện nay đang thực hiện chi trả cho khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu. Trong tổng số người hưởng này, phần lớn có mức hưởng từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng với gần 1,9 triệu người (chiếm 68,3% tổng số người hưởng lương hưu trên cả nước).Tuy nhiên thực tế cho thấy, đa phần với người lao động tham gia BHXH, với tình hình mức sống và giá cả leo thang như hiện nay, mức lương hưu bảo hiểm xã hội cũng chỉ đáp ứng được như nhu cầu cơ bản của cuộc sống.

Theo Tiễn sĩ Đỗ Thị Thu, Giảng viên chính khoa Kinh tế (Học viện Ngân hàng), thống kế cho thấy tại Việt Nam hiện nay có tới 77,39% lao động phi chính thức không thuộc diện nghèo (không nhận được các khoản trợ cấp cho người nghèo) nhưng cũng chưa được bao phủ BHXH.

“Với tính chất bấp bênh trong công việc và thu nhập, cũng như tính chất rủi ro, do không được đảm bảo an toàn lao động (không ký kết HĐLĐ), những lao động phi chính thức này có nguy cơ bị rớt xuống nhóm lao động nghèo tạm thời trước các cú sốc kinh tế - xã hội. Đặc biệt, khi không tham gia hệ thống BHXH, họ cũng rất dễ bị lọt khỏi lưới an sinh xã hội khi Chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ khẩn cấp”, Tiến sĩ Thu nói thêm.

Dự báo dân số giai đoạn 2019 - 2069 của Tổng cục thống kê cho thấy, năm 2036 Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già với tỷ lệ người 65 tuổi trở lên sẽ đạt 14,17% tổng dân số, và 2050 sẽ là giai đoạn dân số siêu già. Nếu không có sự chuẩn bị trước cho một kế hoạch hưu trí dài hạn, đầy đủ cả từ phía chính phủ và sự chủ động của người dân, rất có thể sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho vấn đề an sinh xã hội của cả quốc gia trong tương lai không xa.

Quảng cáo