PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: 'Đề nghị thu hồi sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất'

Đinh Tịnh - 04/05/2021 09:25
(VNF) - Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống việc ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất là khó tránh khỏi ngay cả khi xây dựng thêm nhà ga mới T3. Bởi nhà ga T3 chỉ giải quyết một phần ùn tắc trong sân bay nhưng tạo áp lực lớn lên hạ tầng bên ngoài sân bay. Vì thế, đề xuất thu hồi phần đất sân golf phía Bắc để xây dựng thêm nhà ga T4 là cần thiết.
1
Đề xuất thu hồi sân gofl tại sân bay Tân Sơn Nhất đề xây dựng nhà ga T4

ACV lãi lớn từ cảng hàng không Tân Sơn Nhất

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, trong 22 sân bay do ACV quản lý chỉ có 6 sân bay có lãi, trong đó ghi nhận sân bay Tân Sơn Nhất lãi nhiều nhất từ mấy chục năm qua.

Do đó đáng lẽ ra ACV phải sớm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất và cung cấp dịch vụ chất lượng tốt hơn cho hành khách chứ không phải dịch vụ yếu kém và cơ sở vật chất chất chội như hiện nay.

Mới đây, việc ùn tắc xảy ra ở khâu soi chiếu của sân bay Tân Sơn Nhất là do diện tích nhà ga hành khách quá nhỏ so với nhu cầu hành khách tăng cao hàng năm. Trong khi năm 2019 sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ trên 26 triệu hành khách quốc nội và trên 15 triêu hành khách quốc tế nhưng nhà ga quốc nội chỉ có diện tích 41.000 m² và nhà ga quốc tế có diện tích 108.000 m2. Tính bình quân 1.900 m2 cho 1 triệu hành khách quốc nội và 7.200 m2 cho 1 triệu hành khách quốc tế, nếu tính chung cho cả khách quốc tế và quốc nội thì bình quân 3.600 m2 cho 1 triệu hành khách.

Nếu với mức bình quân 10.000 m2 cho 1 triệu hành khách như công ty tư vấn Pháp ADPi đề xuất cho nhà ga hành khách T3, sân bay Tân Sơn Nhất cần diện tích 500.000 m2 cho năng suất 50 triệu HK/năm.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: 'Đề nghị thu hồi sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất'

Ùn tắc nghiêm trọng tại sân bay Tân Sơn Nhất

"Nhà ga hành khách T3 sắp xây dựng thực sự chỉ 100.000 m2 thôi nên tổng diện tích nhà ga phía Nam là 250.000 m2 và như thế cần xây dựng nhà ga hành khách T4 với diện tích 250.000 m2 ở phía Bắc cho tương ứng với năng suất mở rộng 50 – 60 triệu HK/năm của sân bay Tân Sơn Nhất", ông Nguyễn Thiện Tống tính toán.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cũng chỉ rõ: ACV đã lãi rất nhiều từ thu phí hàng trăm nghìn đồng mỗi lượt khách qua sân bay Tân Sơn Nhất, tuy nhiên, việc phục vụ chưa xứng đáng, hành khách vẫn phải chịu ùn tắc và chen chúc mỗi khi đến sân bay.

Cần thu hồi sân golf để mở rộng sân bay

Trao đổi với VietnamFinance về phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đánh giá: Phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất của ADPi đề xuất việc xây dựng nhà ga hành khách mới T3 có năng suất 20 triệu HK/năm ở phía Tây Nam là một sai lầm chiến lược về kết nối giao thông cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Việc tập trung nhà ga ở phía Nam theo phương án ADPi thì hành khách đi lại thuận tiện bên trong sân bay nhưng khi vào/ra sân bay sẽ rất bất tiện. Bởi lẽ, việc vào/ra hai nhà ga cũ T1, T2 vẫn chủ yếu theo đường Trường Sơn luôn bị kẹt xe.

Còn hành khách vào/ra nhà ga mới T3 ở phía Tây Nam đi qua trục thứ nhất (đường C12) và trục thứ hai (đường Hoàng Hoa Thám và Hẽm 22 Cộng Hòa) sẽ tiếp tục làm tắc nghẽn giao thông ở cung đường Trường Chinh - Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ của vùng phía Tây nam và Nam sân bay mà trầm trọng nhất là ở giao lộ Trường Chinh - Cộng Hòa.

Khách đến sân bay không chỉ là người dân từ trung tâm TP.HCM mà còn từ các vùng ngoại thành và các tỉnh Miền Tây, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, nếu chỉ kết nối giao thông phía nam thì những người này vào sân bay sẽ tốn thời gian đi qua khu vực trung tâm, “chèn” vào mạng lưới giao thông đô thị, dẫn đến ách tắc nghiêm trọng.

Vì thế đối với sân bay Tân Sơn Nhất, không kết nối giao thông ra phía Bắc là bế tắc.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: 'Đề nghị thu hồi sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất'

Ông Tống cho hay, trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chọn phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam của Công ty tư vấn Pháp ADPi, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất với năng suất 60 triệu hành khách/năm, mở rộng xây dựng nhà ga hành khánh cả về phía Nam và về phía Bắc.

Để có kiến nghị trên, UBND TP.HCM đã đặt hàng nhóm nghiên cứu do Trường đại học Bách khoa TP.HCM chủ trì gồm các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không nghiên cứu phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, với hai đường cất cánh của sân bay Tân Sơn Nhất có thể nâng tần suất cất hạ cánh tối đa lên 70 lượt cất hạ cánh/giờ, ứng với năng suất khoảng 60 triệu lượt hành khách/năm.

Trong giai đoạn 2018-2020, xây dựng nhà ga T3 tại phía Nam với năng suất khoảng 10 triệu hành khách/năm rồi trong giai đoạn 2020-2022, xây dựng nhà ga T4 tại phía Bắc với năng suất dự kiến khoảng 20 triệu hành khách/năm và cải thiện hệ thống đường dẫn cùng với việc triển khai chương trình quản lý điều hành không lưu. 

"Thu hồi sân golf, xây dựng thêm nhà ga hành khách T4 với diện tích 250.000 m2 và mở rộng sân bay về phía bắc là phương án cần thiết và thuận tiện nhất để sân bay Tân Sơn Nhất tăng năng suất lên mức 50 – 60 triệu HK/năm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2025 và lâu dài về sau. Có như vậy mới giảm được ùn tắc thực sự cho Tân Sơn Nhất", ông Tống chia sẻ.

Quảng cáo