Tài chính

PVN lãi sau thuế gần 32.000 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm

(VNF) - Ngày 12/1, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

PVN lãi sau thuế gần 32.000 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm

PVN đạt doanh thu 498.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 31.900 tỷ đồng

Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch

Tại hội nghị, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đã trình bày báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 và kế hoạch năm 2018.

Theo đó, năm 2017, PVN đã gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 4 triệu tấn dầu quy đổi, phát hiện thêm một vỉa dầu khí mới là vỉa Cá Trích, nâng tổng sản lượng khai thác quy dầu lên 25,41 triệu tấn.

Khai thác dầu thô đạt 15,52 triệu tấn, vượt 1,32 triệu tấn so với kế hoạch. Khai thác khí đạt 9,89 tỷ m3, vượt 280 triệu m3 so với kế hoạch.

Sản xuất điện đạt 20,58 tỷ kWh, vượt 481 triệu kWh; sản xuất đạm đạt 1,65 triệu tấn, vượt 128.000 tấn so với kế hoạch năm; sản xuất xăng dầu đạt 6,24 triệu tấn…

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt 448.600 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch năm. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 498.000 tỷ đồng, vượt 13,8% so với kế hoạch năm, tăng 10,1% so với năm 2016.

PVN nộp ngân sách nhà nước toàn tập đoàn đạt 97.500 tỷ đồng, vượt 22.900 tỷ đồng (vượt 30,8%). Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 31.900 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm.

Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn

Năm 2018, PVN đặt chỉ tiêu gia tăng trữ lượng dầu quy đổi đạt 10 – 15 triệu tấn; khai thác dầu khí đạt 22,83 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó khai thác dầu thô đạt 13,23 triệu tấn; khai thác khí đạt 9,6 tỷ m3; sản xuất điện đạt 21,57 tỷ kWh; sản xuất đạm đạt 1,54 triệu tấn; sản xuất xăng dầu các loại đạt 11,77 triệu tấn.

Ngoài ra, PVN cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 10- 15 triệu tấn dầu quy đổi. Ưu tiên tập trung phát triển các dự án: Lô B, Cá Voi Xanh, Cá Rồng Đỏ để đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Cần xử lý 5 dự án yếu kém

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận những đóng góp quan trọng của PVN cho nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý những tồn tại do những năm trước để lại gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của PVN trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Cụ thể, các mỏ đều đang ở giai đoạn cuối, sản lượng sụt giảm, việc phát triển các mỏ mới để gia tăng trữ lượng còn chậm do hạn chế về vốn, năng lực... Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước kém hiệu quả và chưa được xử lý, ảnh hưởng lớn đến uy tín của PVN.

Vì vậy trong năm 2018, ngoài việc khắc phục hiệu quả những mặt hạn chế nêu trên, PVN cần phải thích ứng với những khó khăn, rủi ro từ yếu tố khách quan như: giá dầu phục hồi nhưng chưa ổn định, việc giảm sút sản lượng ở các mỏ đang khai thác...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Phó Thủ tướng yêu cầu PVN quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/07/2015 của Bộ Chính trị và các quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chiến lược Phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

Cùng với đó, PVN cần triển khai 8 nhóm giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1008/QĐ- TTg ngày 12/7/2017 về Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của PVN đến năm 2020.

Ngoài ra, PVN cần tập trung tái cơ cấu toàn diện bộ máy quản lý từ công ty mẹ đến các đơn vị thành viên theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp; tái cấu trúc đầu tư, quản trị để chống thất thoát, lãng phí. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo sự phát triển bền vững.

PVN cũng cần tiếp tục bám sát tình hình để triển khai các dự án dầu khí ở vùng xa trên thềm lục địa Việt Nam song song với việc tập trung chỉ đạo tiến độ các dự án trọng điểm đã và đang bị chậm so với yêu cầu như: dự án nâng cấp mở rộng công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam, dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, các dự án nhiệt điện Vũng Áng 1, Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1.

Đặc biệt, PVN cần chỉ đạo và xử lý triệt để các tồn tại của 5 dự án yếu kém gồm: dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất và 3 Nhà máy nhiên liệu sinh học.

Tin mới lên