Tiêu điểm

VNF cuối tuần: Vì sao có tình trạng bất nhất số liệu thống kê về ngành vận tải?

(VNF) - Tuần qua, các cơ quan chức năng đã công bố nhiều số liệu thống kê quan trọng liên quan đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế. Đáng chú ý là đang có sự bất nhất về số liệu liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải.

VNF cuối tuần: Vì sao có tình trạng bất nhất số liệu thống kê về ngành vận tải?

Ảnh hưởng tới mức nào?

Ngày 27/6, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đã ký một báo cáo trình Chính phủ liên quan về thực hiện lắp camera đối với xe ô tô kinh doanh vận tải. Báo cáo này đã cung cấp những số liệu khá bi quan về tình hình của ngành vận tải.

Cụ thể, Bộ cho biết hiện tại các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; đặc biệt là vận tải hành khách, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, có khi bị dừng hoạt động hoặc được phép hoạt động nhưng chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa của phương tiện để thực hiện phòng chống dịch, số lượng khách đi giảm sút, điều này dẫn đến doanh thu vận tải bị giảm sút, sản lượng vận tải giảm sút nghiêm trọng; chi phí tăng do phải trang bị thêm khẩu trang, sát khuẩn tay và sát khuẩn phương tiện…

Bộ dẫn số liệu từ báo cáo của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (tại văn bản số 46/CV-HHVT ngày 24/6/2021), cho thấy tổng hợp chung sản lượng, doanh thu trong vận tải hành khách 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt từ 20-30% so với trước dịch.

Trong vận tải hàng hóa thì sản lượng và doanh thu ước đạt khoảng 70-80% so với trước dịch, tùy theo vùng miền, từng khu vực.

Bên cạnh đó, Bộ dẫn thống kê trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục ĐBVN cho thấy tỷ lệ phương tiện hoạt động bình quân trên toàn quốc trong tháng 5/2021 chỉ đạt khoảng 54% (trong khi đó tỷ lệ này trước thời điểm diễn ra dịch bệnh vào khoảng 70-75%).

Mặt khác, qua theo dõi đánh giá tình hình thực tiễn hầu như khoảng trên 90% số doanh nghiệp kinh doanh vận tải (trong tổng số khoảng 57.710 đơn vị kinh doanh vận tải, với khoảng 200.000 xe thuộc diện phải lắp camera) đều có vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện và tổ chức hoạt động vận tải.

“Trước những ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, đặc biệt từ ngày 01/4/2020 đến nay đã có 4 đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát vì thế phương tiện hoạt động bị gián đoạn, cầm chừng hoặcphải dừng hoạt động để phục vụ công tác chống dịch Covid-19 dẫn đến tình hình rất khó khăn do không có doanh thu để chi trả tiền lương lái xe, đóng bảo hiểm xã hội, nộp các khoản thuế, trả gốc, lãi tiền vay ngân hàng,...; nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài, phương tiện tiếp tục phải ngừng hoạt động thì nhiều đơn vị kinh doanh vận tải sẽ lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị phá sản”, báo cáo viết.

Và đó cũng là lý do để Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép lùi thời hạn lắp đặt camera hoặc tạm thời chưa xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm chưa lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định 100 như là một giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp.

Khi báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải vừa kịp đến tay các lãnh đạo Chính phủ, thì một báo cáo khác cũng được công bố là Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý II và 6 tháng đầu năm của Tổng cục thống kê.

Theo báo cáo này, GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng Tư với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. 

Đáng chú ý là về vận tải hành khách, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, vận tải hành khách đạt 1.813,5 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 26,8%) và luân chuyển 78,8 tỷ lượt khách.km, giảm 5,7% (cùng kỳ năm trước giảm 31,7%).

Vận tải hàng hóa quý II năm nay ước tính đạt 439,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 91,3 tỷ tấn.km, tăng 18%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 903,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,8%) và luân chuyển 178 tỷ tấn.km, tăng 11,3% (cùng kỳ năm trước giảm 7%).

Như vậy có thể hiểu là về vận tải hành khách, so với cùng kỳ năm 2019 thì các năm 2020 và 2021 giảm mất khoảng hơn ¼. Còn với vận tải hàng hóa, sự sụt giảm không lớn, thậm chí năm 2021 đã tăng so sới cùng kỳ năm 2019. Đó là tín hiệu rất khả quan cho ngành này trong bối cảnh đại dịch hoành hành và Việt Nam phát sinh 4 đợt dịch trong thời gian qua.

