Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Cổ phiếu SeABank sắp lên sàn HoSE, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng 12% năm 2021

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước muốn bổ sung thêm quy định về nghiệp vụ thị trường mở; Kienlongbank bổ nhiệm 3 phó tổng giám đốc mới; SeABank hoàn tất tăng vốn và dự tính niêm yết HoSE; lợi nhuận các ngân hàng quốc doanh niêm yết có thể tăng 30% trong năm 2021… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý trong tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: Cổ phiếu SeABank sắp lên sàn HoSE, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng 12% năm 2021

NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng Nhà nước muốn bổ sung thêm quy định về nghiệp vụ thị trường mở

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết để tiếp tục hoàn thiện quy định tại văn bản quy phạm pháp luật, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 42/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 quy định về nghiệp vụ thị trường mở.

Theo đó, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 14 về phương thức đấu thầu như sau: Đối với phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước qua nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo phương thức đấu thầu lãi suất; trong trường hợp cần thiết, căn cứ mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ và diễn biến thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước xem xét phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước theo phương thức đấu thầu khối lượng.

Trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước rất hạn chế trong việc sử dụng nghiệp vụ thị trường mở để bơm/hút tiền, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng rất dồi dào nhờ chính sách tiền tệ phù hợp cộng hưởng với nhu cầu tín dụng tương đối yếu, trong đó, một lượng lớn VND được bơm ra thị trường đối ứng với lượng lớn USD được mua vào.

>>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước muốn bổ sung thêm quy định về nghiệp vụ thị trường mở

Kienlongbank bổ nhiệm 3 phó tổng giám đốc mới

HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) vừa thông qua Quyết định bổ nhiệm 3 phó tổng giám đốc của Kienlongbank gồm: ông Trần Ngọc Minh, ông Nguyễn Văn Minh và ông Võ Quốc Lợi. Sau khi bổ nhiệm, ban điều hành Kienlongbank có 8 thành viên.

Cụ thể, ông Trần Ngọc Minh sinh năm 1984, có bằng Thạc sỹ kinh tế của trường Học viện ngân hàng. Ông có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng; ông Nguyễn Văn Minh sinh năm 1977, là cử nhân điện tử viễn thông của Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội với kinh nghiệm 20 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin; ông Võ Quốc Lợi sinh năm 1988, là thạc sỹ quản trị kinh doanh của trường London Business (Vương quốc Anh) với kinh nghiệm 9 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Đáng chú ý, ông Võ Quốc Lợi là con trai trưởng của ông Võ Quốc Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT Kienlongbank, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Dongtam Group, Cố vấn Kienlongbank).

Với việc bổ nhiệm mới 3 phó tổng giám đốc lần này, Kienlongbank mong muốn củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức của ban điều hành nhằm tăng cường và đẩy mạnh công tác phát triển kinh doanh, tiến tới chuyển đổi mô hình hoạt động của Kienlongbank sang mô hình ngân hàng số theo định hướng chiến lược giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 của ngân hàng.

>>> Xem thêm: Kienlongbank bổ nhiệm 3 Phó tổng giám đốc mới

Hoàn tất tăng vốn, SeABank dự tính niêm yết HoSE vào quý I/2021

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỷ đồng lên 12.087 tỷ đồng trong tháng 12/2020.

Kế hoạch tăng vốn của SeABank được ĐHCĐ thường niên thông qua hồi cuối tháng 4/2020 và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận vào cuối tháng 6.

SeABank đã tiến hành tăng vốn thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 14% và chào bán hơn 140 triệu cổ phiếu mới cho các cổ đông hiện hữu. Hiện cổ đông lớn duy nhất của SeABank là Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Phú Mỹ với số lượng cổ phần nắm giữ là hơn 79 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu là 6,565%.

Sau khi tăng vốn, SeABank cho biết ngân hàng này được Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) chấp thuận niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phiếu với mã chứng khoán SSB.

Thời gian niêm yết dự kiến là quý I/2021. Đại diện SeABank cho biết việc niêm yết chứng khoán tại HoSE là một bước tiến quan trọng đối với ngân hàng này.

>>> Xem thêm: Hoàn tất tăng vốn, SeABank dự tính niêm yết HoSE vào quý I/2021

Lợi nhuận các ngân hàng quốc doanh niêm yết có thể tăng 30% trong năm 2021

Trong báo cáo Triển vọng ngành Ngân hàng năm 2021 vừa công bố, Công ty Chứng khoán SSI tin rằng tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ vào khoảng 13-14%, tương đương với các năm 2018 và 2019.

