Tài chính

Ngân hàng chủ động hãm đà tăng lợi nhuận, dành nguồn lực đối phó Covid-19

(VNF) - Mặc dù chưa chịu tác động trực tiếp quá lớn từ Covid-19 trong quý I/2020 nhưng các ngân hàng lớn vẫn chủ động gia tăng lượng trích lập dự phòng ngay trong quý đầu năm nhằm tạo nguồn xử lý nợ xấu phát sinh trong tương lai. Điều này khiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhiều ngân hàng lớn được dự báo ở mức khá thấp, thậm chí âm.

Ngân hàng chủ động hãm đà tăng lợi nhuận, dành nguồn lực đối phó Covid-19

Ngân hàng chủ động hãm đà tăng lợi nhuận, dành nguồn lực đối phó Covid-19

Ngân hàng lớn chủ động tăng lượng trích lập dự phòng đối phó Covid-19

Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố báo cáo ước tính lợi nhuận quý I/2020 của hàng chục doanh nghiệp niêm yết, trong đó, lợi nhuận của một số ngân hàng gây chú ý với mức tăng khá thấp do chủ động gia tăng lượng trích lập dự phòng đối phó với những tác động của dịch Covid-19.

Cụ thể, quý I/2020, Vietcombank (HoSE: VCB) ước tính đạt 6.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, chi phí dự phòng được dự báo tăng đáng kể để chuẩn bị tốt cho việc nợ xấu tăng trong các quý sắp tới.

Tăng trưởng tín dụng quý vừa qua của ngân hàng này ước tính khoảng 3%, trong khi tăng trưởng tiền gửi khoảng 2%.

Không "đẹp" như Vietcombank, số liệu lợi nhuận của BIDV (HoSE: BID) và VietinBank (HoSE: CTG) đều được dự báo sẽ giảm trong quý I/2020. Sau trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế ước tính của BIDV giảm tới 28,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí dự phòng tăng mạnh cùng với việc dư nợ tín dụng và tiền gửi đều giảm so với đầu năm.

Tình hình đỡ bi quan hơn ở VietinBank khi lợi nhuận trước thuế ước tính của ngân hàng này là 3.100 tỷ đồng, giảm 1,7%, bất chấp VietinBank cũng tăng chi phí dự phòng thêm đáng kể và tín dụng cũng như huy động giảm trong 3 tháng đầu năm.

Với MB (HoSE: MBB), ngân hàng này cũng được nhận định rằng sẽ tăng mạnh trích lập dự phòng trong quý I để tạo bộ đệm vốn trong các quý tới, ngay cả khi các khoản nợ xấu chưa tăng. SSI dự báo chi phí dự phòng của MB có thể tăng vọt 30 - 35%, dẫn đến lợi nhuận trước thuế quý I hầu như không đổi hoặc giảm nhẹ (0,5 đến 0,7%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự các ngân hàng trên, ACB (HNX: ACB) được dự báo cũng sẽ chủ động gia tăng trích lập dự phòng nhằm tạo nguòn xử lý nợ xấu phát sinh do Covid-19. Ước tính lợi nhuận quý I của ACB vào khoảng 1.800 tỷ đồng, tăng 5%.

Số liệu tăng trưởng "đẹp" bậc nhất phải kể đến VPBank (HoSE: VPB), TPBank (HoSE: TPB) và VIB (UPCoM: VIB).

Cụ thể, VPBank vẫn đạt mức tăng trưởng tín dụng tốt trong quý I xấp xỉ tăng 6% so với đầu năm, cao hơn nhiều mặt bằng chung (1,3%), đồng thời ghi nhận một phần lợi nhuận từ danh mục trái phiếu trong 2 tháng đầu năm. SSI ước tính VPBank có thể đạt mức tăng trưởng hai chữ số trong quý này.

Trong khi đó, VIB được dự báo ghi nhận khoảng hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng tới 30% so với cùng kỳ.

