Sau công nghiệp xanh, EU lại ‘sờ gáy’ thiết bị y tế Trung Quốc

Quang Đăng - 16/04/2024 13:44
(VNF) - Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị mở một cuộc điều tra về việc mua sắm thiết bị y tế của Trung Quốc. Điều này có nguy cơ gây căng thẳng mới với Bắc Kinh vài tháng sau khi mở cuộc điều tra về trợ cấp xe điện (EV) và mới đây là tuabin gió của nước này.

Hãng tin Bloomberg ngày 16/4 dẫn các nguồn thạo tin cho hay cuộc điều tra của EU nhằm giải quyết những lo ngại rằng chính sách của Bắc Kinh ưu đãi không công bằng cho các nhà cung cấp trong nước. Cuộc điều tra có thể được công bố sớm nhất là trong tuần này và có thể dẫn đến việc khối này hạn chế khả năng tiếp cận các gói thầu của Trung Quốc.

Sau công nghiệp xanh, EU lại ‘sờ gáy’ thiết bị y tế Trung Quốc
EU bắt đầu điều tra Trung Quốc về việc mua sắm thiết bị y tế.

Các nguồn tin cho biết cuộc điều tra ban đầu sẽ tập trung vào việc thu thập thông tin từ các công ty và quốc gia thành viên trước khi chính quyền bắt đầu đàm phán với Bắc Kinh về thị trường công bằng và cởi mở.

Cổ phiếu của các hãng thiết bị y tế châu Âu là Siemens Healthineers đã tăng tới 1,2% và cổ phiếu của Philips tăng tới 2,1%, sau khi Bloomberg đưa tin về cuộc điều tra.

Trung Quốc và EU năm ngoái đã nhất trí về sự cần thiết của quan hệ thương mại “cân bằng” và thảo luận về các thiết bị y tế, mỹ phẩm và chỉ số địa lý cho các sản phẩm thực phẩm để khắc phục sự mất cân bằng thương mại.

Trung Quốc trước đây đã phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng họ đã đóng cửa thị trường thiết bị y tế đối với các nhà sản xuất không phải của Trung Quốc và phân biệt đối xử với các nhà sản xuất nước ngoài trong đấu thầu công khai.

Căng thẳng leo thang

Động thái mới nhất của EU có nguy cơ làm tăng nguy cơ trong quan hệ giữa khối này và Trung Quốc, sau khi khối này vào năm ngoái đã tiến hành một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc và có thể phải áp dụng mức thuế mới vào tháng 7 tới đây.

Cuộc điều tra sẽ là bước đi đầu tiên đối với cái gọi là Công cụ Mua sắm Quốc tế (hay IPI) của EU, một đạo luật năm 2022 nhằm thúc đẩy sự có đi có lại trong việc tiếp cận thị trường mua sắm công.

Các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn lo lắng về các rào cản tiếp cận thị trường và sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc. Thâm hụt thương mại hàng hóa của EU với Trung Quốc là 291 tỷ euro (312,6 tỷ USD) vào năm ngoái, khi Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất của khối này.

Trung Quốc đã vượt qua EU vào năm 2020 để trở thành nhà sản xuất lắp đặt năng lượng gió lớn nhất và hiện chiếm hơn một nửa số tuabin gió đang hoạt động trên thế giới.

Ở góc độ rộng hơn, Bắc Kinh đang tìm cách khẳng định mình là nước dẫn đầu toàn cầu về loại công nghệ sạch mà EU sẽ dựa vào để đạt được quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh.

Trong một tuyên bố đưa ra mới đây, người đứng đầu Cục Phòng vệ Thương mại của Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay các cuộc điều tra do EU tiến hành cho đến nay đều nhằm vào các doanh nghiệp liên quan đến năng lượng mới của Trung Quốc.

Theo ông, điều này sẽ không chỉ làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc đầu tư và kinh doanh ở châu Âu mà còn cản trở sự hợp tác công nghiệp cùng có lợi giữa Trung Quốc và châu Âu.

“Các cuộc điều tra cũng sẽ ảnh hưởng đến phản ứng toàn cầu đối với các nỗ lực biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi xanh”, vị quan chức Trung Quốc nhấn mạnh trong buổi gặp ông Martin Lukas, tổng giám đốc cơ quan phòng vệ thương mại của Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ.

Xem thêm >> Cam kết 'kiểm soát nghiêm ngặt' nhưng Trung Quốc vẫn đốt than phát điện nhiều nhất thế giới

Quảng cáo