Diễn đàn VNF

Để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn ổn định, hiệu quả

(VNF) - Thị trường tài chính Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước phát triển nhanh chóng, đặc biệt là năm 2021 bất chấp bối cảnh tác động phức tạp của dịch Covid 19. Vai trò của TTCK ngày càng lớn và giúp thị trường vốn trở nên dần cân bằng hơn trong việc dẫn dắt, bổ sung nguồn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp niêm yết trên các sàn giao dịch.

Để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn ổn định, hiệu quả

Thị trường tài chính Việt Nam vẫn đang lệch pha và chủ yếu xoay quanh hệ thống ngân hàng

Từ năm 2000 chức năng huy động vốn cho nền kinh tế đã được san sẻ bớt sang cho kênh huy động vốn là thị trường chứng khoán, bên cạnh kênh ngân hàng thương mại. Nhưng về cơ bản Việt Nam vẫn là một nền kinh tế đang phát triển và thị trường tài chính chủ yếu tập trung xoay quanh hệ thống ngân hàng thay vì tập trung vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu như ở các nước phát triển.

Tài sản của người dân Việt Nam chủ yếu nằm trong hệ thống ngân hàng thương mại, nhưng đang dịch chuyển dần

Thị trường tài chính là nơi tập hợp nguồn vốn nhàn rỗi từ các hộ gia đình, doanh nghiệp rồi thông qua những tổ chức trung gian tài chính như ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư để có thể được đầu tư vào những chủ thể đang cần vốn trong nền kinh tế như doanh nghiệp và Chính phủ. Theo số liệu của Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia ước tính, giai đoạn 2018-2019 thì phần lớn tài sản của người dân, khoảng 90% vẫn chủ yếu là nằm trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Ngân hàng chiếm tỷ trọng chủ yếu trong việc cung ứng nguồn vốn dài hạn cho doanh nghiệp

Tính đến thời điểm hiện tại, ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp, con số này theo ước tính của các chuyên gia là chiếm tới khoảng 70% trong khi nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 20-30%. Điều này là rất khác so với các thị trường phát triển ví dụ như của Mỹ thì tín dụng ngân hàng chỉ chiếm khoảng hơn 30%. Có thể thấy vai trò hết sức quan trọng của nguồn vốn ngân hàng trong hệ thống thị trường vốn của Việt Nam đối với việc cung ứng nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế. Hiện nay có trên 800.000 doanh nghiệp hoạt động nhưng chỉ có 0,2% doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. So với nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp thì con số này còn rất khiêm tốn.

Tuy nhiên, xu hướng này đang dần thay đổi khi thị trường chứng khoán dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn ổn định cho nền kinh tế

Theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến 2030 – 2045 mà Bộ tài chính đang báo cáo với Chính phủ thì mục tiêu quan trọng là biến thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung – dài hạn chủ yếu của nền kinh tế phù hợp và gắn chặt với thị trường khu vực và quốc tế. Vì vậy, trong tương lai gần, cơ hội phát triển cân bằng ở thị trường vốn tại Việt Nam là rất lớn.

Dòng vốn nhàn rỗi đang chuyển hướng đến thị trường chứng khoán

Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng giảm mạnh và các kênh đầu tư khác nhiều rủi ro như kênh trái phiếu bị siết chặt theo Nghị định 81/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 9/2020, kênh bất động sản thanh khoản thấp vì cách lệnh giãn cách do dịch Covid-19, dòng vốn nội liên tục đổ vào kênh chứng khoán giúp TTCK Việt Nam bứt phá.

Tính đến hết tháng 10/2021, tổng số lượng tài khoản chứng khoán trên thị trường đạt 3,8 triệu tài khoản, tăng 39,7% so với đầu năm, tương ứng với khoảng hơn 100.000 tài khoản được mở mới mỗi tháng. Số lượng tài khoản cá nhân tăng trưởng lên tới 40% và đạt 3,8 triệu tài khoản vào cuối tháng 10. Đây là mức tăng trưởng số lượng tài khoản chứng khoán vượt trội trong 5 năm qua với mức tăng trưởng trung bình chỉ khoảng 12%/năm.

Huy động vốn từ thị trường chứng khoán là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp

Tại các nước phát triển, các doanh nghiệp muốn huy động nguồn vốn trung và dài hạn sẽ thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và có thể dễ dàng và nhanh chóng huy động thêm vốn từ việc phát hành thêm cổ phiếu để đáp ứng được nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Như vậy doanh nghiệp không phải chịu áp lực thanh toán lãi vay và trả nợ gốc như đi vay ngân hàng, có thể chủ động kịp thời trong việc sử dụng nguồn vốn huy động được cho chiến lược dài hạn của mình. Việc doanh nghiệp không dựa quá nhiều vào vốn vay sẽ giúp doanh nghiệp ít gặp rủi ro hơn đến nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh.

Ở Việt Nam, mặc dù quy mô thị trường vốn vẫn thiếu tính ổn định và huy động vốn từ thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều hạn chế nhưng cũng đã có những tín hiệu tích cực, phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây. Đặc biệt là trong năm 2021 khi mà chỉ trong 11T 2021 giá trị phát hành tăng vốn đã đạt mức cao kỷ lục trong vòng 5 năm qua đạt 96,8 nghìn tỷ VNĐ với khối lượng giao dịch lên tới 7,3 triệu cổ phiếu. Điểm hạn chế vẫn là tập trung vào một vài nhóm ngành lớn như bất động sản, tài chính, ngân hàng chiếm hơn 60% giá trị phát hành.

