Tài chính tiêu dùng

Đường dây 'tín dụng đen' giao dịch trên 500 tỷ đồng bị triệt phá

(VNF) - Công an tỉnh Thanh Hóa vừa thông tin về chuyên án bóc gỡ đường dây tội phạm tín dụng đen "phủ sóng" ở 63 tỉnh, thành phố, với số lượng tiền giao dịch lên đến hơn 500 tỷ đồng. 

Đường dây 'tín dụng đen' giao dịch trên 500 tỷ đồng bị triệt phá

Đường dây 'tín dụng đen' giao dịch trên 500 tỷ đồng bị triệt phá. (Ảnh minh họa)

Từ cái chết bất thường của anh Nguyễn Văn Minh (19 tuổi) - nhân viên của tổ chức tự xưng là “Công ty tài chính Nam Long” tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hoá, cơ quan công an bước đầu xác định anh Minh bị chính các đối tượng của công ty này đánh chết.

Xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến tội phạm có tổ chức hoạt động tín dụng đen và có tính chất chuyên nghiệp, phạm vi rất rộng, quan hệ phức tạp, Công an tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Bộ Công an xác lập chuyên án.

Theo tài liệu điều tra, cầm đầu đường dây tội phạm này là Nguyễn Đức Thành (30 tuổi, trú ở phường Cầu Kho, quận 1, TP. HCM). Đối tượng Thành quê gốc Hải Dương, từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật nên rất am hiểu pháp luật và có nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng.

Thành quen biết đối tượng Nguyễn Cao Thắng (34 tuổi, trú ở Kiến An, Hải Phòng) trong thời gian sống tại đây. Về sau, khi vào TP. HCM làm ăn, đối tượng Thành tình cờ gặp lại Nguyễn Cao Thắng. Thành và Thắng đã bàn bạc mở Công ty tài chính Nam Long. Thực chất, công ty này chỉ là “công ty ma”, không đăng ký kinh doanh, nhưng trụ sở được đặt tại đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1 và Nguyễn Đức Thành làm giám đốc.

Công ty này chuyên thực hiện giao dịch cho vay với lãi suất "cắt cổ". Mỗi ngày người vay phải trả cả gốc và lãi là 2,5% tổng số tiền vay. Ngoài ra còn hợp đồng “lãi đứng” với mức lãi từ 15-30%/ngày.

7 nghi can đang bị tạm giam tại Công an tỉnh Thanh Hoá.

Nam Long có 26 chi nhánh ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, mỗi chi nhánh phụ trách 2-5 tỉnh do một người quản lý. Để phục vụ hoạt động cho vay tiền, Công ty tài chính Nam Long tự in các loại mẫu hợp đồng cho vay, giấy tờ mua bán tài sản. Chúng sử dụng hàng trăm tài khoản cá nhân khác nhau (theo điều tra hiện đã thống kê được 70 tài khoản) ở nhiều ngân hàng, nhiều chi nhánh trên cả nước để khách hàng tiện nộp lãi, mặt khác chia nhỏ rủi ro khi bị cơ quan chức năng phát hiện.

“Các đối tượng xây dựng mô hình công ty tương đối bài bản, từ chủ tịch hội đồng quản trị đến giám đốc, rồi hệ thống quản lý nhân sự, khách hàng… Chính vì vậy, nhiều người nhầm tưởng đây là tổ chức tín dụng đàng hoàng nên đăng ký vay tiền”, điều tra viên tham gia ban chuyên án cho biết.

Với nhân viên, công ty lập hệ thống các văn bản quy định nội bộ, quy chế kỷ luật hà khắc như phạt 50-100 triệu đồng nếu phá hợp đồng; tự chặt ngón tay nếu vi phạm quy chế; sẵn sàng chấp nhận nguy cơ bản thân và gia đình bị bắt cóc, đe dọa, hành hung.

Tổng số tiền giao dịch tại công ty ước trên 500 tỷ đồng với hơn 200 khách hàng vay lãi nặng trên khắp cả nước. Có khách hàng phải chịu lãi suất vay lên đến 1.043%/năm. Khi các con nợ chậm trả, nhóm sẽ hành hung, đe dọa và cưỡng đoạt tài sản có giá trị gấp nhiều lần số tiền vay.

Sau hơn 4 tháng điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố tình gây thương tích, giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; khởi tố 9 bị can trong tổ chức tội phạm trên do Nguyễn Đức Thành là đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Công an tỉnh Thanh Hóa và Cục Cảnh sát hình sự đang điều tra mở rộng vụ án, ai là bị hại liên lạc về ban chuyên án để được hỗ trợ.

Tin mới lên