Diễn đàn VNF

DN e ngại 'chứng chỉ xanh' EPR: Rất cần nhưng đầu tư tốn kém

(VNF) - Chuyên gia cho rằng, đã có công nghệ tái chế thì chi phí tái chế phải đủ cao để khuyến khích doanh nghiệp tự tái chế thay vì lựa chọn đóng quỹ môi trường,

DN e ngại 'chứng chỉ xanh' EPR: Rất cần nhưng đầu tư tốn kém

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) có thể đẩy chi phí của doanh nghiệp tăng cao.

EPR không chỉ là trách nhiệm

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được quy định tại Ðiều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NÐ-CP.

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dầu nhớt, pin, ắc quy, xăm lốp và các loại bao bì thương mại phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải.

Các chuyên gia đánh giá, EPR không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Việc thực hiện EPR sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đối tác, từ đó có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, đây cũng là một cơ hội tốt để có thêm nguồn hỗ trợ tài chính và dòng tài chính từ EPR, bên cạnh nguồn từ sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội để doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm cũng như gánh nặng mà chất thải đặt lên cộng đồng nơi họ sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân, EPR chính là lợi thế cạnh tranh quốc gia, là “chứng chỉ xanh” để doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường lớn và tiêu chuẩn cao.

Ông Lê Anh dẫn chứng, hiện mỗi ngày, Nhựa tái chế Duy Tân thu gom khoảng 180 tấn rác thải nhựa (tương đương khoảng 12 triệu chai nhựa) để tái chế, có thể làm ra những chai đựng nước uống được. Doanh nghiệp này đã xuất khẩu 60% sản lượng hạt nhựa tái chế của mình sang Mỹ và châu Âu.

Mặt khác, Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng công cụ EPR vì vậy các quy định, quy trình mới còn gây trở ngại và cần có thời gian để triển khai và thực thi một cách thông suốt, hiệu quả. Bên cạnh đó, nó cũng đòi hỏi sự vào cuộc của không chỉ các cơ quan chuyên môn mà còn cả sự đồng hành của toàn xã hội.

Đánh giá việc thực hiện EPR tại Việt Nam, ông Nguyễn Thi, Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Chi phí tái chế ở Việt Nam còn cao do chưa có hạ tầng tái chế, chưa có công nghệ tái chế và hệ thống tái chế chuyên nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng giá thành sản phẩm sau này, ảnh hưởng cạnh tranh sản phẩm.

Dù đã có một số cơ sở tái chế phát triển, quy mô nhưng cũng còn nhiều điểm tái chế quy mô nhỏ, làng tái chế... không đáp ứng được yêu cầu của EPR. Do đó, để đáp ứng được lượng thu gom tái chế, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu, cân nhắc, lựa chọn nhà tái chế, thu gom để đáp ứng được trách nhiệm của mình.

Cần có cơ chế khuyến khích

Liên quan đến việc xác định định mức chi phí tái chế (Fs), bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc Vận hành Công ty cổ phần Tái chế bao bì PRO Việt Nam cho biết, với những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, họ cho rằng Fs như hiện nay cao, còn những doanh nghiệp thu gom, tái chế nói là thấp.

Theo quan điểm của PRO Việt Nam, nên chia Fs thành 2 nhóm để có định mức phù hợp. Thứ nhất, nhóm sản phẩm có thể tái chế, đã có công nghệ tái chế thì Fs phải đủ cao để khuyến khích doanh nghiệp tự tái chế thay vì lựa chọn đóng quỹ môi trường. Thứ hai, nhóm chưa có công nghệ tái chế thì Fs nên ở mức vừa phải để doanh nghiệp có thể chịu được. Ngoài ra Fs cho các loại bao bì khác nhau cũng nên khác nhau. Ví dụ: Fs cho chai nhựa có màu nên cao hơn chai không màu vì tái chế khó hơn. Điều này khuyến khích nhà sản xuất sử dụng loại bao bì dễ tái chế hơn.

“Quy định EPR là công cụ để đạt được mục tiêu người gây ô nhiễm phải trả tiền để chịu trách nhiệm về phát thải của mình. Do đó những doanh nghiệp thực hành EPR tốt nên có cơ chế để khuyến khích họ”, bà Thanh nói.

Hiện đã có các cơ chế khuyến khích ưu đãi như hỗ trợ các nhà tái chế trong việc miễn giảm thuế, tiền sử dụng đất, tăng tiếp cận tín dụng xanh, trái phiếu xanh... Đây là chính sách mạnh mẽ giúp các nhà tái chế, nhà đầu tư có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận hơn trong thu gom tái chế bao bì, từ đó giúp phát triển hạ tầng cơ sở, đáp ứng yêu cầu của EPR.

Đồng thời cũng có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn tập trung quá trình sản xuất sản phẩm sạch hơn, kéo dài vòng đời sản phẩm, tái sử dụng sản phẩm giúp thị trường phát triển được.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành tiêu chí về nhãn sinh thái đối với các sản phẩm bao bì. Theo đó, yêu cầu nếu các bao bì sử dụng tối thiểu 20% nhựa tái chế sẽ được dán nhãn sinh thái. Khi có nhãn sinh thái này các cơ sở tái chế sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như trên, giúp đẩy mạnh phát triển thị trường tái chế. Đồng thời, Bộ này đã sửa đổi Nghị định 08 để giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tuân thủ, đã trình Chính phủ.

“Hi vọng trong tháng này sẽ có nghị định mới. Trong Nghị định 08, chúng tôi sửa đổi quy định EPR, quy định quy cách tái chế phù hợp hơn với thực tiễn, không yêu cầu doanh nghiệp, nhà sản xuất nhập khẩu phải tái chế ở mức quá sâu mà chỉ ở mức đưa thành nguyên liệu tái chế. Như vậy, gánh nặng doanh nghiệp giảm đi mà vẫn đạt được mục tiêu thu gom rác thải bao bì. Bộ cũng đưa ra mức định mức tái chế phù hợp cho doanh nghiệp”, ông Thi kỳ vọng.

Tin mới lên