Tài chính

Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước: 'Phải quyết tâm và đừng lo vướng'

(VNF) - Trước thực trạng tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước còn trì trệ, Bộ Tài Chính, Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp (thuộc Chính phủ) đang lên kế hoạch đẩy nhanh tiến độ. Tại buổi họp báo về Đổi mới hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị liên quan đặt quyết tâm: khó mấy cũng phải làm và phải làm rốt ráo.

Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước: 'Phải quyết tâm và đừng lo vướng'

Ông Đặng Quyết Tiến (trái) - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp chủ trì họp báo

Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2017-2020 có 127 doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện cổ phần hoá. Trong đó: Bộ Công Thương 8 doanh nghiệp (2 Tập đoàn và 5 Tổng công ty); Bộ Xây dựng 4 Tổng công ty; Bộ NN&PTNT 8 doanh nghiệp; Bộ Thông tin và Truyền thông 1 Tập đoàn và 2 Tổng công ty; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện cổ phần hoá Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank).

TP. Hà Nội có 15 doanh nghiệp phải cổ phần hoá trong giai đoạn 2017-2018. TP. Hồ Chí Minh có 39 doanh nghiệp cần thực hiện cổ phần hoá trong năm 2018.

Theo kế hoạch này, trong năm 2017 phải thực hiện cổ phần hoá 44 doanh nghiệp; năm 2018 cổ phần hoá 64 doanh nghiệp; năm 2019 là 18 doanh nghiệp, đến năm 2020 chỉ thực hiện cổ phần hoá 1 DNNN.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo về Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đại diện Bộ Tài Chính cho biết đã gần hết năm 2018 nhưng chỉ có 26 doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hoá – chưa bằng số lẻ so với kế hoạch đề ra.

Về tiến độ triển khai cổ phần hoá, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: “Năm 2016 có 66 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 27.328 tỷ đồng. Năm 2017, có 69 doanh nghiệp cổ phần hoá thành công với tổng giá trị 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng. Trong 11 tháng năm 2018, đã cổ phần hoá 11 doanh nghiệp với tổng giá trị là 29.634 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước là 15.329 tỷ đồng”.

Bên cạnh trách nhiệm của người đứng đầu, ông Tiến chỉ ra 2 nguyên nhân khiến cổ phần hoá chậm trễ. Thứ nhất là các vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hoá; đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do uỷ ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định.

Vướng mắc thứ 2 là tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần.

Ông Tiến thông tin thêm, TP. Hà Nội và TP. HCM là 2 địa phương trì trệ nhất trong thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước.

“Bình thường đã không muốn cổ phần hoá, nay lại vin vào vướng mắc để trì hoãn là không được. Phải nêu quyết tâm cao và đừng lo vướng mắc”, ông Tiến nói.

Để thúc đẩy tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn tại 2 địa phương này, ông Nguyễn Hồng LongPhó trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ cho biết: “Đầu tháng 11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc trực tiếp với TP. Hồ Chí Minh để thúc tiến độ cổ phần hoá/thoái vốn. Trong một vài ngày tới, tổ công tác của Thủ tướng cũng sẽ làm việc với Hà Nội để giải quyết vướng mắc trong quá trình cổ phần hoá/thoái vốn”.

Về tình hình thoái vốn, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết kế hoạch của Chính phủ trong giai đoạn 2017-2020 là thực hiện thoái 406 danh mục, khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong giai đoạn từ 2016 đến tháng 11/2018, cả nước đã thoái được 17.826 tỷ đồng, thu về 155.735 tỷ đồng. Trong đó: Năm 2016 thoái được 3.645 tỷ đồng, thu về 6.839 tỷ đồng. Năm 2017, thoái được 9.046 tỷ đồng, thu về 138.327 tỷ đồng (gồm các khoản thoái vốn tại Sabeco và Vinamilk). Riêng 9 tháng đầu năm 2018, đã thoái được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng. Trong đó, có 2 đơn vị thuộc kế hoạch năm 2018 và 16 đơn vị thuộc kế hoạch năm 2017.

“Từ năm 2016 đến tháng 8/2018, Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) đã thực hiện bán đấu giá cổ phần và thoái vốn cho 225 doanh nghiệp với tổng số cổ phần chào bán là 5.781 triệu cổ phần. Trong đó, tỷ lệ bán thành công là 56% (3.259 triệu cổ phần). Tổng giá trị thực tế bán được là 178.200 tỷ đồng.Thặng dư thu được từ bán đấu gía cổ phần hoá và thoái vốn của 225 doanh nghiệp trên SGDCK là 145.574 tỷ đồng với tỷ lệ 447% giá trị thặng dư so với giá trị cổ phần theo mệnh giá”, ông Tiến thông tin.

Tin mới lên