Diễn đàn VNF

Xếp hạng tín nhiệm: Tránh 'minh bạch nửa vời'

(VNF) - Yêu cầu xếp hạng tín nhiệm trong Nghị định 65 một mặt nhằm tăng tính minh bạch của các tổ chức phát hành trái phiếu nhưng mặt khác, ngay chính các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng cần đáp ứng các yêu cầu minh bạch.

Xếp hạng tín nhiệm: Tránh 'minh bạch nửa vời'

Ông Trần Lê Minh - CEO VIS Rating

Để làm rõ những vấn đề xoay quanh thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nói chung và xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam nói riêng, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating).

- Trong hai tháng đầu năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khá ảm đạm. Dù nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn nhiều lãi suất tiết kiệm nhưng nhà đầu tư vẫn chưa mấy mặn mà. Theo ông, đây có phải là tín hiệu đáng lo ngại đối với thị trường TPDN trong năm 2024 không? Lý do của sự ảm đạm này có phải một phần là do Nghị định 65 bắt đầu có hiệu lực trở lại?

Theo quan sát của VIS Rating về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam hàng năm, giai đoạn tháng 1 và tháng 2 trước Tết âm lịch thường là các tháng có lượng phát hành thấp nhất trong năm. Điều này có nguyên nhân từ yếu tố mùa vụ bởi các tổ chức phát hành thường cố gắng thực hiện xong kế hoạch phát hành vào giai đoạn cuối năm trước đó. Ngoài ra, các kế hoạch phát hành trái phiếu mới thông thường sẽ cần phải xin phê duyệt từ đại hội đồng cổ đông và nhiều doanh nghiệp niêm yết thường chờ đến đợt họp đại hội đồng cổ đông thường niên đầu năm. Như vậy, việc thị trường ảm đạm trong 2 tháng đầu năm không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Trong khi đó, Nghị định 65 có hiệu lực trở lại sẽ giúp kỷ luật thị trường được tăng lên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng TPDN phát hành mới và giúp thị trường phát triển một cách bền vững hơn so với giai đoạn trước.

Về dài hạn, thị trường TPDN được kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2024 dựa trên các yếu tố cơ bản gồm môi trường kinh doanh cải thiện và nền lãi suất thấp. Tỷ lệ chậm trả gốc lãi TPDN phát sinh mới sẽ giảm mạnh trong năm 2024 và giá trị phát hành mới tiếp tục hồi phục dần sau khi đã tạo đáy trong năm 2022.

- Nghị định 65 có yêu cầu xếp hạng tín nhiệm. Theo ông, xếp hạng tín nhiệm có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của thị trường TPDN?

Trước đây, các nhà đầu tư đa phần chỉ quan tâm đến lãi suất trái phiếu như thế nào, tên tuổi đơn vị phát hành trái phiếu ra sao mà ít để ý đến chất lượng tín dụng, khả năng trả nợ gốc/lãi đúng hạn của tổ chức phát hành. Chính vì thế, khi Nghị định 65 yêu cầu phải xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư sẽ có thêm một nguồn thông tin bổ sung quan trọng khi đánh giá về các doanh nghiệp chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn, vốn thường hạn chế công bố thông tin ra bên ngoài. Từ những đánh giá mang tính độc lập và khách quan về chất lượng tín dụng của tổ chức phát hành và/hoặc công cụ nợ của tổ chức phát hành, nhà đầu tư có thể dễ dàng so sánh các công cụ nợ theo tiêu chí chất lượng tín dụng.

Chưa kể, kết quả xếp hạng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng sẽ được công bố công khai và theo dõi liên tục nhằm kịp thời phản ánh bất kỳ thay đổi quan trọng nào trước những phát triển liên quan đến tổ chức phát hành hoặc các sự kiện khác.

- Xếp hạng tín nhiệm có thể giúp các nhà đầu tư tránh được hoàn toàn rủi ro không? Nếu một doanh nghiệp được xếp hạng cao nhưng vẫn bị vỡ nợ thì khi đó, trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Kết quả xếp hạng tín nhiệm giúp cho nhà đầu tư có thể đánh giá được khả năng trả nợ của tổ chức phát hành và công cụ nợ, so sánh tương đối về chất lượng tín dụng giữa các tổ chức phát hành và công cụ nợ với nhau.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phải xác định rõ ràng xếp hạng tín nhiệm không phải là khuyến nghị đầu tư dưới mọi hình thức và họ phải tự chịu trách nhiệm khi sử dụng thông tin. Nói cách khác, kết quả xếp hạng tín nhiệm chỉ giúp nhà đầu tư nhận diện được mức độ rủi ro chứ không giúp tránh được rủi ro khi đầu tư vào các công cụ nợ của tổ chức phát hành đó.

