BoE nâng lãi suất lần thứ hai kể từ năm 2007

Như Mai - 03/08/2018 09:27
Theo BoE, quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp chính sách thường kỳ của MPC trong bối cảnh kinh tế Anh cho thấy những dấu hiệu phục hồi sau khi tăng trưởng chậm lại hồi mùa Đông vừa qua.
1
BoE nâng lãi suất lần thứ hai kể từ năm 2007.

Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia thị trường và giới phân tích, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 2/8 đã quyết định nâng lãi suất từ 0,5% lên 0,75%, mức cao nhất trong chín năm trở lại đây, với sự đồng lòng nhất trí của toàn bộ các thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC) thuộc BoE.

Ngày 2/8 là ngày đáng ghi nhớ đối với thị trường tiền tệ của “xứ sở sương mù”, bởi đây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, lãi suất tăng lên trên mức 0,5% và là lần tăng lãi suất thứ hai của BoE tính từ thời điểm đó.

Theo BoE, quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp chính sách thường kỳ của MPC trong bối cảnh kinh tế Anh cho thấy những dấu hiệu phục hồi sau khi tăng trưởng chậm lại hồi mùa Đông vừa qua. Biên bản cuộc họp của MPC cho thấy họ tiếp tục đánh giá sự tăng trưởng chậm của kinh tế Anh chỉ ở mức rất “hạn chế”. Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở thấp và dự báo sẽ tiếp tục giảm.

Trong khi đó, lạm phát giá tiêu dùng hiện tăng nhanh hơn mức mục tiêu 2% đề ra và do vậy, BoE cần tăng chi phí đi vay để kiềm chế lạm phát. Trong tháng 6/2018, lạm phát ở mức 2,4%, do chi phí nhập khẩu tăng lên trước sự rớt giá mạnh trước đó của đồng bảng, cộng thêm giá năng lượng leo thang.

Tuy nhiên, BoE cũng đưa ra cảnh báo rằng Brexit, chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), có thể ảnh hưởng xấu tới đà phục hồi của kinh tế Anh. Triển vọng kinh tế của “xứ sở sương mù” sẽ chịu chi phối đáng kể của phản ứng từ các hộ gia đình, giới doanh nghiệp và các thị trường tài chính liên quan đến những diễn biến của tiến trình Brexit.

Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế đưa ra những nhận định trái chiều nhau về quyết định tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 2/8. Nhà kinh tế chủ chốt Ian Stewart thuộc Deloitte ca ngợi bất luận thế nào thì đây là bước đi “mạnh bạo” của BoE và vào đầu năm 2019 sẽ cho thấy quyết định của họ vào thời điểm này có phù hợp hay không.

Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng đây là quyết định sai lầm vào thời điểm nước Anh có nguy cơ rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào. Hơn nữa, chi phí đi vay tăng lên sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp phụ thuộc vào chi tiêu tiêu dùng.

Trước khi cuộc họp của MPC diễn ra, thị trường tiền tệ tin tưởng rằng 90% khả năng MPC sẽ quyết định nâng lãi suất sau nhiều lần nâng lên đặt xuống. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh kinh tế Anh có những dấu hiệu tích cực và tiêu cực đan xen nhau và khả năng ngày càng lớn rằng nước Anh sẽ rời EU vào tháng 3/2019 mà hai bên không đạt được một thỏa thuận nào. Ngay sau quyết định trên, đồng bảng Anh tăng lên trên ngưỡng 1,31 USD sau khi rớt giá hồi đầu phiên so với đồng USD.

Quyết định tăng lãi suất của BoE phần nào làm dịu những sức ép mà tình hình bất ổn chính trị trong nước tạo ra đối với đồng bảng Anh. Đồng bảng đã rớt giá mạnh từ mức 1,5 USD khi người dân Anh đi bỏ phiếu hồi tháng 6/2016, xuống mức thấp 1,2 USD hồi tháng 1/2017 do giới đầu tư đánh giá lại về cơ hội đầu tư và triển vọng kinh tế của “xứ sở sương mù”, trước khi hồi phục lên mức cao 1,43 USD hồi tháng Tư vừa qua.

Tuy nhiên, những lục đục nội bộ trong việc đạt được sự nhất trí chung liên quan đến đàm phán Brexit cùng với sự hồi phục của đồng USD đã khiến cho đồng bảng Anh không duy trì được ngưỡng này.

Liên quan đến kế hoạch nâng lãi suất trong thời gian tới, mặc dù Thống đốc BoE Mark Carney sau cuộc họp đã nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc tiếp tục nâng lãi suất, song BoE tỏ ra không vội vàng khi nói rằng “bất kỳ sự gia tăng lãi suất nào trong tương lai đều sẽ diễn ra với nhịp độ từ từ và ở mức hạn chế”.

Động thái này dường như một lần nữa sẽ được lặp lại sau lần tăng lãi suất lên 0,5% hồi tháng 11/2017. Ông Carney cũng cho biết BoE đã sẵn sàng cho mọi tình huống sau Brexit.

Quảng cáo