Tài chính quốc tế

Nhiều quốc gia chưa đồng ý cấm dầu Nga, EU phải lược bớt kế hoạch trừng phạt

(VNF) - Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch loại trừ lệnh cấm vận chuyển dầu của Nga đến các nước thứ 3 bằng các tàu thuộc sở hữu của EU khỏi gói trừng phạt thứ 6, trong bối cảnh khối này vẫn chưa đạt được sự thống nhất từ toàn bộ các thành viên về việc cấm nhập khẩu dầu, Bloomberg đưa tin.

Nhiều quốc gia chưa đồng ý cấm dầu Nga, EU phải lược bớt kế hoạch trừng phạt

Hầu hết dầu xuất khẩu của Nga được vận chuyển qua tàu chở dầu và các công ty bảo hiểm chuyên gia lớn nhất cho lĩnh vực này hoạt động chủ yếu ở các nước phương Tây.

Theo Bloomberg, trong gói trừng phạt thứ 6 dành cho Moscow, Liên minh châu Âu dự kiến đề xuất cấm các tàu thuộc sở hữu EU vận chuyển dầu của Nga đến bất kỳ nơi nào trên thế giới và cấm các công ty thuộc khối cung cấp dịch vụ cho các thực thể vận tải biển của Nga.

Tuy nhiên, đề xuất này đã bị bãi bỏ do sự phản đối từ Hy Lạp, thành viên EU phụ thuộc nhất vào vận chuyển quốc tế.

Mặt khác, EU dường dư vẫn có ý định thực hiện 1 đề xuất khác là cấm các công ty châu Âu bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga.

Theo Bloomberg, "lệnh cấm đối với bảo hiểm vẫn đang được thực hiện và sẽ vẫn là một trở ngại đáng kể đối với xuất khẩu”, khiến các công ty Nga phải chịu chi phí hàng tỷ USD nếu tàu chở dầu gặp rủi ro, vì các công ty bảo hiểm chuyên gia lớn nhất cho lĩnh vực này hoạt động chủ yếu ở các nước phương Tây.

Trong khi đó, cuộc thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga đã bước sang ngày thứ 6 và khối vẫn chưa thể nhận được sự đồng thuận của toàn bộ quốc gia thành viên. Trong đó, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc và Bulgaria đang bỏ phiếu chống và yêu cầu các cơ chế đặc biệt để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Điểm tranh cãi chính vẫn là mốc thời gian đầy tham vọng mà Ủy ban châu Âu vạch ra: loại bỏ toàn bộ dầu thô của Nga trong 6 tháng và tất cả các sản phẩm dầu tinh chế vào cuối năm nay.

Do quá phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga, nhóm 4 quốc gia cho rằng họ không thể chuyển sang các nhà cung cấp khác trong một thời gian ngắn như vậy mà không ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia.

"Vẫn không có đề xuất nào mà chúng tôi có thể chấp nhận và lập trường của Hungary vẫn không thay đổi", Ngoại trưởng Hungary Zoltán Kovács cho biết trong một tuyên bố ngắn với Euronews.

Thủ tướng nước này, Viktor Orbán, trước đó đã so sánh đề xuất của Brussels với một "quả bom nguyên tử" kinh tế vì nó phớt lờ "hoàn cảnh" của Hungary.

Một thỏa hiệp ban đầu đạt được vào tuần trước cho thấy Hungary và Slovakia có thể được phép hoàn tất giai đoạn này vào cuối năm 2024, muộn hơn 2 năm so với những gì EC đề xuất.

Slovakia, quốc gia phụ thuộc 100% vào dầu của Nga, lập luận rằng nhà máy lọc dầu duy nhất của họ, Slovnaft, chỉ có thể hoạt động với một loại dầu nặng của Nga. Chính phủ ước tính việc thay thế công nghệ này thành một loại dầu thô nhẹ hơn sẽ đòi hỏi đầu tư từ 4 - 6 năm và tiêu tốn tới 250 triệu EUR.

Về phần mình, Cộng hòa Séc đang đàm phán gia hạn đến tháng 6/2024, ngày mà chính phủ dự kiến sẽ được kết nối với Đường ống xuyên biển. Thủ tướng của nước này, Petr Fiala, đã đến Berlin vào tuần trước và gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz để thảo luận về an ninh năng lượng trong số các vấn đề khác.

Những lo ngại từ Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc chủ yếu xuất phát từ thực tế là tất cả đều liên quan đến đường ống Druzhba, một đường ống dẫn khổng lồ do Nga vận hành được mô tả là "di sản của Liên Xô".

Đường ống này cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy lọc dầu địa phương, và các quốc gia này lo ngại các nhà máy sẽ không thể da dạng hoá chuỗi cung ứng nếu thiếu nguồn cung từ Moscow.

Tương tự, Bulgaria, quốc gia đã bị Nga cắt nguồn khí đốt vào cuối tháng trước, đang đề nghị được miễn trừ khỏi lệnh cấm vận do EC đề ra đối với việc nhập khẩu dầu từ Nga vì lo ngại các nhà máy trong nước sẽ không thể hoạt động hết công suất nếu thiếu nguồn cung quan trọng này.

Các cuộc đàm phán mới giữa các đại sứ EU sẽ bắt đầu vào ngày 11/5, sau khi Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen công bố các biện pháp trừng phạt trước Nghị viện châu Âu và thực hiện các điều chỉnh theo yêu cầu để đạt được sự đồng thuận của toàn bộ 27 thành viên.

Xem thêm >> Gói trừng phạt thứ 6 của EU với Nga: Bên trong 'hồ lô' có gì?

Tin mới lên