Còn về trách nhiệm trong trường hợp một doanh nghiệp được xếp hạng cao nhưng vẫn bị vỡ nợ thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm các thỏa thuận trong quyết định đầu tư, quy định pháp luật liên quan và cơ chế giám sát quản lý.

Một trong những điểm quan trọng cần xem xét là thỏa thuận trong quyết định đầu tư. Trong các giao dịch tài chính, doanh nghiệp thường phải ký kết các hợp đồng với các bên như ngân hàng, nhà đầu tư, hoặc nhà cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Trách nhiệm của các bên có thể được quy định rõ trong các hợp đồng này.

- Quy chuẩn và thang điểm xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam và quốc tế có nhiều khác biệt không?

Các thang điểm của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và Việt Nam đều có sự tương đồng về cấu trúc giúp cho nhà đầu tư nhận diện mức độ rủi ro tín dụng và so sánh tương đối chất lượng tín dụng của các tổ chức phát hành và công cụ nợ với nhau. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng đồng thời cả dịch vụ xếp hạng tín nhiệm quốc tế và xếp hạng tín nhiệm nội địa tùy theo nhu cầu và định hướng về thị trường phát hành TPDN.

Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp Việt Nam được các tổ chức quốc tế thực hiện đánh giá xếp hạng tín nhiệm toàn cầu thì kết quả bị ảnh hưởng bởi mức trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia do thang điểm của Moody’s được xây dựng để đánh giá mức độ xếp hạng tín nhiệm cho các doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu nên. Khi đó, kết quả xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam sẽ không cao hơn kết quả xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Trong khi đó, ở các tổ chức xếp hạng tín nhiệm ở trong nước, đơn cử như VIS Rating, phương pháp luận xếp hạng tín nhiệm đã được tinh chỉnh theo các yếu tố của thị trường Việt Nam. Nhờ đó, thang điểm xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp thị trường có thể so sánh chất lượng tín dụng của các doanh nghiệp Việt Nam trong cùng một không gian tài chính và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

- Tại Trung Quốc từng xảy ra tình trạng mua kết quả xếp hạng, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp được xếp hạng tốt dù thực tế khác xa. Ông có lo ngại rằng tình trạng này sẽ diễn ra ở Việt Nam không?

Hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam mới được triển khai nhưng đã có tương đối đầy đủ các khuôn khổ pháp lý để kiểm soát, đơn cử như Nghị định 88/2014/NĐ-CP quy định chi tiết về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để tránh tình trạng phát triển thiếu kiểm soát giống như đã từng xảy ra ở các nước xung quanh.

Tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta cũng mới chỉ có 3 doanh nghiệp được cấp phép, điều này giúp loại bỏ những cạnh tranh không đáng có ở một lĩnh vực đòi hỏi chất lượng công việc rất cao, kết quả xếp hạng phải hoàn toàn độc lập. Đây lại là yếu tố mà thị trường Trung Quốc từng bị hạn chế khi có nhiều tổ chức có chức năng đánh giá, cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Việt Nam là nước đi sau về triển khai hoạt động xếp hạng tín nhiệm, từ đó, chúng ta có nhiều mô hình thành công để học hỏi, cũng như có nhiều bài học kinh nghiệm có thể tránh. Song song với đó, chúng ta cũng có thể lựa chọn các đối tác đồng hành để có thể thừa hưởng kinh nghiệm từ các đối tác hàng đầu.

Trong giai đoạn nghiên cứu thành lập VIS Rating, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã quyết tâm gạt bỏ một đối tác khu vực để kết hợp với Moody’s - tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu trên thế giới với mong muốn tạo ra chuẩn mực mới cho sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam.

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như VIS Rating cũng được kiểm soát bởi các quy định chặt chẽ của Bộ Tài chính cũng như các quy tắc quốc tế của IOSCO và Moody’s để đảm bảo tách bạch hoạt động kinh doanh và hoạt động xếp hạng, kiểm soát toàn bộ các xung đột lợi ích, từ đó đảm bảo chất lượng của báo cáo xếp hạng tín nhiệm được ban hành với tiêu chuẩn cao nhất.

Tuy vậy, để thị trường xếp hạng tín nhiệm minh bạch, tôi nhận thấy cần phải có các hoạt động kiểm tra giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước tại các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm để đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động ở một quy chuẩn tối thiểu chung tránh phát sinh cạnh tranh hoặc hạ chuẩn trong quá trình cung cấp dịch vụ ra thị trường.

Tin mới lên