Tài chính quốc tế

Ông Trump quyết mạnh tay với Trung Quốc, người dân Mỹ 'lãnh đủ'?

(VNF) - Theo đài CNBC, nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thật sự tiến tới đánh thuế 325 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì “người tiêu dùng Mỹ sẽ lãnh đủ”.

Ông Trump quyết mạnh tay với Trung Quốc, người dân Mỹ 'lãnh đủ'?

Theo CNBC, nếu Mỹ đánh thuế 325 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì “người tiêu dùng Mỹ sẽ lãnh đủ”.

Triển vọng đàm phán Mỹ - Trung trở nên mờ mịt sau thông báo bất ngờ của ông Trump trên Twitter tối 5/5, rằng sẽ nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%, bắt đầu từ thứ Sáu tuần này (10/5). Ông cũng đe dọa đánh thuế 25% với thêm 325 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Theo tính toán của Ngân hàng Citigroup, 40% hàng tiêu dùng nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc vẫn chưa bị đánh thuế.

Quyết định tăng thuế trên nếu được thực thi sẽ tác động đến hơn 5.000 sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, từ hóa học đến dệt may, hàng tiêu dùng và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chi trả cho phần thuế này.

Theo ngân hàng Citigroup, đòn mạnh tay này của ông Trump sẽ khiến chỉ số lạm phát của Mỹ tăng cao.

Theo một nghiên cứu mới đây của đại học Berkeley, UCLA, Columbia và Ngân hàng Thế giới, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi giá cả và chi phí sản xuất tăng cao do tác động của đợt đánh thuế hồi năm 2018.

Một nghiên cứu khác do các kinh tế gia của Cục Dự trữ Liên bang New York, Đại học Columbia và Đại học Princeton công bố hồi đầu năm cũng cho thấy gánh nặng của các biện pháp thuế quan của ông Trump hoàn toàn đè lên vai doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Cho đến cuối năm 2018, các công ty Mỹ đã phải chi thêm 3 tỷ USD vì thuế quan và phải chịu thêm 1,4 tỷ USD chi phí gia tăng.

Theo các nhà nghiên cứu, các công ty Mỹ xoay sở bằng cách tăng giá bán hàng hóa của họ.

Thêm vào đó, Trung Quốc và các nước khác bị Mỹ đánh thuế cũng ra đòn phản công bằng cách vừa trả đũa thuế vừa bỏ mua hàng của Mỹ, chẳng hạn như mặt hàng đậu nành. Điều này đã làm cho tình hình vốn khó khăn của các khu vực nông nghiệp của Mỹ càng thêm tồi tệ.

Liên minh châu Âu đã đánh thuế vào xe mô tô xuất khẩu của Mỹ, khiến cho hãng Harley Davidson phải mở xưởng sản xuất ở châu Âu thay vì sản xuất ở Mỹ để né thuế của châu Âu.

“Người lao động ở các địa hạt của Đảng Cộng hòa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chiến tranh thương mại, một phần bởi vì các biện pháp trả đũa của các nước chủ yếu nhắm vào lĩnh vực nông nghiệp,” nghiên cứu của Đại học UCLA cho biết.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại kéo dài 10 tháng qua. Mỹ áp thuế lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc. Trung Quốc cũng đáp trả với thuế tương tự lên 110 tỷ USD hàng Mỹ. Đến đầu tháng 12/2018, ông Trump và ông Tập mới quyết định đình chiến để đàm phán thỏa thuận thương mại. 

Xung đột này đã phủ bóng lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa gây ra sự suy giảm tăng trưởng trên diện rộng. Bởi vậy, nhiều người kỳ vọng Mỹ-Trung đạt một thỏa thuận để chấm dứt xung đột tuy nhiên sau tuyên bố mới đây của ông Trump, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chưa biết tới khi nào mới có thể thực sự chấm dứt.

Xem thêm >> Nói là làm, Nga giảm kỷ lục tỷ lệ thanh toán bằng ‘đồng bạc xanh’

Tin mới lên