Xu hướng giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại các ngân hàng thương mại

Việc giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ngân hàng là phù hợp với xu thế phát triển của thị trường vốn và các thị trường khu vực và quốc tế. Việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn này cũng sẽ giúp tăng tính an toàn trong cơ cấu hoạt động tín dụng, tiến dần đến các chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng.

Theo định hướng của Ngân hàng nhà nước ban hành theo thông tư số 22/2019/TT-NHNN trong việc quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, có hiệu lực từ 01/01/2020 thì từ 01/10/2021 đến 30/9/2022 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ được điều chỉnh giảm về mức 34%; và từ 01/10/2022 sẽ là 30%. Việc giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống ngân hàng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực huy động vốn trên thị trường chứng khoán qua đó giúp hệ thống tài chính trở nên cân bằng hơn.

Trải qua 25 năm TTCK Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế

Quy mô huy động vốn qua TTCK giai đoạn 2011-2020 đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, gấp gần 10 so với giai đoạn 2001-2010. Trong đó quy mô vốn hóa của thị trường tăng mạnh, đạt 84% GDP năm 2020, vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định 252/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2020. Cuối năm 2020, số lượng nhà đầu tư tham gia giao dịch trên đạt gần 2,8 triệu tài khoản, gấp gần 933 lần so với năm 2000.

Tính đến hết tháng 11/2021, tổng quy mô TTCK (bao gồm tổng GTVH thị trường cổ phiếu và dư nợ thị trường trái phiếu) 9.193.118 tỷ đồng, tương đương 147,97% GDP, tăng 37,63% YoY với 961 cổ phiếu, CCQ niêm yết trên 2 Sở GDCK và 890 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. Thanh khoản của thị trường tăng mạnh kỷ lục trên 1 tỷ USD mỗi phiên cùng với số lượng tài khoản nhà đầu tư lên hơn 4 triệu tài khoản, tăng 47,34%. Từ các con số trên cho thấy TTCK đang hấp dẫn đối với nhà đầu tư, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Một số giải pháp nhằm phát triển TTCK trong giai đoạn mới

Thị trường tài chính Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước phát triển nhanh chóng, đặc biệt là năm 2021 bất chấp bối cảnh tác động phức tạp của dịch Covid 19. Vai trò của TTCK ngày càng lớn và giúp thị trường vốn trở nên dần cân bằng hơn trong việc dẫn dắt, bổ sung nguồn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp niêm yết trên các sàn giao dịch.

Dù phát triển nhanh chóng nhưng TTCK Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế như tính minh bạch, chất lượng hàng hóa chưa cao, các doanh nghiệp phát hành tăng vốn, huy động vốn còn nhiều bất cập trong quy trình xử lý nguồn vốn huy động…

Do vậy, để nâng cao hiệu quả và chức năng kênh dẫn vốn trung dài hạn trong tương lai thì ngành chứng khoán cần tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp phát triển bền vững hướng tới việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bám sát chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021 – 2030 về lộ trình phát triển thị trường chứng khoán – thị trường vốn dài hạn. Cụ thể:

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý các điều kiện tổng thể để hoàn thiện thị trường chứng khoán từ khung pháp lý đến nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát vai trò của tổ chức nghề nghiệp để đảm bảo thị trường vận hành lành mạnh, thông suốt. Đồng thời cần xây dựng cơ chế giữa các bộ ngành trong kiểm tra giám sát để đảm bảo công khai, minh bạch và bảo về quyền lợi của các bên tham gia thị trường.

Hai là, phấn đấu sớm nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi; đưa thị trường chứng khoán Việt Nam thành điểm đến an toàn, tin cậy, hiệu quả của các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư lớn trong khu vực, toàn cầu; góp phần từng bước phát triển các trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, quốc tế ở nước ta.

Ba là, đẩy mạnh áp dụng hệ thống công nghệ thông tin vào hệ thống giao dịch, thanh toán, giám sát và số hóa tài sản giao dịch nhằm nâng cao tính hiệu quả của thị trường chứng khoán.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch giúp tăng chất lượng và sự đa dạng của hàng hoá trên thị trường. Đây là yếu tố cơ bản để tạo ra sân chơi phù hợp cho việc đón nhận các dòng vốn quốc tế có xu hướng ngày càng lớn đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt, khi thị trường chứng khoán phát triển từ thị trường cận biên lên thành thị trường mới nổi.

Năm là, tăng cường thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hướng tới trở thành kênh huy động vốn ổn định cho các doanh nghiệp niêm yến trên sàn; Việc đẩy mạnh giám sát tuân thủ pháp luật đối với hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn đúng mục đích của doanh nghiệp là quan trọng trong việc thiết lập niềm tin và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ.

Sáu là, tiếp tục chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tạo nguồn cung cổ phiếu chất lượng cho thị trường và đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư, phát triển các tổ chức trung gian thị trường.

Tin mới lên