Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: TPBank báo lãi quý II tăng 73%, VPBank phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP

(VNF) - Trong tuần qua, TPBank đã công bố mức lợi nhuận sau thuế quý II đạt gần 2.200 tỷ đồng, tăng hơn 73% so với cùng kỳ năm 2021. TPBank là một trong số những ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2022.

Ngân hàng tuần qua: TPBank báo lãi quý II tăng 73%, VPBank phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP

TPBank báo lãi gần 2.200 tỷ đồng trong quý II, tăng 73% cùng kỳ là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua

TPBank báo lãi gần 2.200 tỷ đồng trong quý II, tăng 73% cùng kỳ

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) trong tuần qua đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, trong đó ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 8.165 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ đẩy mạnh hoạt động phát hành thẻ, mở tài khoản, bán chéo bảo hiểm và hoạt động thanh toán, lãi thuần từ dịch vụ của TPBank đạt 1.192 tỷ đồng, tăng gần 72% so với 6 tháng đầu năm 2021. Thu nhập lãi thuần từ dịch vụ chiếm tới 14,6% tổng thu nhập, tăng gần 3,5% so với thời điểm 30/6/2021.

Lợi nhuận sau thuế giai đoạn bán niên đạt 3.788 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Trong đó riêng quý II mang về cho TPBank gần 2.200 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng kết quả của quý I, cao hơn 73% so với cùng kỳ năm trước.

Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng gần 6% thời điểm hồi đầu năm, hoàn thành 89% mục tiêu đề ra cả năm. TPBank cho biết, mức tăng trưởng này cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng trong kỳ của ngân hàng, do TPBank không tập trung quá nhiều vào tín dụng mà có sự gia tăng lợi nhuận ở hoạt động dịch vụ và phi tín dụng.

>>> Xem thêm: TPBank báo lãi gần 2.200 tỷ đồng trong quý II, tăng 73% cùng kỳ

VPBank phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP, CEO đăng ký mua 1 triệu đơn vị

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) trong tuần qua đã thông báo về việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Theo đó, VPBank sẽ dùng 30 triệu cổ phiếu quỹ để chào bán cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ 0,675%. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa trong vòng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Sau năm đầu tiên, 30% số cổ phần sẽ được giải toả, tỷ lệ giải toả 2 năm tiếp theo đều là 35%. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền mà VPBank sẽ huy động được là 300 tỷ đồng.

Được biết, ngân hàng này hiện có hơn 60,2 triệu cổ phiếu quỹ trên tổng số hơn 4,5 tỷ cổ phiếu đã phát hành. Sau đợt chào bán này, số lượng cổ phiếu quỹ của VPBank sẽ giảm xuống còn hơn 30,2 triệu đơn vị.

Theo danh sách cán bộ nhân viên đăng ký mua cổ phiếu ESOP, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, đăng ký mua 1 triệu đơn vị. Ngoài ra, một số nhân sự cấp cao khác như phó tổng giám đốc, giám đốc tài chính, thành viên ban kiểm soát… cũng tham gia đợt phát hành này.

>>> Xem thêm: VPBank phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP, CEO đăng ký mua 1 triệu đơn vị

Đến hết quý II, tín dụng tăng trưởng 9,35%, huy động vốn tăng 4,51%

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng ở mức 9,35%, đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng.

Trong đó, cơ cấu tín dụng tập trung ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực được ưu tiên.

Huy động vốn tính đến ngày 30/6 đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% so với thời điểm cuối năm 2021. Các tổ chức tín dụng tổng cộng đã thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ luỹ kế 709.038 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi miễn, giảm và hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đạt trên 50.000 tỷ đồng.

NHNN cho biết đã chủ động triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thanh toán nhằm hỗ trợ khách hàng, nền kinh tế vượt qua khó khăn của đại dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Đến nay, các ngân hàng thương mại đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất, NHNN đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 (gần 16.035 tỷ đồng), bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 (trên 23.965 tỷ đồng), đồng thời NHNN cũng đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng ngân hàng thương mại để triển khai sớm chính sách.

>>> Xem thêm: Đến hết quý II, tín dụng tăng trưởng 9,35%, huy động vốn tăng 4,51%

BIDV đấu giá khoản nợ 155 tỷ đồng của Kim khí Long An, đảm bảo bằng tài sản của Thép Việt Nga

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong tuần qua đã thông báo lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Kim khí Long An.

Theo đó, tính đến ngày 10/6/2022, tổng dư nợ của Kim khí Long An tại BIDV là hơn 155 tỷ đồng, bao gồm nợ gốc là 87,7 tỷ đồng, nợ lãi và lãi phạt là 67,7 tỷ đồng.

