Thị trường

Kiểm toán Nhà nước: Hàng loạt địa phương chi thường xuyên 'vô tội vạ'

(VNF) - Theo Kiểm toán Nhà nước, một số bộ, ngành, cơ quan trung ương có tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi không đúng nguồn; mua sắm vượt nhu cầu gây lãng phí ngân sách lên tới hàng nghìn tỷ.

Kiểm toán Nhà nước: Hàng loạt địa phương chi thường xuyên 'vô tội vạ'

Một số bộ, ngành, cơ quan trung ương mua sắm vượt nhu cầu gây lãng phí ngân sách lên tới hàng nghìn tỷ

Cụ thể, cơ quan này cho biết năm 2016, dự toán chi thường xuyên 837.283 tỷ đồng, quyết toán 822.343 tỷ đồng (chiếm 63,3% tổng chi ngân sách nhà nước), giảm 1,8% (14.940 tỷ đồng) dự toán.

Trong đó, quyết toán chi ngân sách trung ương vượt 0,8% (3.017 tỷ đồng), ngân sách địa phương giảm 3,8% (17.957 tỷ đồng).

Qua kiểm toán, cơ quan này nhận thấy một số bộ, ngành, cơ quan trung ương có tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi không đúng nguồn...; mua sắm vượt nhu cầu gây lãng phí ngân sách.

Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 211,6 tỷ đồng.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, có 39/47 địa phương vẫn còn quyết toán một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Cơ quan đã kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách nhà nước, giảm thanh toán, dự toán năm sau 670,7 tỷ đồng.

Trong đó, TP. HCM (19 tỷ đồng), Hà Nội (17 tỷ đồng), Bình Thuận (171 tỷ đồng); Tây Ninh (132 tỷ đồng); Quảng Bình (177 tỷ đồng); Bà Rịa - Vũng Tàu (74 tỷ đồng); Bình Định (49 tỷ đồng)…

Một số địa phương chi hàng chục tỷ đồng cho công ty bóng đá

Ngoài ra, cơ quan này cũng cho biết năm 2016, một số địa phương điều hành chi ngân sách trong điều kiện hụt thu (hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc cấp huyện) chưa phù hợp quy định. Cụ thể, có 31/47 địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỷ đồng, trong đó 18 địa phương còn sử dụng 156,7 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn thu sử dụng đất... để bổ sung chi thường xuyên sai quy định.

Có 22/47 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi 121 tỷ đồng, trong đó một số địa phương còn hỗ trợ cho các công ty bóng đá. Điển hình như tỉnh Tây Ninh hỗ trợ Công ty Cổ phần bóng đá Tây Ninh từ năm 2014 đến 2016 mỗi năm 4 tỷ đồng; Quảng Ninh hỗ trợ đội bóng đá của Công ty TNHH MTV bóng đá Quảng Ninh trả lương cho các cầu thủ và nhân viên của công ty 10 tỷ đồng.

Có 16/47 địa phương chưa thu hồi kinh phí tiền lương đã giao cho các cơ sở khám chữa bệnh khi thực hiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BTC-BYT 311 tỷ đồng.

Có thể kể đến như Hà Nội (121,6 tỷ đồng), Đà Nẵng (26,3 tỷ đồng), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (39,8 tỷ đồng), Phú Yên (29,5 tỷ đồng), Gia Lai (24,8 tỷ đồng)…

“Bên cạnh đó, còn có tình trạng sử dụng ngân sách cấp tạm ứng cho các đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ chi do các doanh nghiệp đảm bảo hoặc phải sử dụng nguồn tài trợ để chi hoặc giao dự toán cho doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ cung ứng hàng hóa, trong khi nhiệm vụ này do ngân sách đảm bảo và được thực hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước, tiềm ẩn rủi ro khi thực hiện”, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.

Cụ thể như Đà Nẵng tạm ứng cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất 20 tỷ đồng để chi trả tiền đến bù dự án BT nút giao thông Ngã ba Huế nhưng đây là nhiệm vụ của nhà đầu tư. Còn  tỉnh Gia Lai giao kế hoạch và dự toán chi ngân sách cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu y tế 20 tỷ đồng để cung ứng mặt hàng muối Iốt; Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển miền núi tỉnh Gia Lai 107 tỷ đồng…

Về tạo nguồn và sử dụng nguồn cải cách tiền lương, theo Kiểm toán Nhà nước có 12/47 địa phương báo cáo chưa đầy đủ hoặc sai nguồn cải cách tiền lương được để lại từ nguồn thu học phí, viện phí và thu sự nghiệp khác, nguồn năm trước chuyển sang.

Có 6/47 địa phương xác định vượt nhu cầu cải cách tiền lương với số tiền 822,7 tỷ đồng, trong đó cơ quan này đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm trừ dự toán năm sau nguồn cải cách tiền lương của một số địa phương 350,9 tỷ đồng.

Có 30/47 địa phương chưa trích lập đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định 1.743,9 tỷ đồng; 18/47 địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác sai quy định 804,8 tỷ đồng; còn địa phương không xem xét để sử dụng nguồn cải cách tiền lương hiện có tại các đơn vị khi cấp dự toán theo quy định dẫn đến cấp thừa 162,8 tỷ đồng .

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, trong năm 2016 Bộ Tài chính đề nghị và Chính phủ cho phép một số địa phương sử dụng 50% tăng thu ngân sách địa phương năm 2015 dành thực hiện cải cách tiền lương năm 2016 để chuyển sang chi đầu tư 1.484,004 tỷ đồng, trong khi ngân sách trung ương vẫn phải cấp kinh phí thực hiện cải cách tiền lương cho các địa phương.

Hơn thế nữa, qua kiểm tra chi tiết tại 2 tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam cho thấy số kinh phí cải cách tiền lương chuyển sang chi đầu tư lũy kế đến hết năm 2016 là 3.781,6 tỷ đồng nhưng đến hết năm 2016 vẫn chưa phân bổ hoặc chưa sử dụng 383,5 tỷ đồng.

Qua kết quả kiểm toán, cơ quan này cũng cho rằng một số bộ, ngành, cơ quan trung ương chưa theo dõi và quản lý kinh phí viện trợ theo quy định.

Tin mới lên