Thị trường

Hàng chục nghìn tỷ đồng vẫn được đầu tư vào vàng

(VNF) - Giá vàng trong nước và thế giới hôm nay tiếp tục tăng với mức 170.000 đồng/lượng.

Hàng chục nghìn tỷ đồng vẫn được đầu tư vào vàng

Hàng chục ngàn tỷ đồng vẫn được đầu tư vào vàng (ảnh minh họa)

Sau 11 giờ ngày 15/5, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 55,92 – 56,37 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lúc này cũng đang ở mức 1.844,4 USD/ounce.

So với hôm qua, giá vàng trong nước hôm nay tiếp tục tăng giá với mức 70.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 170.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Giá vàng thế giới tiếp tục tăng, với mức 12 USD/ounce (khoảng 280.000 đồng).

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được các doanh nghiệp giao dịch thấp hơn rất nhiều so với vàng miếng SJC và PNJ, phổ biến mua bán trong khoảng 52,17- 52,77 triệu đồng/lượng, cao hơn 330.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.

Chênh lệch giá mua - bán hôm nay vẫn được công ty SJC để ở mức 350.000 đồng/lượng, giảm 50.000 đồng so với mức trung bình 400.000 đồng/lượng ở các tuần trước.

Hiện quy đổi theo tỷ giá hiện tại, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng SJC gần 5 triệu đồng/lượng và thấp hơn giá vàng trang sức chỉ 1,3 triệu đồng/lượng.

Giao dịch trên thi trường quốc tế đầu ngày 14/5, giá vàng thế giới từ 1.827 USD/ounce xuống còn 1.820 USD/ouce. Thế nhưng, khi Bank of America dự báo Mỹ đang đối mặt lạm phát gia tăng, đồng USD tiếp tục giảm giá… giới đầu tư liền tăng sức mua vàng. Giá vàng cứ thế tăng một mạch 25 USD/ounce, từ 1.820 USD/ounce lên 1.845 USD/ounce. Đến đầu ngày 15/5, giá vàng thế giới đóng cửa giao dịch tại 1.844 USD/ounce.

Theo các chuyên gia, những số liệu kinh tế tại Mỹ đang tạo tác động tích cực đến giá vàng và đà tăng của kim loại quý này có thể sẽ kéo dài trong tương lai. Giá vàng tăng mạnh do áp lực lạm phát tại Mỹ gia tăng và sự bất ổn kinh tế mới tạo ra tâm lý tăng giá mạnh mẽ trên thị trường vàng.

Việc thị trường đón nhận thêm dữ liệu kinh tế với báo cáo doanh số bán lẻ tháng 4 với kết quả không khác dự báo là tăng 0,8% cũng tác động đến xu hướng tăng giá của vàng. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức tăng mạnh 9,8% trong báo cáo tháng 3.

Vàng hưởng lợi chính từ đà giảm của USD và lợi suất. Trước đó, nhiều dự đoán cho thấy việc giá vàng bứt phá qua mốc 1.800 USD/ounce có thể là khởi đầu cho một động thái quan trọng hơn trong nửa cuối năm, đẩy giá trở lại mức 2.000 USD/ounce.

Ở thị trường trong nước, vàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, riêng trong tháng 3/2021 vừa qua, doanh số mua vào đối với vàng miếng cao hơn doanh số bán ra. Cụ thể, doanh số mua vàng miếng là 138.394 lượng vàng, tương đương giá trị 7.665 tỷ đồng, tăng 93,1% so với tháng 2/2021. Trong khi đó, doanh số bán vàng miếng là 124.569 lượng, tương đương giá trị là 6.908 tỷ đồng, tăng 79%. 

Lũy kế ba tháng đầu năm 2021, doanh số mua vàng miếng là 281.710 lượng, tương đương giá trị là 15.792 tỷ đồng. Doanh số bán là 258.013 lượng vàng miếng, tương đương giá trị là 15.087 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế ba tháng đầu năm nay doanh số mua vàng miếng của các doanh nghiệp và một số tổ chức tín dụng được phép kinh doanh vàng trên địa bàn cao hơn doanh số bán vàng miếng tới 23.697 lượng, tương đương hơn 1.328 tỷ đồng. 

Hiện vàng miếng trong nước luôn giữ giá quá cao so với giá vàng thế giới. Có thời điểm chênh lệch giữa vàng miếng với vàng quốc tế lên đến hơn 8 triệu đồng/lượng. Ngay trong thời điểm hiện tại, dù khoảng cách này đã được thu hẹp hơn thì vàng miếng vẫn đang đắt hơn vàng thế giới khoảng 5 triệu đồng/lượng.

Từ khoá: Vàng, giá vàng,
Tin mới lên