Khoản nợ được hình thành từ hợp đồng tín dụng ký ngày 2/11/2015 và hợp đồng tín dụng ký ngày 17/1/2013, cùng các văn bản sửa đổi bổ sung kèm theo.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ trên là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 1/32 Phạm Cự Lượng, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM (số cũ: 11D+12D Phổ Quang); quyền sử dụng đất tại thửa số 602, tờ bản đồ số 10, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP. HCM. Chủ tài sản của các quyền sử dụng đất và tài sản này là ông Đinh Thái Bình và bà Phạm Nguyễn Ngọc Thu.

Khoản nợ còn được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa đất số 173 và số 174, Ấp 2, xã An Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai, thuộc sở hữu của Kim khí Long An.

Đáng chú ý, tài sản đảm bảo của khoản nợ này còn có một số máy móc thiết bị, dây chuyền máy cắt thép tấm (cắt độ dày 2-12mm); máy xả băng thép cuộn; máy xả cuộn YC 250; cầu trục dầm đôi; máy gia công kim loại và phụ kiện đi kèm thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thép Việt Nga.

>>> Xem thêm: BIDV đấu giá khoản nợ 155 tỷ đồng của Kim khí Long An, đảm bảo bằng tài sản của Thép Việt Nga

VietinBank rao bán khoản nợ hơn 508 tỷ đồng của Descon

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Bắc Sài Gòn trong tuần qua đã thông báo bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp (Descon) để xử lý thu hồi nợ vay.

Tổng dư nợ của Descon tại VietinBank tính đến ngày 6/7 là hơn 508 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 328 tỷ đồng, dư nợ lãi và lãi phạt là 180 tỷ đồng.

VietinBank cho biết ngân hàng đã khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng với Descon. Tòa án nhân dân TP. HCM đã có bản án phúc thẩm ngày 18/5/2022, tuyên buộc Descon phải thanh toán toàn bộ gốc, lãi, lãi phạt quá hạn cho VietinBank.

Được biết, Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp tiền thân là Phân viện thiết kế Miền Nam, thuộc Viện thiết kế, Bộ Công nghiệp nhẹ, thành lập năm 1976. Ngày 25/2/2002, công ty thực hiện cổ phần hóa và chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp.

Người đại diện theo pháp luật của công ty theo cổng đăng ký kinh doanh quốc gia là ông Nguyễn Quang Minh.

Một số dự án mà Descon đã tham gia thực hiện là bệnh viện quốc tế Pháp Việt, nhà máy sợi Formosa, bệnh viện Tâm Đức, nhà máy Changshin Vina, nhà máy cà phê Sài Gòn – Vinamilk, nhà máy sữa Nutifood…

>>> Xem thêm: VietinBank rao bán khoản nợ hơn 508 tỷ đồng của Descon

SSI cảnh báo rủi ro trong ngành ngân hàng liên quan đến cho vay BĐS và trái phiếu doanh nghiệp

Theo nhận định của SSI trong báo cáo ngành ngân hàng công bố mới đây, mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI trong 6 tháng cuối năm 2022 có thể sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn rất hấp dẫn do mức lợi nhuận tương đối thấp trong 6 tháng cuối năm 2021.

SSI cho biết, nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, NIM trong nửa cuối 2022 vẫn sẽ cao hơn nửa cuối năm 2021. Thu nhập lãi thuần sẽ vẫn có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ và là động lực chính giữ nhịp tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm", chuyên gia của SSI nêu quan điểm.

Trong khi đó, SSI dự báo các nguồn thu ngoài lãi sẽ giảm tốc. Ngoài việc không còn lợi nhuận  từ kinh doanh trái phiếu chính phủ, doanh số thanh toán của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước sẽ bị sụt giảm do chương trình miễn phí chuyển khoản.

Bên cạnh đó, các chỉ số phản ánh chất lượng tín dụng có thể được giữ ổn định vào năm 2022 nhưng sẽ chịu áp lực lớn hơn vào năm 2023, theo dự báo của SSI.

Theo công ty chứng khoán này, rủi ro từ các khoản nợ tái cơ cấu Covid-19 không quá đang lo ngại đối với các ngân hàng lớn. 

SSI cho rằng rủi ro lớn hơn có thể đến từ các khoản vay liên quan đến lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc cho vay kinh doanh bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này đã gây ra sự gián đoạn về vòng quay vốn cũng như thanh khoản (25% trái phiếu bất động sản phát hành đến hạn vào năm 2022 và 65% đến hạn vào năm 2023, năm 2024) và làm tăng chi phí tài chính cho các chủ đầu tư bất động sản. Rủi ro này sẽ dần được phản ánh trên Bảng cân đối kế toán của ngân hàng từ năm 2023, theo SSI.

>>> Xem thêm: SSI cảnh báo rủi ro trong ngành ngân hàng liên quan đến cho vay BĐS và trái phiếu doanh nghiệp

Tin mới lên