Thị trường

Thường vụ Quốc hội đồng ý kéo dài việc giảm thuế môi trường đối với nhiên liệu bay tới hết 2021

(VNF) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý kéo dài thời gian áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay ở mức 2.100 đồng/lít đến hết ngày 31/12/2021.

Thường vụ Quốc hội đồng ý kéo dài việc giảm thuế môi trường đối với nhiên liệu bay tới hết 2021

Tiếp tục giảm 30% thuế môi trường đối với nhiên liệu bay

Theo tờ trình của Chính phủ, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã nghiên cứu xây dựng dự án nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2021.

Trước đó, Nghị quyết số 579 về biểu thuế bảo vệ môi trường bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế).

Đến ngày 27/7/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 979 sửa đổi, bổ sung tiểu mục 2 Mục I Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 579, có hiệu lực thi hành từ 1/8/2020. Theo đó, Nghị quyết 979 quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít được áp dụng từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2020 (giảm 30% so với mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 579).

Việc giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 979 làm giảm số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 360 - 400 tỷ đồng cho giai đoạn từ 1/8/2020 đến hết 31/12/2020. Tuy nhiên, mức giảm thuế bảo vệ môi trường cũng chính là mức hỗ trợ trực tiếp, giúp giảm chi phí nhiên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp vận tải hàng không, góp phần giúp doanh nghiệp hàng không duy trì hoạt động, bù đắp chi phí, tổn thất, phục hồi sau khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Năm nay, thiệt hại của ngành hàng không là rất nghiêm trọng, số lượng khách hàng và số chuyến bay khai thác sụt giảm mạnh. Dự kiến trong năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm trên 40 nghìn tỷ đồng so với năm 2019 và mức lỗ hợp nhất lên đến 15,1 nghìn tỷ đồng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế khoảng 14,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không 9 tháng đầu năm 2020 của Vietjet Air cũng sụt giảm 72% so với năm 2019, dự báo cả năm 2020 lỗ trên 3.000 tỷ đồng…

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay 2.100 đồng/lít là “giải pháp cần thiết”.

Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay như sau: từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021, mức thuế là 2.100 đồng/lít (bằng 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo quy định tại Nghị quyết số 579).

Từ ngày 1/1/2022 trở đi, mức thuế là 3.000 đồng/lít, theo quy định tại Nghị quyết số 579.

Mặc dù việc tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít đến hết ngày 31/12/2021, tương đương giảm 990 đồng/lít (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 860-960 tỷ đồng, song việc này sẽ góp phần trực tiếp giảm giá nhiên liệu bay. Qua đó, các doanh nghiệp hàng không được hỗ trợ duy trì hoạt động, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch Covid-19 gây ra, đồng thời góp phần tăng khả năng chống đỡ lâu dài cho ngành hàng không.

Xem thêm: Đề xuất tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021

Tin mới lên