Ngân hàng

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số cần tránh tình trạng 'trăm hoa đua nở'

(VNF) - Chuyển đổi số cần triển khai một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực, có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở".

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số cần tránh tình trạng 'trăm hoa đua nở'

Chỉ khi người dân tham gia và hưởng lợi thì chuyển đổi số mới thành công. (Ảnh: Ngọc Sơn)

Phát biểu sáng ngày 4/7 tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, trong quá trình phát triển, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế. Do đó, phải có cách tiếp cận toàn dân, người dân là trung tâm thì mọi hoạt động chuyển đổi số phải hướng tới người dân, người dân là chủ thể thì mọi người dân phải được tham gia và hưởng lợi, chỉ có như vậy thì chuyển đổi số mới thành công.

Thủ tướng chỉ đạo, chuyển đổi số một cách toàn diện, mạnh mẽ với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và nhà nước nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp.

Theo Thủ tướng, ngành ngân hàng hội tụ đủ những yếu tố để tiên phong trong tiến trình chuyển đổi số. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã nhận quyết liệt trong trong chuyển đổi nhiều hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ sang môi trường số; đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.

Thời gian tới, ngành ngân hàng cần thay đổi tư duy, phương thức làm việc theo hướng hiện đại; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, phát triển xã hội số, kinh tế số; đẩy mạnh tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số.

Đáng chú ý, NHNN cùng Bộ Công an đã phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thời gian tới, cần sớm tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số mang lại giá trị mới và lợi ích mới thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng lưu ý chuyển đổi số triển khai một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực; có trọng tâm, trọng điểm; tránh tình trạng "trăm hoa đua nở"; phân định rõ ứng dụng công nghệ và trung gian tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang hoạt động trung gian tài chính. Đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các ngành, lĩnh vực khác nhằm mang lợi ích tổng thể cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021); có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) tính đến tháng 6/2022; 1,77 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở.

Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. 

Ngành ngân hàng đặt mục tiêu đến năm 2025: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động.

Theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, năm 2021, ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, cao hơn mức tăng bình quân của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân của thị trường mới nổi.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập sâu sắc về chuyển đổi số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tin mới lên