Tài chính

Cổ phiếu vừa và nhỏ bùng nổ, VN-Index lại thiết lập đỉnh mới

(VNF) - Không phải cổ phiếu vốn hóa lớn mà chính cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ là bệ phóng để VN-Index thiết lập đỉnh mới tại 1.452 điểm.

Cổ phiếu vừa và nhỏ bùng nổ, VN-Index lại thiết lập đỉnh mới

Cổ phiếu vừa và nhỏ bùng nổ, VN-Index lại thiết lập đỉnh mới

Mới chỉ "nghỉ ngơi" được 1 phiên sau 3 phiên phá đỉnh liên tiếp, VN-Index đã vội vàng trở lại hành trình phá đỉnh khi chỉ số này tăng tới 13,49 điểm trong phiên 2/11, tương đương tăng 0,94%, lên 1.452,46 điểm.

Thông thường, cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ đóng vai trò trọng yếu trong việc đưa VN-Index chinh phục đỉnh cao nhưng phiên này thì không. Chỉ số VN30-Index (đại diện cho cổ phiếu vốn hóa lớn) chỉ tăng 4,6 điểm, tương đương 0,3%, lên 1.521,35 điểm. Lực lượng chính dẫn dắt VN-Index chinh phục mốc cao lịch sử lần này là cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khi chỉ số VNMID-Index (đại diện cho cổ phiếu vốn hóa vừa) tăng tới 45,25 điểm, tương đương 2,44%, lên 1.900,49 điểm; và chỉ số VNSML-Index (đại diện cho cổ phiếu vốn hóa nhỏ) tăng tới 40,43 điểm, tương đương 2,08%, lên 1.980,16 điểm.

Đi sâu vào từng nhóm ngành, ở nhóm ngân hàng, không có một cổ phiếu nào ghi nhận sắc đỏ trên sàn HoSE. Dù vậy, ngoại trừ EIB tăng kịch trần và VIB tăng 2,3% thì các cổ phiếu còn lại đều tăng dưới 1,5%, đa phần là dưới 1%.

Cổ phiếu chứng khoán giao dịch tích cực hơn khi BSI và APG tăng kịch trần, kế đó là VIX tăng 5,1%, TVS tăng 4,2%, VDS tăng 3,4%, AGR tăng 3%...; các cổ phiếu lớn như SSI, VND, HCM, VCI đều ghi nhận sắc xanh, lần lượt có thêm 2,3%, 2,5%, 2,2% và 2% giá trị.

Thăng hoa hơn cả là cổ phiếu bất động sản, đặc biệt là cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Hàng loạt cổ phiếu tăng kịch trần như DIG, IJC, SJS, D2D, NLG, SGR, TDC, SCR, LDG... Tăng trên 5% cũng không ít, có thể kể đến VPH, VRC, HPX, KBC, DXG. Trái lại, cổ phiếu vốn hóa lớn diễn biến khá ảm đạm khi NVL và VRE giảm lần lượt 1,4% và 1%, VIC đứng giá tham chiếu còn VHM tăng nhẹ 0,8%.

Nhóm sản xuất ghi nhận sắc đỏ ở HPG (giảm 0,4%) và VNM (giảm 0,9%), cùng với đó, MSN đứng giá tham chiếu. Tuy nhiên, GVR gây ấn tượng cực mạnh với mức tăng kịch trần, là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số VN-Index. Các cổ phiếu còn lại đa phần tăng điểm.

Phân hóa xảy ra ở nhóm năng lượng, hàng không và bán lẻ. Cụ thể, GAS và PLX tăng nhẹ lần lượt 0,2% và 0,7% nhưng POW giảm 1,9%; VJC tăng 1,5% còn HVN lại giảm 0,4%; PNJ tăng tới 3,9% nhưng MWG lại điều chỉnh 0,8%.

Toàn sàn HoSE có 302 mã tăng giá (trong đó có 48 mã tăng kịch trần), 48 mã đứng giá tham chiếu và 151 mã giảm giá (không có mã nào giảm kịch sàn). Thanh khoản khớp lệnh tiếp tục ở mức cao, đạt 26.998 tỷ đồng.

Tin mới lên