Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Mỹ dọa cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, Đức có tân Thủ tướng

(VNF) - Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên tục đưa ra lời đe dọa Nga sẽ phải ‘trả giá đắt” nếu tấn công Ukraine là thông tin dành được nhiều sự chú ý trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Mỹ dọa cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, Đức có tân Thủ tướng

Mỹ đang thảo luận với các đồng minh về phương án hoàn toàn cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu trong trường hợp Moscow tấn công Ukraine.

Mỹ, EU tính cách ứng phó Nga

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland tuần qua cho biết Mỹ đang thảo luận với các đồng minh về phương án hoàn toàn cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu trong trường hợp Moscow tấn công Ukraine.

“Chúng tôi đang tính tới việc cô lập gần như hoàn toàn nước Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu với tất cả những hệ lụy đối với doanh nghiệp Nga và người dân Nga, bao gồm cả các cơ hội làm việc, du lịch và thương mại của họ”, bà Nuland phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 7/12.

Bà Nuland nhấn mạnh rằng trong nỗ lực không để Nga có hành động can dự quân sự ở Ukraine, Mỹ đang xem xét tất cả các phương án hiện có.

Cũng theo bà Nuland, các biện pháp trừng phạt chưa từng có trước đây có thể được đưa ra theo từng giai đoạn.

Truyền thông Mỹ mới đây cũng đưa tin Washington có thể tính đến đòn trừng phạt nhằm vào các ngân hàng lớn của Nga, thậm chí “ngắt” Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Phát biểu trong buổi họp báo chung với tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 10/12 , Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho bết Ủy ban châu Âu đã được Hội đồng châu Âu giao nhiệm vụ xây dựng kịch bản ứng phó với Nga, mọi hành vi gây hấn của Nga “sẽ phải trả giá”.

Loạt lời đe dọa trên diễn ra trong bối cảnh Ukraine thời gian qua cáo buộc Nga tập trung đông đảo quân đội gần biên giới để chuẩn bị cho một tấn công quân sự quy mô lớn. Tuy nhiên, cho tới nay Nga vẫn luôn phủ nhận các cáo buộc này.

Đức chính thức có tân Thủ tướng

Trong cuộc họp bỏ phiếu đặc biệt diễn ra vào sáng 8/12, ông Olaf Schozl, 63 tuổi, lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), chính thức trở thành người đứng đầu chính phủ Đức với 395 phiếu ủng hộ trong tổng số 707 phiếu bầu.

Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Olaf Schozl đã đạt được thỏa thuận liên minh với Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và Đảng Xanh để thành lập chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9.

Ông Olaf Scholz trở thành Thủ tướng kế nhiệm bà Angela Merkel.

Tân Thủ tướng Scholz và Nội các mới của ông sẽ gồm 16 Bộ trưởng, trong đó 7 người là đại diện của Đảng SPD, 5 người Đảng Xanh và 4 người khác thuộc Đảng FDP.

Theo nghị trình, sau khi được Quốc hội bầu với buổi bỏ phiếu kín, ông Scholz sẽ tới Phủ Tổng thống để nhận quyết định bổ nhiệm, sau đó tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng sẽ bổ nhiệm các Bộ trưởng theo đề xuất của ông Scholz, sau đó các Bộ trưởng tuyên thệ cùng ngày tại Quốc hội.

Theo tờ Guardian (Anh), sự kiện kể trên mở ra một kỷ nguyên mới cho chính trường Đức và châu Âu, khép lại kỷ nguyên của Thủ tướng Angela Merkel.

Chính phủ mới của ông Scholz cho biết sẽ đặt việc đối phó với đại dịch Covid-19 và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu làm trọng tâm của chương trình nghị sự.

Loạt nước 'tẩy chay ngoại giao' Olympic Bắc Kinh

Ngày 6/12, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ không gửi các quan chức chính quyền đến dự Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh năm 2022 (Olympic Bắc Kinh) và Paralympic Bắc Kinh do “vấn đề nhân quyền”.

Sau quyết định của Mỹ, Úc, New Zealand và Anh quyết định gia nhập cuộc "tẩy chay ngoại giao" với đại hội thể thao Olympic Bắc Kinh.

"Tẩy chay ngoại giao" sẽ không ảnh hưởng đến việc tham gia tranh tài của các vận động viên tại Thế vận hội. Cụ thể, các vận động viên của Anh, Mỹ, Úc hoặc bất cứ nước nào "tẩy chay ngoại giao" sự kiện này vẫn sẽ tham gia thi đấu bình thường.

Việc Mỹ tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022 là một bước lùi nữa trong quan hệ Mỹ - Trung, sau thời gian dài căng thẳng không ngừng tăng vì xung đột lợi ích và xung đột giá trị hai bên.

Phản ứng trước động thái này, trong cuộc họp báo ngày 9/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết “Mỹ, Anh và Australia đã dùng Olympic Bắc Kinh để thao túng chính trị. Họ sẽ phải trả giá vì những hành động sai lầm này”.

Lạm phát Mỹ tăng cao nhất trong vòng 39 năm

Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/12 cho thấy lạm phát của Mỹ trong tháng 11 đã chứng kiến mức tăng cao nhất kể từ năm 1982.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11/2021 tăng lên tới 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số này được tính toán sau khi cân nhắc giá cả của một loạt mặt hàng và dịch vụ bao gồm xăng dầu, dịch vụ chăm sóc y tế, giá thuê nhà, và hàng tạp hóa. Cũng theo báo cáo này, giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 11 đã tăng 0,8% so với tháng 10.

Giá hàng hóa tăng một phần do các nhà bán lẻ, các kho hàng, nhà cung cấp và các công ty vận chuyển chạy đua nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao trong mùa cao điểm mua sắm cuối năm.

Theo các nhà kinh tế, trong lĩnh vực nhà hàng, chi phí lao động cao hơn cũng làm tăng giá hóa đơn của thực khách.

Lạm phát tăng không chỉ gây áp lực lên người tiêu dùng Mỹ, nhất là trong đợt mua sắm cuối năm, mà còn buộc Cục Dự trữ liên bang (FED) phải tăng tốc hành động nhằm ngăn hàng hóa leo thang sẽ khiến tiền lương tăng mạnh và đẩy lạm phát tiếp tục tăng lên.

Điều này cũng đe dọa nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc đẩy nhanh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, phát biểu sau khi CPI được công bố, tổng thống Mỹ cho rằng mức lạm phát không phản ánh thực tế của nền kinh tế Mỹ.

Xem thêm >> Ba Lan kêu gọi đình chỉ Dòng chảy phương Bắc 2, yêu cầu điều tra ‘ông lớn’ năng lượng Nga

Tin mới lên