Bất động sản

Giao thông tuần qua: Thủ tướng muốn Hải Phòng xây tàu điện ngầm, đề xuất không 'khai tử' TCT Cửu Long

(VNF) - Thủ tướng gợi ý Hải Phòng nghiên cứu xây dựng hệ thống tàu điện ngầm trong thời gian tới; Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang tính đến việc giữ nguyên trạng Tổng công ty Cửu Long (CIPM)... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Thủ tướng muốn Hải Phòng xây tàu điện ngầm, đề xuất không 'khai tử' TCT Cửu Long

Thủ tướng gợi ý nghiên cứu xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở Hải Phòng.

Thủ tướng nói gì về đề xuất tăng phí 'cứu' doanh nghiệp BOT của Bộ GTVT?

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thông tin báo giới phản ánh về việc các doanh nghiệp vận tải và hiệp hội vận tải khẳng định đề xuất tăng phí BOT vì dịch Covid-19 là không phù hợp, khiến ngành vận tải thêm khó khăn chồng chất vào thời điểm này.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động về đề xuất nêu trên và trả lời cho báo giới.

Trước đó, Bộ GTVT có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo Bộ GTVT, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Bộ đã báo cáo, kiến nghị giải pháp khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp BOT do doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo phương án tài chính.

Tính đến hết năm 2019, 45 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo, trong đó có 2 dự án doanh thu chỉ đạt 13 - 15% và 3 dự án chưa được thu, đang tạm dừng thu.

Qua tổng hợp số liệu thống kê của các doanh nghiệp BOT, có tới 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính, trong đó 17 dự án doanh thu chưa đạt được 50% so với dự báo.

Trước thực tế trên, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án thu phí. Phương án 1 cho phép tăng phí theo hợp đồng dự án, giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng chi phí vận tải.

Phương án 2 giữ nguyên mức phí, chỉ tăng theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022 nhưng nhà nước phải bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá.

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án 1 do không phải bố trí ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ tính toán kinh phí cần thiết để hỗ trợ các dự án có doanh thu giảm trên 50% so với phương án tài chính. Trường hợp cần thiết đề xuất nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án. (Xem thêm)

Sẽ khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tháng 11/2020

Trao đổi với VietnamFinance, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: "Bộ và các địa phương đang nỗ lực xử lý các vướng mắc để sớm khởi công dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ ngay trong tháng 11/2020".

Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long), cho biết: dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km. Quy mô tuyến chính gồm 6 làn xe cao tốc, chiều rộng nền là 32,25m; trong đó giai đoạn 1 đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền 17m.

Hiện tại đơn vị đang phối hợp với tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp để tăng tốc giải phóng mặt bằng (GPMB), trong đó, tổng khối lượng khoảng 154ha (Đồng Tháp 58ha; Vĩnh Long 96ha); kinh phí GPMB khoảng 932 tỷ đồng (Đồng Tháp 127 tỷ đồng; Vĩnh Long 785 tỷ đồng), đã được phân bổ trong năm 2020 là 932 tỷ đồng.

Về tiến độ GPMB, các đơn vị tư vấn đã hoàn thành cắm cọc ngoài hiện trường được 14,4km/23km. Từ ngày 15/5, đã bắt đầu bàn giao cọc GPMB cho địa phương, đến nay đã bàn giao toàn bộ cọc GPMB cho tỉnh Đồng Tháp (10,5/10,5km), tỉnh Vĩnh Long đã bàn giao 1,5/12,5km, dự kiến đến hết tháng 5/2020 sẽ bàn giao xong.

Về khối lượng GPMB, có 826 hộ của TP Vĩnh Long, huyện Bình Tân, huyện Long Hồ và thị xã Bình Minh của tỉnh Vĩnh Long ảnh hưởng bởi dự án; đối với Đồng Tháp có 340 hộ của huyện Châu Thành.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là dự án trọng điểm quốc gia, vì thế, các đơn vị cần phải quyết tâm, nghiêm túc thực hiện, tránh những vướng mắc, khiếu kiện. Thứ trưởng cũng yêu cầu lần họp sau nên mời lãnh đạo các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, cáp viễn thông... đến dự họp để nếu có vướng mắc sẽ giải quyết luôn, đồng thời nêu quyết tâm sẽ thực hiện khởi công dự án vào tháng 11/2020. (Xem thêm)

Cienco 4 và ACC sẽ là 'ứng viên tiềm năng' sửa đường băng Tân Sơn Nhất, Nội Bài?

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài cần tới 2.218 tỷ đồng và Tân Sơn Nhất là 2.058 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn đầu tư 2 dự án trong năm 2020 chỉ khoảng 828 tỷ đồng. Do nguồn vốn nguồn cấp không đủ, nên nhà thầu được giao thầu phải có tiềm lực về tài chính để đảm bảo tiến độ thi công dự án đúng yêu cầu.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, tiến tới triển khai xây dựng vào cuối tháng 6/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn vừa có công văn yêu cầu 2 đơn vị là Ban QLDA Thăng Long và Tổng Công ty Cửu Long tổ chức xây dựng trình tự và kế hoạch thực hiện đối với 2 dự án quan trọng trên, phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.

