Diễn đàn VNF

Chuyên gia: 'Hết quý I, cần kịch bản kinh tế mới'

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ nên tính tới sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.

Chuyên gia: 'Hết quý I, cần kịch bản kinh tế mới'

Kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong đại dịch. Ảnh: Hoài Anh

Chờ kịch bản kinh tế mới

Ngay từ giữa tháng 2, khi đại dịch Covid-19 ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 16 người bị nhiễm virus, Chính phủ đã gấp rút chỉ đạo Bộ KH&ĐT cũng các bộ ngành báo cáo tình hình, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hiệu quả để phòng chống dịch cũng như đảm bảo các điều kiện để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên, thời điểm đó khủng hoảng kinh tế là danh từ chưa được nhắc đến. Nhận định chung của Bộ KH&ĐT là diễn biến tình hình dịch viêm phổi cấp Covid-19 diễn ra rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường và chưa dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động.

Đến cuối tháng 2, theo số liệu từ Bộ KH&ĐT, một loạt ngành kinh tế trong nước đã thực sự “thấm đòn” của virus corona khi chịu thiệt hại khá nặng nề. Tại họp báo Chính phủ tháng 2/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, gây thiếu hụt lao động tức thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các hoạt động lưu chuyển, vận chuyển hàng hóa, hành khách, dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, ăn uống, lưu trú… bị ảnh hưởng nặng nề (lưu trú khách sạn giảm 60%, số lượng du khách giảm 2 con số, ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD). Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, hệ lụy của dịch Covid-19 lên kinh tế đang hiện hữu: Sản xuất kinh doanh đình trệ, nguồn lực bỏ ra để chống dịch rất lớn. Không chỉ riêng Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đang ở trong tình trạng suy thoái kinh tế, tuy nhiên, mức độ của nó là chưa xác định được.

Cho rằng với tất cả những khó khăn của nền kinh tế như hiện nay gồm nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh phải đóng cửa hoặc ngưng hoạt động, giảm hoạt động, số người thất nghiệp ngày càng nhiều..., chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định kinh tế Việt Nam đang đi vào khủng hoảng, dù hiện vẫn chưa có thông báo hay nhận định chính thức từ cơ quan chức năng.

“Nếu như hai tháng trước khó khăn chỉ là do thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì Trung Quốc ngừng sản xuất và xuất khẩu, thì hiện nay Trung Quốc đang hồi phục và bắt đầu sản xuất hàng hóa trở lại, đầu vào tốt hơn nhưng đầu ra của chúng ta lại đang gặp trở ngại tại nhiều thị trường lớn, thị trường truyền thống dẫn đến các nhà xuất khẩu của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó là những khó khăn từ thị trường nội địa khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh lao đao. Nhiều cửa hàng đóng cửa vì lượng khách giảm mạnh chỉ còn 20%, nhiều doanh nghiệp không cầm cự nổi, mất khả năng chi trả chi phí cho nhà cung cấp nguyên liệu, lương cho người lao động, nợ ngân hàng, bảo hiểm khiến nhiều doanh nghiệp mất thanh khoản và ngừng hoạt động”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo chuyên gia này, nếu dịch bệnh kiểm soát được trong quý II thì sau đó kinh tế Việt Nam có thể sẽ hồi phục được vào đầu năm 2021, nếu dịch bệnh được kiểm soát muộn hơn thì không biết khủng hoảng sẽ ở mực độ nào.

Hạ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế?

Không chỉ ảnh hưởng của đại dịch, kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn hơn khi cùng lúc phải chịu thêm tác động của tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại các tỉnh phía Nam, nạn xâm nhập mặn, dịch khác trên gia súc và gia cầm. Chưa kể, giá dầu thô lao dốc không phanh cũng đang khiến cho ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng khi nguồn thu ngân sách từ sản xuất dầu mỏ chiếm tỷ trọng lớn.

Như vậy, chắc chắn một kịch bản kinh tế mới sẽ sớm được cập nhật sau khi kết quả phát triển kinh tế xã hội của quý I sắp được công bố. Tính từ đầu năm đến nay, đã có hai kịch bản kinh tế được cơ quan chức năng đưa ra sau khi nghiên cứu tình hình diễn biến của dịch và tác động của dịch tới nền kinh tế. Theo đó, đầu tháng 2, Bộ KH&ĐT đã có báo cáo đưa ra hai kịch bản dự kiến cho tăng trưởng kinh tế.

Theo kịch bản 1, nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27%, còn theo kịch bản 2, nếu khống chế được dịch trong quý II, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09%, hai kịch bản này lần lượt thấp hơn 0,53% và 0,71% so với Nghị quyết 01).

Giữa tháng 2, Bộ KH&ĐT tiếp tục cập nhật kịch bản mới, theo đó, trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I thì tăng trưởng của ta dự báo là 6,25% giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II thì tăng trưởng dự báo là 5,96%, giảm 0,84%.

Cũng thời điểm này, Chính phủ đã quyết định sẽ không thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là thách thức rất lớn và với tình hình hiện tại, khi người nhiễm Covid-19 hiện ở mức 134 và chưa dự đoán được diễn biến mới thì khả năng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra là điều dễ hiểu.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ nên tính tới sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. “Có thể mức độ khủng hoảng của Việt Nam ít trầm trọng hơn ở một số nước, nhưng điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế của năm 2020 là điều hiển nhiên. Với tình hình hiện tại, không điều chỉnh là bất hợp lý”.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nhận định lạc quan nhất thì năm 2020 tăng trưởng kinh tế sẽ giảm khoảng 1% so với mục tiêu đề ra. Để hỗ trợ cho nền kinh tế và người dân, doanh nghiệp, bên cạnh các gói hỗ trợ về tiền tệ và tài khóa đang triển khai, Chính phủ xem xét gói cứu trợ về kinh tế cho cả doanh nghiệp và người lao động trong khoảng 3 tháng để doanh nghiệp, người dân cầm cự được qua giai đoạn khó khăn này vì hiện nay nhiều người lao động bị ảnh hưởng thu nhập.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong giai đoạn đầu của dịch, Chính phủ chưa điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế, tuy nhiên, hiện nay diễn biến của dịch đang rất phức tạp.

“Không có quốc gia nào trong bối cảnh hiện nay có thể vừa chống dịch vừa hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế. Hiện nay chúng ta còn chờ đợi xem thời gian chúng ta khống chế được dịch là khi nào. Nếu khống chế sớm thì tổn thất từ suy thoái sẽ giảm, nhưng theo tôi, tác động của nó sẽ không chỉ trong ngắn hạn mà phải là trong trung hạn, vì thế, năm nay các chỉ tiêu phát triển kinh tế vì thế khó đạt được. Đây là điều tất yếu”. Ông Long dự báo, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt khoảng 2/3 so với mục tiêu ban đầu.

Tin mới lên