Với trường hợp của TPBank, tăng trưởng lợi nhuận quý I được dự báo cũng ở mức hai chữ số, khoảng trên 17%, nhờ tăng trưởng tín dụng và tiền gửi tăng lần lượt đạt 9% và 6% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy chủ yếu nhờ trái phiếu doanh nghiệp và các khoản cho vay từ các doanh nghiệp lớn.

Tăng trưởng lợi nhuận không mấy khả quan ở nhiều doanh nghiệp niêm yết

Theo ước tính của SSI, có một số ít doanh nghiệp niêm yết chưa "ngấm đòn" Covid-19 trong quý I nên tăng trưởng lợi nhuận vẫn khá khả quan.

Như trường hợp của Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG), lợi nhuận ròng quý vừa qua ước tính gấp đôi cùng kỳ năm ngoái nhờ lợi nhuận gộp cải thiện, bất chấp sản lượng tiêu thụ ước tính giảm 15%. SSI đánh giá việc đòn bẩy nợ vay và hàng tồn kho của Hoa Sen ở mức an toàn cho phép tập đoàn này chuyển tập trung vào lợi nhuận thay vì sản lượng tiêu thụ như các năm trước.

Hay như FPT (HoSE: FPT), doanh thu và lợi nhuận trước thuế sơ bộ quý I vẫn đạt mức tăng trưởng hai chữ số lần lượt là 16% và 19% so với cùng kỳ.

Với Viettel Post (UPCoM: VTP), SSI ước tính công ty duy trì tăng trưởng lợi nhuận tốt ở quý I trong khoảng 25-30% so với cùng kỳ do hoạt động thương mại điện tử tăng nhờ Covid-19.

Tuy nhiên, đa phần bức tranh lợi nhuận là kém khả quan, không chỉ vì Covid-19 mà còn vì nhiều nguyên nhân riêng rẽ.

Vietnam Airlines (HoSE: HVN) ước tính ghi nhận khoản lỗ 2.383 tỷ đồng do dừng hầu hết các chuyến bay để đối phó với dịch bệnh Covid-19. Công ty này đang yêu cầu hỗ trợ tiền mặt khẩn cấp 12.000 tỷ đồng để bù đắp cho các nghĩa vụ thanh toán ngắn hạn. 

Trong khi đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) ước tính lợi nhuận trước thuế quý I giảm 25% so với cùng kỳ, do sản lượng hành khách giảm mạnh tại tất cả các sân bay của hãng kể từ tháng 2.

PV GAS (HoSE: GAS) cũng ghi nhận lợi nhuận ròng giảm khoảng 31% so với cùng kỳ do giá dầu nhiên liệu giảm mạnh giảm 30%, trong khi sản lượng khí khô giảm nhẹ do sự cố tại Block 11.2. 

Đối với Masan Group (HoSE: MSN), ước tính doanh thu sẽ tăng mạnh nhờ doanh thu F&B hưởng lợi từ việc tích trữ của người tiêu dùng trong khi đại dịch bùng phát, tuy nhiên, lợi nhuận của tập đoàn có thể sẽ giảm mạnh do hợp nhất VCM - doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị VinMart, Vinmart+.

"Nữ hoàng" trang sức PNJ (HoSE: PNJ) cũng không tránh khỏi xu hướng giảm lợi nhuận. Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp này, lợi nhuận ròng quý I của PNJ đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, do buộc phải đóng cửa tới 85% cửa hàng theo quy định cách ly xã hội, khiến doanh thu tháng 3 sụt giảm tới 39%.

Một "ông lớn" khác cũng dự đoán khá lao đao trong quý I là Sabeco (HoSE: SAB). Theo Bộ Công Thương, sản lượng bia giảm 19% so với cùng kỳ trong quý I. Về lượng tiêu thụ bia, SSI nhấn mạnh rằng có sự sụt giảm sản lượng nghiêm trọng ở Sabeco do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và Nghị định 100. 

Ngành ô tô với đại diện là VEAM (VEA) và ngành thủy sản với đại diện là Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) được dự báo sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan hơn cùng kỳ năm ngoái do doanh số bán xe ô tô toàn ngành suy giảm, còn giá trị xuất khẩu thủy sản cũng giảm do giá giảm sâu.

Tin mới lên