SSI ước tính lợi nhuận trước thuế trung bình của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng 21% trong năm 2021. Trong đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) quốc doanh ước tính đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao hơn, ở mức 30%, so với mức 17,2% của nhóm NHTM tư nhân, do lợi nhuận trước thuế 2020 của các NHTM quốc doanh ở mức thấp.

Động lực tăng trưởng lợi nhuận đến từ nhiều yếu tố. Theo SSI, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng niêm yết dự kiến sẽ tăng 15%. Biên lợi nhuận NIM tại nhiều ngân hàng sẽ cải thiện.

Điều này là nhờ chi phí vốn giảm do lãi suất huy động giảm sâu trong năm 2020 và sẽ tiếp tục dao động trong biên độ hẹp nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ (khoảng 0,3-0,5 điểm%) trong nửa cuối năm 2021 do nhu cầu tín dụng tăng cao.

Về chi phí, tỷ trọng chi phí hoạt động trong tổng thu nhập hoạt động (CIR) của các ngân hàng được SSI dự báo sẽ tăng nhẹ từ khoảng 37,6% năm 2020 lên 38,3% do lương thưởng có thể tăng trở lại mức trước Covid-19 và các ngân hàng tiếp tục đầu tư dài hạn vào hệ thống công nghệ thông tin.

Đặc biệt, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng được nhận định là yếu tố tạo nên sự phân hóa triển vọng giữa các ngân hàng.

>>> Xem thêm: Lợi nhuận các ngân hàng quốc doanh niêm yết có thể tăng 30% trong năm 2021

Lợi nhuận ngân hàng quốc doanh 'năm Covid' 2020: Đường vòng và đường thẳng

Trong khi Vietcombank đạt hơn 23.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2020, không tăng trưởng so với năm 2019 thì VietinBank gây ấn tượng mạnh khi đạt lợi nhuận trước thuế 16.450 tỷ đồng, tăng trưởng tới 44%. Còn BIDV thì ghi nhận mức giảm lợi nhuận 17%, đạt 8.515 tỷ đồng.

Theo thông tin từ phía các ngân hàng quốc doanh, VietinBank đã có 5 đợt giảm lãi suất – nhiều nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng với số tiền lợi nhuận “hy sinh” là 3.700 tỷ đồng. VietinBank dành gần 5.000 tỷ đồng thông qua cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất và giảm, miến phí cho khách hàng.

BIDV cho biết đã giảm hơn 6.400 tỷ đồng để cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giảm lãi, phí cho khách hàng.

Nguồn thu của Vietcombank thay vì đi thẳng vào lợi nhuận như thông thường thì trong năm 2020 đã được dồn lượng lớn sang nơi khác thông qua 2 cách thức: tăng cường xóa nợ xấu và gia tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/tổng nợ xấu).

Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank cuối năm 2020 chỉ ở mức vỏn vẹn 0,6%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối năm 2020 ở mức 380%. Tỷ lệ này là cực kỳ cao, không khác gì "giết gà bằng dao mổ trâu".

Có thể nói, thay vì "đi đường thẳng" là ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh, song song với đó là giữ tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức an toàn hợp lý, năm 2020, Vietcombank chọn cách "đi đường vòng", dồn nguồn lực để đưa tỷ lệ nợ xấu xuống cực thấp và đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao "cực đoan", qua đó giảm áp lực chi phí xử lý nợ xấu trong tương lai. Lợi nhuận "khủng" như được nén lại và sẽ "bung" ra rất mạnh vào một thời điểm khác.

Trái ngược với Vietcombank là trường hợp của VietinBank. Ngân hàng này không thể lựa chọn "đi đường vòng" bởi áp lực về hệ số an toàn vốn (CAR) là không nhỏ. CAR của VietinBank hiện ở mức thấp, lợi nhuận càng cao càng giúp tăng CAR, qua đó có thêm dư địa tăng trưởng dư nợ tín dụng, tránh đánh mất thị phần vì hạn chế về nguồn vốn tự có.

>>> Xem thêm: Lợi nhuận ngân hàng quốc doanh 'năm Covid' 2020: Đường vòng và đường thẳng

NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, sẽ tăng dự trữ ngoại hối khi thuận lợi

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2021.

Theo nội dung của Chỉ thị, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị trực thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2021 nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Cụ thể, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Năm 2021, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Đặc biệt, triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý ngoại hối nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, từng bước chuyển hóa thành các nguồn vốn đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.

>>> Xem thêm: NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, sẽ tăng dự trữ ngoại hối khi thuận lợi

Tin mới lên