Khởi đầu tích cực nhưng rủi ro vẫn đang chờ: Kịch bản nào cho GDP 2024?

Kỳ Thư - 01/04/2024 06:30
(VNF) - Mức tăng trưởng Quý I là khởi đầu tích cực cho nền kinh tế trong năm 2024, con số tăng trưởng 5,66% là một bước chỉ dấu tích cực cho kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.
Khởi đầu tích cực nhưng rủi ro vẫn đang chờ: Kịch bản nào cho GDP 2024?

Quý I: Khởi đầu tích cực cho nền kinh tế năm 2024

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, tăng trưởng GDP quý 1/2024 đạt 5,66%.

Tổng cục Thống kê đánh giá, kết quả này khá phù hợp với các diễn biến kinh tế trong 3 tháng đầu năm. Tuy chưa bằng thời điểm cùng kỳ năm 2018 và 2019 nhưng mức tăng trưởng này là kết quả cho những nỗ lực sát sao, kịp thời trong điều hành chính sách của Chính phủ, Nhà nước, bộ ngành và sự cố gắng, quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp, người dân.

 

Khởi đầu tích cực nhưng rủi ro vẫn đang chờ: Kịch bản nào cho GDP 2024?

Theo kịch bản của Nghị quyết 01, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6 - 6,5%. Trong đó, quý 1 có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%.

vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý 1 đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%).

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định với diễn biến kinh tế của 3 tháng đầu năm, có thể nói lĩnh vực công nghiệp đã có những kết quả tốt hơn so với kỳ vọng. Trái lại, lĩnh vực dịch vụ chưa có sự bứt phá và đóng góp tốt vào tăng trưởng như kịch bản điều hành.

"Trước bối cảnh của kinh tế trong nước và thế giới, con số tăng trưởng 5,66% là một bước khởi đầu tích cực cho kinh tế năm 2024 của Việt Nam", bà Hương nhấn mạnh.

Còn nhiều rủi ro

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, dù có sự khởi sắc trên nền tăng trưởng thấp của năm ngoái, song kinh tế Việt Nam trong năm 2024 vẫn tiềm ẩn các rủi ro, đề nặng lên giải pháp tăng trưởng từ nay đến cuối năm.

Cụ thể, với xu thế tích cực của quý I, nếu Việt Nam tiếp tục giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiên trì những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước thì xu thế khởi sắc về tiêu dùng trong nước và xuất khẩu  sẽ được lan tỏa trong các quý tiếp theo.

Tuy vậy, trước diễn biến phức tạp khó lường của kinh tế toàn cầu, phục hồi tăng trưởng chậm cùng với những áp lực từ giá cả, lạm phát  và xu hướng giảm cầu tiêu dùng, thương mại trong nước và quốc tế vẫn là những trở ngại, thách thức lớn trong điều hành và phát triển kinh tế của Việt Nam.

“Với những căng thẳng địa chính trị chưa rõ thời điểm kết thúc, áp lực phải duy trì nền lãi suất cao, biến động về tỷ giá, thậm chí là biến động của những tài sản thường được sử dụng như đầu tư như vàng cũng gây áp lực cho khả năng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam và khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Việt nêu rõ.

Trong bối cảnh đó, dù lạm phát vẫn trong vòng kiểm soát, song trong năm 2024 có một số mặt hàng nhất định như điện, y tế, giáo dục, xăng dầu  có sự tăng giá hơn so với năm 2023 sẽ tạo áp lực cho lạm phát 2024. Điều này sẽ làm hẹp dư địa chính sách để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế  trong nước

“Chúng ta cần duy trì lãi suất phù hợp trong thời gian dài để cho các ngân hàng có thể cung ứng vốn cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất. Điều này phụ thuộc vào việc có duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định tỷ giá”, ông Việt lưu ý.

Hai kịch bản tăng trưởng 2024

Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng theo Nghị quyết 01 lần lượt như sau:

Kịch bản 1 (năm 2024 tăng 6%): Quý 1 tăng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%, trong đó quý 2 tăng khoảng 5,85%; quý 3 tăng khoảng 6,22%; quý 4 tăng khoảng 6,28%.

Kịch bản 2 (năm 2024 tăng 6,5%): Quý 1 tăng khoảng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%, trong đó quý 2 tăng khoảng 6,32%; quý 3 tăng khoảng 6,79%; quý 4 tăng khoảng 7,08%.

Khởi đầu tích cực nhưng rủi ro vẫn đang chờ: Kịch bản nào cho GDP 2024?
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Để nền kinh tế vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ, bám sát các mục tiêu và giải pháp đã được để ra trong Nghị quyết 01.

"Cần tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu; chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh", bà Hương nói.

Đối với nông, lâm nghiệp và thủy sản, cần khắc phục tối đa ảnh hưởng của xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đối phó với tình trạng hạn hán, đặc biệt là các tỉnh vùng Tây Nguyên; kiểm soát tốt dịch bệnh, giá thành, giá bán sản phẩm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Về công nghiệp và xây dựng, tiếp tục rà soát, thực hiện quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động, sản xuất kinh doanh đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp chủ lực của nước ta như dệt may, da giày…

Ngoài ra, bà Hương cũng cho rằng cần chủ động đảm bảo cung ứng điện phục vụ nhu cầu điện tiêu dùng và sản xuất, đặc biệt trong những tháng cao điểm trong quý 2, quý 3; ổn định giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nguyên vật liệu xây dựng bảo đảm cân đối cung cầu.

Thêm nữa, cần phát triển mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, đó là cầu nối hiệu quả trong việc lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế, thúc đẩy mạnh mẽ xuất, nhập khẩu; kích cầu du lịch nội địa, quốc tế; thu hút và giữ chân khách du lịch bằng các dịch vụ chất lượng cao, “làm mới” sản phẩm du lịch phù hợp xu hướng…

Đối với xuất, nhập khẩu, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nhằm rút ngắn thời gian trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ…

Quảng cáo