Chung cư tăng giá cao bất thường, Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội vào cuộc

Lệ Chi - 17/04/2024 12:30
(VNF) - Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch, môi giới, đặc biệt các dự án chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.
1
Chung cư Hà Nội tăng giá bất thường, Bộ Xây dựng vào cuộc

Theo Bộ Xây dựng, thời gian gần đây, báo chí có phản ánh tại một số khu vực, dự án, khu nhà chung cư có căn hộ tăng giá với mức bất thường, có hiện tượng thổi giá, làm giá, đầu cơ.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP. Hà Nội kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản trên địa bàn, đặc biệt tại các dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ và các hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh bất động sản nếu có.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội có báo cáo gửi về bộ trước ngày 20/4.

Tính hết quý I/2024, mặt bằng giá chung cư sơ cấp tại Hà Nội đã thiết lập mức giá mới, đạt ngưỡng trung bình 59 triệu đồng/m2, tăng 21 quý liên tiếp. Đơn vị nghiên cứu thị trường Savills ghi nhận giá chung cư sơ cấp trung bình trong quý I năm nay cao hơn 40% so với giá thứ cấp, thúc đẩy nhiều dự án chung cư cũ tăng giá.

Diễn biến này cũng được đơn vị nghiên cứu CBRE cho biết, giá chung cư trung bình các dự án tại Hà Nội ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều tăng nhanh trong 3 tháng đầu năm nay và đang dần tiệm cận mức giá chung cư tại TP. HCM.

Tại Hà Nội, phần lớn nguồn cung mới ở phân khúc cao cấp, từ 60-120 triệu đồng/m2 đã đẩy giá bán sơ cấp chung cư Hà Nội lên cao. Giá trung bình căn hộ mới ở Thủ đô đã tăng 5% theo quý, thu hẹp đáng kể mức chênh lệch với thị trường TP. HCM. Khoảng cách này giờ chỉ còn 10%, trong khi hai năm trước, giá chung cư trên thị trường sơ cấp TP. HCM cao hơn Hà Nội 35%.

Đặc biệt, giá chung cư thứ cấp (người dân mua bán với nhau) tại Hà Nội trong quý I ghi nhận mức tăng theo năm cao nhất từ trước tới nay, tăng 17%. Giá chung cư cũ đạt trung bình hơn 36 triệu đồng/m2. Đà tăng này diễn ra ở hầu hết các quận ở Hà Nội, nhất là khu vực phía Tây.

Cho ý kiến về Luật Đất đai sửa đổi tại toạ đàm “Cơ hội đầu tư bất động sản với Luật Đất đai sửa đổi” được Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa nêu tình trạng thực tế của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay là khủng hoảng phân khúc.

Cách đây 2 năm, Thủ tướng Chính phủ đã nêu lên thực trạng này và đưa ra 2 phương án để cứu phân khúc nhà ở giá rẻ là thông qua ngân sách và ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, ông Nghĩa đánh giá không thể dựa vào ngân hàng để đẩy nhà ở xã hội lên.

"Cho tới nay, phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ gần như thất bại, trong khi đó phân khúc chung cư thương mại 'một mình một ngựa' thẳng tiến với tốc độ tăng giá đáng sợ”, ông nói và nhấn mạnh thực trạng này cho thấy một bước lùi về chiến lược xử lý thị trường nhà ở.

Vị chuyên gia dẫn chứng một căn chung cư trong 2 năm tăng từ 3,6 tỷ lên 7 tỷ đồng, ai cũng nghĩ sẽ còn tăng nữa nên không bán. Việc cung khan hiếm mà cầu tiếp tục tăng khiến cung - cầu không gặp nhau mà gần như đi song song. Trong khi cung ngừng, cầu vẫn đi sẽ tạo ra "bong bóng".

Từ thực tế này, ông Nghĩa cho rằng nếu không cảnh báo từ hiện tại và không sớm thực hiện Luật Đất đai để đưa các phân khúc khác vào thì phân khúc chung cư sớm muộn cũng sụp đổ có thể từ nay tới cuối năm, khiến chính sách chiến lược của Chính phủ cũng bị ảnh hưởng.

Quảng cáo