Thị trường

Năng lượng đồng bằng: Mối lo và lối mở

(VNF) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trở thành một trung tâm năng lượng quốc gia, với tổng công suất phát điện dự kiến vào năm 2030 lên đến 18.224 MW, gấp 7,6 lần nhà Thủy Điện Sơn La có công suất lớn nhất Đông Nam Á (2.400 MW). Các trung tâm điện lực Cần Thơ, Cà Mau, Trà Vinh, Sông Hậu, Long Phú được đầu tư xây dựng có tổng công suất phát điện lớn.

Năng lượng đồng bằng: Mối lo và lối mở

Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 có công suất 660MW, sản lượng khoảng 3,6 tỷ kWh/năm, tiêu thụ khoảng 800 triệu - 1 tỷ m3 khí/năm. Các dự án Ô Môn 2 (720MW), Ô Môn 3 (700MW), Ô Môn 4 (720MW) với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, tiêu thụ khoảng 4 tỷ m3 khí/năm.Nhiệt điện khí Cà Mau 1 & 2 có công suất 1.500 MW. Trung tâm Điện lực Duyên Hải có tổng công suất khoảng 4.308MW, tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD. Trong đó, 3 nhà máy đã phát điện gồm Duyên Hải 1 (1.245 MW), Duyên Hải 3 (1.245 MW) và Duyên Hải 3 mở rộng (688 MW). Ngoài ra, còn có các dự án đang triển khai như nhiệt điện Sông Hậu (1.200 MW), Trung tâm nhiệt điện Long Phú, Sóc Trăng (4.400MW),

Các trung tâm năng lượng đã được đầu tư xây dựng, góp phần quan trọng vào chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Nhưng điều đáng lo ngại là phần lớn nguồn phát điện ở ĐBSCL phụ thuộc vào nhiệt điện than trong khi xu hướng thế giới và các lần điều chỉnh Quy hoạch điện quốc gia đều theo hướng giảm năng lượng hóa thạch, tăng năng lượng tái tạo. Theo Báo cáo mới nhất cuối năm 2018 (www.carbontracker.org), phân tích lợi nhuận của 6.685 nhà máy nhiệt điện than trên thế giới, chiếm 95% (1.900 GW) công suất nhiệt điện than đang hoạt động, thì 42% nhà máy nhiệt điện than toàn cầu hoạt động thua lỗ. Trong khi dự báo, năng lượng gió và mặt trời sẽ rẻ hơn 96% điện than vào năm 2030.

Theo Quy hoạch Điện VII được điều chỉnh năm 2016, vùng ĐBSCL có 14 nhà máy điện than. Trong đó, 3 nhà máy đang vận hành là Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng, còn lại đang xây dựng và phần lớn là trong quy hoạch. Một số dự án nhiệt điện than mới bổ sung trong lần điều chỉnh này đang gây tranh cải như nhiệt điện Tân Phước 1, 2 (Tiền Giang) và Long An nằm liền kề với TP HCM, đặt ra nhiều thách thức tác động đến môi trường, đời sống kinh tế, xã hội và sinh kế người dân. Qua các cuộc hội thảo diễn ra trong năm 2018, UBND tỉnh Long An cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương giữ nguyên quy hoạch Trung tâm Điện lực Long An nhưng phải sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng thay cho than đá để hạn chế tác động ảnh hưởng môi trường.

Nhiệt điện than đang làm nóng đồng bằng

Việc hình thành trung tâm điện lực tại ĐBSCL chủ yếu là nhiệt điện than đang đặt ra 3 mối lo lớn làm nóng đồng bằng. Đó là ô nhiễm nguồn nước, không khí và tác động của tro xỉ.