Đặc biệt, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu Ban QLDA Thăng Long và Tổng công ty Cửu Long căn cứ tính chất kỹ thuật, tiến độ thực hiện dự án đề xuất phân chia các gói thầu và xây dựng quy trình, tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu, cập nhật thông tin các nhà thầu đã tham gia thực hiện các dự án xây dựng công trình giao thông có quy mô, tính chất kỹ thuật tương tự các hạng mục công việc của dự án, văn bản xin tham gia của các nhà thầu để dự kiến danh sách nhà thầu (tư vấn, xây lắp) theo trình tự và kế hoạch thực hiện đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết tháng 4/2020, Bộ cũng có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ GTVT được triển khai 2 Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 43 Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng.

Nếu đề xuất này được thông qua, Bộ GTVT sẽ được quyền quyết định, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện và được giao thầu có tiết kiệm 5% so với dự toán (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành, qua đó có thể khởi công 2 dự án cấp bách này vào cuối tháng 6/2020.

Hiện tại, đang có 2 ứng viên tiềm năng mong muốn sửa chữa 2 đường băng là Tổng công Ty Xây Dựng Hàng Không (ACC) và Tập đoàn Cienco 4. (Xem thêm)

Thủ tướng gợi ý nghiên cứu xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở Hải Phòng

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu TP. Hải Phòng cần chú trọng phát triển kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao và du lịch là 3 trụ cột chiến lược của Hải Phòng từ nay đến năm 2045.

Cụ thể, kinh tế biển trên cơ sở tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, là trọng điểm phát triển kinh tế biển cả nước.

Cùng với đó, xây dựng Hải Phòng trở thành một thành phố cảng quan trọng thu hút nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đến đầu tư, kinh doanh; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chọn lọc; hình thành và phát triển các khu công nghiệp sinh thái đảm bảo hài hòa giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ và bảo vệ môi trường; có cơ chế, chính sách đột phá, tạo điều kiện cho một số lĩnh vực công nghiệp mang tính đặc thù, thế mạnh.

Bên cạnh đó, Hải Phòng phải có định hướng phát triển du lịch - một lĩnh vực phát triển quan trọng của thành phố kết nối giữa Đồ Sơn – Cát Bà – Hạ Long, liên kết vùng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh trong phát triển du lịch, dịch vụ. Trong tương lai, Hải Phòng phải trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao tầm quốc tế với dịch vụ chất lượng cao, mua sắm, giải trí, điểm đến của du khách trên thế giới.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Hải Phòng phải là trung tâm giáo dục – đào tạo, y tế và khoa học – công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ. Là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Hải Phòng cần phân kỳ phát triển thành phố một cách khoa học, theo từng giai đoạn phù hợp với quy hoạch phát triển.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, Hải Phòng đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Nghiên cứu xây dựng hệ thống tàu điện ngầm trong thành phố. Phấn đấu đến năm 2045, Hải Phòng phải có trình độ phát triển cao trong nhóm thành phố hàng đầu châu Á. (Xem thêm)

Đề xuất không 'khai tử' Tổng công ty Cửu Long

Trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: "Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, Bộ GTVT đang tính đến việc giữ nguyên trạng Tổng Công ty Cửu Long (CIPM), đây là đơn vị đang nắm các dự án lớn và có nhiều cán bộ chuyên môn tốt".

Trước đó, Bộ GTVT đã trình Chính phủ 2 phương án sau khi "xoá sổ" Tổng Công ty Cửu Long đó là đề xuất chuyển CIPM trở thành Ban quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận. 

Theo các chuyên gia giao thông, "nếu điều này xảy ra, đây là việc "bình cũ" trở lại, bởi trước đó tiền thân của CIPM chính là Ban QLDA cầu Mỹ Thuận. Hiện đề án thành lập Ban QLDA Mỹ Thuận đang chưa có hồi kết. Đặc biệt là mô hình điều chuyển CIPM vẫn gây nhiều tranh cãi".

Phương án thứ hai là sáp nhập CIPM vào Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), tuy nhiên, phương án này đã bị Thủ tướng Chính phủ "tuýt còi".

Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo: "Để có cơ sở quyết định thành lập Ban QLDA Mỹ Thuận, Bộ GTVT phải phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ KH&ĐT, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan lập hồ sơ đề nghị sáp nhập CIPM vào VEC. Tuy nhiên, đề nghị sáp nhập CIPM vào VEC đang gặp nhiều khó khăn do VEC đã chuyển về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp".

"Ngoài ra, VEC đang là đối tượng kiểm tra, điều tra của các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời, việc thành lập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận không phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung Ương".

"Vì vậy, Bộ GTVT đang giao Vụ quản lý doanh nghiệp chủ trì phối hợp với Tổng Công ty Cửu Long khẩn trương lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau đó trình báo cáo Thủ tướng". (Xem thêm)

Tin mới lên