Thị trường

Đề xuất miễn thị thực 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển

Đây là một trong những điểm mới được bổ sung trong dự thảo dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đề xuất miễn thị thực 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển

Ảnh minh hoạ.

Chiều nay 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (luật số 47).

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam, tờ trình và dự thảo luật của Chính phủ trình bổ sung 3 điều và sửa đổi 18 điều của luật số 47, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục hạn chế, bất cập trong thời gian qua; kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh và bảo đảm sự đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan mới được ban hành, cũng như tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập, xuất cảnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia.

Đáng chú ý, dự thảo bổ sung quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển, theo quyết định của Chính phủ, nếu đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội; và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Ngoài ra, dự thảo luật còn quy định cấp thị thực theo danh sách đối với khách du lịch tàu biển và thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu thuyền neo đậu; quy định các trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực (có giấy phép đầu tư, giấy phép lao động hoặc sống cùng thân nhân); bổ sung 1 điều kiện để quyết định đơn phương miễn thị thực (nước đó phải có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam).

Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi quy định về thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài theo hướng nâng thời hạn tối đa của thẻ tạm trú lên đến 10 năm, để khuyến khích nhà đầu tư chiến lược, hoặc đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn được ưu tiên. 

Cảnh báo nguy cơ về quốc phòng, an ninh

Về bổ sung quy định miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào các khu kinh tế ven biển, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đề nghị phải kèm theo các điều kiện chặt chẽ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể, bảo đảm sự linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

“Nước ta có rất nhiều khu kinh tế ven biển trong đất liền, có diện tích rộng, trải dài theo chiều dọc của đất nước, cách xa sân bay và nhiều nơi có vị trí địa lý, chính trị, quốc phòng an ninh, nếu tất cả đều miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh sẽ tiềm ẩn các nguy cơ về quốc phòng, an ninh, khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và quản lý hoạt động người nước ngoài”, ông Việt nhấn mạnh.

Về mở rộng diện các nước được miễn thị thực, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị không bổ sung điều kiện bắt buộc nước khác phải có chính sách tạo điều kiện hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam trước, mà đề nghị giữ nguyên quy định như luật hiện hành.

Cơ bản tán thành với tờ trình của Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị cân nhắc sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh, tạm trú, đảm bảo tính khả thi, phù hợp, chặt chẽ, không được ảnh hưởng đến an ninh chủ quyền quốc gia.

Ông Tỵ cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát các điều kiện miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển, thời hạn thị thực sao cho hợp lý với các trường hợp đơn phương miễn thị thực, bảo đảm phát huy được khả năng thu hút đầu tư, du lịch nhưng đồng thời phải bảo đảm chặt chẽ trong công tác quản lý, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng.

Chốt lại phiên họp, Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung dự luật sửa đổi này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 diễn ra từ 21/10 - 21/11

Chiều 20/9, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho biết trong suốt 2 tuần làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến 13 dự án luật, nhiều nội dung quan trọng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 sắp tới; đồng thời xem xét quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.Kỳ họp thứ 8 khóa 14 sẽ diễn ra từ 21/10 - 21/11 (24 ngày). Trong tháng 10, phiên họp thứ 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 3 ngày.

Tin mới lên