Theo các chuyên gia, nhà máy nhiệt điện than là những cỗ máy tiêu tốn nước khổng lồ. Tổng lượng nước làm mát cần cho 14 nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL khoảng 70 triệu m3/ngày đêm. Nhiệt độ của lượng nước này khi ra môi trường cao hơn nhiệt độ nước đầu vào khoảng 8 độ C, vào mùa hè nước thải ra có thể lên đến gần 40 độ. Các nhà máy nhiệt điện than lại được đặt gần biển và sông để tiện cho vận chuyển than và lấy nước làm mát. Nước nóng thải ra từ các nhà máy sẽ phá hủy hệ sinh thái dưới nước, ảnh hưởng rất lớn đến đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của vùng này. Tình hình càng nghiêm trọng hơn nếu chịu tác động kép của nhiệt điện than với biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của thủy điện thượng nguồn dòng chính sông Mekong dẫn tới tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong thời gian qua.

Đi sau ô nhiễm nguồn nước là ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiệt điện than, qúa trình hoạt động đốt than ngoài phát thải khí CO2 còn phát thải ra các khí độc hại khác như bụi mịn (PM2.5), khí SO2, Nox... đều ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Theo các nhà khoa học, các loại bụi mịn (PM2.5), SOx, NOx gây ra nhiều loại như ung thư phối, đột quỵ, bệnh tim và các bệnh hô hấp khác như hen suyễn… Hiện nay hầu hết các nhà máy chỉ lọc được bụi mịn, khí SO2, NOx, còn các loại khí độc hại khác vẫn chưa làm được. Theo Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, riêng PM2.5 đã gây ra khoảng 3 triệu cái chết yểu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay ở Việt Nam chưa thấy có một đánh giá đầy đủ nào về tác động của nhiệt điện than đến sức khỏe của người dân tại Việt Nam nói chung và cho ĐBSCL nói riêng.

Cùng với tác động xấu đến nguồn nước và ô nhiễm không khí, các nhà máy nhiệt điện than còn thải ra một lượng lớn tro xỉ. Nhưng đến nay, việc xử lý và sử dụng lượng tro xỉ đó như thế nào đang vẫn đang là bài toán của các ngành liên quan, vấn đề kinh tế và môi trường chắc chắn rất cần sự “cẩn trọng”. Theo các chuyên gia, mỗi năm lượng than cần dùng cho 14 nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL ước tính khoảng 64 triệu tấn, ước tính thải ra khoảng 16 triệu tấn tro xỉ. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ra các quyết định về xử lý tro xỉ, các Bộ - ngành cũng đã tiến hành hội thảo nhưng quy chuẩn đối với tro xỉ được sử dụng làm nguyên vật liệu xây dựng như thế nào vẫn chưa được cụ thể hóa nên việc sử dụng tro xỉ vẫn còn dưới dạng tự phát với số lượng hạn chế, phần lớn là chôn lấp, đây là một vấn đề nhức nhối cho công tác quản lý tro xỉ trong tương lai ở vùng ĐBSCL.

Bên cạnh những nỗ lực triển khai các dự án năng lượng lớn ở ĐBSCL, cũng cần xem xét và tiến hành đánh giá tác động tích lũy của ô nhiễm không khí, nguồn nước và những tác động đến sức khỏe người dân; công khai dữ liệu về mức phát thải của nhà máy tại từng thời điểm và hàng năm. Đồng thời, cũng cần phải đánh giá lại phương án phát triển các nguồn phát điện trong vùng cho phù hợp với nhu cầu phát triển và liên kết vùng.

Việc phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trong tổng sơ đồ nguồn điện như cách giải bài toán khó trong điều kiện không mong muốn. Nhưng điều quan trọng là cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, cân nhắc nghiêm túc các vấn đề có liên quan. Năm 2019 với lộ trình xây dựng Quy hoạch điện VIII được bắt đầu hứa hẹn sẽ là một năm có tính chất quyết định cho câu chuyện chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.