Điều này càng được chứng minh thêm ở số liệu thống kê về xuất nhập khẩu. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,89 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 116,74 tỷ USD, tăng 33%, chiếm 74,1%. Xuất nhập khẩu luôn là một trong những trụ đỡ cho ngành vận tải hàng hóa trong nhiều năm qua.

Khác biệt rất lớn giữa số liệu mà Bộ Giao thông Vận tải trình lên Chính phủ và số liệu thống kê của Tổng cục thống kê nói lên điều gì khi đây đều là hai cơ quan của Chính phủ? Số liệu công bố có thể tác động rất lớn đến các quyết định chính sách trong thời điểm quan trọng này, nếu bất nhất như vậy thì có đủ tin cậy để lấy làm căn cứ ra quyết định?

Thu phí cao tốc vẫn tăng

Trở lại với các số liệu mà Bộ Giao thông Vận tải đã dẫn, theo đó “tổng hợp chung sản lượng, doanh thu trong vận tải hành khách 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt từ 20-30% so với trước dịch. Trong vận tải hàng hóa thì sản lượng và doanh thu ước đạt khoảng 70-80% so với trước dịch, tùy theo vùng miền, từng khu vực” thì đúng là ngành vận tải đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên một số liệu khác mang tính tham khảo nhưng lại rất đáng chú ý vừa được Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) công bố. Theo đơn vị này, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng cả 2 chỉ tiêu về lưu lượng và doanh thu thu phí của VEC đều có sự tăng trưởng so cùng kỳ năm trước, tương ứng với 6,8% và 8,8%.

Cụ thể, tại cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, 6 tháng đầu năm đạt 8,4 triệu lượt xe (tăng 8,2% so với cùng kỳ); cao tốc Nội Bài - Lào Cai đạt 5,9 triệu lượt xe (tăng 11,3% so với cùng kỳ); cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đạt 1 triệu lượt (tăng 5,2% so với cùng kỳ); cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây đạt 7,8 triệu lượt (tăng 2,6% so với cùng kỳ).

Lưu ý rằng trong năm 2020, vì ảnh hưởng của dịch, lưu lượng và doanh thu của VEC đã giảm 13% so với năm 2019, nên mặc dù 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng trở lại thì vẫn thấp hơn chút ít so với năm 2019. Tuy nhiên, ngay cả khi bóc tách số liệu xe cá nhân, số liệu của VEC về vận tải hành khách và hàng hóa cũng cho thấy một bức tranh không quá tệ của ngành so với trước dịch; mặc dù số liệu của VEC chỉ là trên 4 tuyến cao tốc do họ quản lý.

Các số liệu trong các báo cáo nói trên của Bộ Giao thông Vận tải là để minh chứng cho khó khăn của ngành vận tải, từ đó đề xuất Chính phủ lùi thời hạn lắp camera lên xe khách, xe tải.

Tuy nhiên, cũng chính bộ này thừa nhận trong thời gian qua, việc Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam và các Hiệp hội vận tải ô tô tại một số địa phương tiếp tục gửi kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành liên quan đề nghị lùi thời gian lắp đặt, lùi xử phạt đối với hành vi liên quan đến lắp đặt camera, việc này đã làm cho các đơn vị vận tải chưa thực hiện lắp đặt và có tâm lý nghe ngóng, chờ đợi việc giải quyết kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến tỷ lệ phương tiện đã lắp đặt tính đến hết ngày 10/6/2021 là rất thấp.

Bên cạnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh gây ra, Bộ cho biết một số đơn vị kinh doanh vận tải còn e ngại và chưa muốn lắp camera do tâm lý lo sợ sẽ bị các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát và xử lý đối với các hình ảnh vi phạm được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Không hiểu vì sao chính bộ đã nắm được căn nguyên của lý do các doanh nghiệp muốn trì hoãn mà vẫn tiếp tục đề nghị Chính phủ theo hướng ủng hộ việc đó? Câu trả lời có lẽ chỉ riêng Bộ giao thông và các doanh nghiệp vận tải mới nắm được.

Theo nguồn tin riêng của VietnamFinance, trong tuần tới, Chính phủ sẽ có quyết định chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ trong các cuộc họp tuần qua là các bộ ngành cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật đã được ban hành.

Kết luận tại cuộc họp của Chính phủ ngày 29/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh nhiều nội dung, trong đó nhấn mạnh đến việc phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực thi pháp luật.

Theo Thủ tướng, các bộ, ngành cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư các nguồn lực để kiểm soát tiến độ xây dựng, ban hành, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, tổ chức thực hiện, thi hành pháp luật thật tốt, hiệu quả.

Về hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc hỗ trợ cần “kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn. Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách”.

Tin mới lên