Lối mở từ những “tuốc-bin xanh”

ĐBSCL được đánh giá là vùng có tiềm năng rất lớn cho phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Theo nghiên cứu của Viện Năng lượng cho tổ chức Phát triển Đức (GIZ) đầu năm 2018, nếu xét chi phí đầu tư một dự án điện mặt trời ở mức 7,5 cent mỹ/KWh với chi phí sử dụng vốn ở mức 7,8% thì tổng tiềm năng kinh tế của điện mặt trời tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long lên tới 136.275 MW, điện lượng ước tính lên tới 216,5 tỷ kWh hàng năm. Con số này gấp đôi so với tổng toàn bộ 14 nhà máy nhiệt điện than mà điện lượng hàng năm ước tính chỉ khoảng 108 tỷ kWh.

Theo các Quyết định phê duyệt quy hoạch điện gió của Bộ Công thương, chỉ riêng 5 tỉnh ven biển của đồng bằng là Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, thì tổng công suất tiềm năng điện gió đến năm 2020 là 1.272 MW, đến năm 2050 là 10.712 MW, cao hơn nhiều so với tổng công suất tiềm năng điện gió cả nước theo Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Tổng sơ đồ điện lực VII đến năm 2020 là 800 MW, năm 2050 là 6.000 MW.

Hàng loạt các dự án điện gió đã được đầu tư, khởi công, cấp phép ở các tỉnh ven biển đồng bằng như: Nhà máy điện gió Bạc Liêu 1 và 2 đã hoàn thành, đã khởi công Nhà máy điện gió Bạc Liêu 3, Điện gió Khai Long - Cà Mau, Nhà máy điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh, điện gió Bình Đại – Bến Tre, trao giấy phép dự án Điện gió Duyên Hải, Trà Vinh, thỏa thuận hợp tác Điện gió Phú Cường Sóc Trăng. Các dự án điện gió và năng lượng tái tạo ở đồng bằng đang đứngtrước cơ hội phát triển khi công nghệ phát triển nhanh, chi phí đầu tư giảm mạnh. Giá thành sản xuất điện gió đã giảm 23% trong 7 năm qua và dự báo còn tiếp tục giảm sâu, trở nên rất cạnh tranh từ năm 2020. Ngoài ra, còn nguồn điện sinh khối cũng được đánh giá nhiều tiềm năng, kết hợp với thế mạnh nông nghiệp trong chăn nuôi, trồng trọt.

Trái ngược với nhiệt điện than, phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo hầu như không gây ra các tác động đến môi trường, xã hội. Ngoài ra, với những lợi thế của mình, phát triển năng lượng tái tạo cũng là cơ hội cho ĐBSCL thúc đẩy những đồng lợi ích về KT-XH, giúp đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, là động lực thúc đẩy chuỗi giá trị địa phương và đồng thời thời là giải pháp phù hợp nhằm hoàn thành các mục tiêu Quốc gia về điện khí hóa nông thôn.

Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo không thể cùng lúc tạo ra sự đột phá như việc đổ tiền vào xây dựng một nhà máy nhiệt điện than có thể phát ra hàng ngàn MW chỉ trong một thời gian ngắn. Đó là một quá trình nhận thức và chuyển dịch năng lượng từ “nâu sang xanh”.

Để ĐBSCL là một “tuốc-bin xanh” rất cần nghiên cứu lại nhu cầu điện của ĐBSCL và phân tích chi phí và lợi ích của các kịch bản phát triển năng lượng khác nhau theo mô hình phát triển bền vững để xem xét tính cấp thiết của việc phát triển 14 nhà máy nhiệt điện than như trong Quy hoạch Điện VII và xem xét phát triển điện từ nguồn năng lượng tái tạo để thay thế nhiệt điện than và bảo đảm an toàn môi trường. Bên cạnh đó, cần các cơ chế chính sách, tài chính để thúc đẩy doanh nghiệp, người dân và cộng đồng tham gia phát triển và ứng dụng NLTT để đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu nhiệt điện than để giảm thiểu tác động tới môi trường, bảo đảm phát triển bền vững các ngành truyền thống và thế mạnh của ĐBSCL đặc biệt là nông nghiệp, thủy sản và du lịch.

Tin mới lên