Công nghệ

Chưa ‘thôi nôi’, FastGo đã muốn ‘đem chuông đi đánh xứ người’

(VNF) - FastGo, ứng dụng gọi xe thuần Việt mới đây tuyên bố sẽ tấn công thị trường Indonesia và Myanmar vào cuối năm nay. FastGo tham vọng chiếm 30% thị phần ở Indonesia và đứng thứ 2 ở Myanmar sau Grab.

Chưa ‘thôi nôi’, FastGo đã muốn ‘đem chuông đi đánh xứ người’

Vòng gọi vốn series B của FastGo dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm 2019

Ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO của FastGo nói với VietnamFinance rằng startup này đang khởi động vòng gọi vốn Series B. Ở vòng này, FastGo sẽ huy động 50 triệu USD. Vòng gọi vốn series B dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm 2019. Tuy nhiên, ông Tuất từ chối việc thông tin về các nhà đầu tư tham gia vòng này. Khoản đầu tư mới này sẽ giúp FastGo có nguồn lực tài chính để mở rộng thị trường.

"FastGo đang triển khai tại Myanmar và Indonesia. Do mỗi thị trường đều có đặc điểm riêng nên FastGo chọn cách hợp tác với các đối tác chứ không "chiến đấu" một mình. Hiện, FastGo đã có đối tác rất mạnh ở cả hai thị trường trên. Dự kiến, FastGo sẽ ra mắt ở Indonesia và Myanmar vào tháng 11 hoặc 12 tới đây", ICT News dẫn lời ông Nguyễn Hữu Tuất – CEO FastGo.

Startup này ra đời cách đây hơn 4 tháng. Cụ thể, FastGo chính thức ra mắt thị trường tại Hà Nội ngày 12/6/2018 và TP. Hồ Chí Minh ngày 10/8/2018.

Hồi tháng 8, FastGo công bố nhận được vốn đầu tư từ quỹ Vinacapital Ventures. Ngay sau khi được rót vốn, FastGo mở rộng hoạt động và chính thức ra mắt tại Đà Nẵng vào giữa tháng 9. Ứng dụng này cũng tuyên bố đã có hơn 30.000 xe taxi và xe kinh doanh đăng ký tham gia hệ thống FastGo. FastGo đã ghi nhận 100.000 cuộc gọi xe được thực hiện, gần 150.000 khách hàng đăng ký và cài ứng dụng,  40.000 khách hàng đã có ít nhất một chuyến đi với FastGo. Dự kiến, FastGo sẽ đạt mốc 1 triệu người dùng tại Việt Nam  vào cuối năm 2018.

Mặc dù không có sự khác biệt về công nghệ so với Grab hay Go-Viet nhưng FastGo cố gắng tạo điểm nhấn về dịch vụ và chiết khấu. Startup gọi xe này không thu phí chiết khấu đối với tài xế theo tỷ lệ % mà thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng một ngày.

Tại thời điểm nhận được đầu tư từ Vinacapital Ventures, CEO Nguyễn Hữu Tuất cũng đã tiết lộ kế hoạch “đem chuông đi đánh xứ người” của FastGo. “Trong năm nay, chúng tôi sẽ ra mắt tại thị trường Myanmar. Thị trường đó khá tiềm năng với 50 triệu dân. Myanmar cấm xe 2 bánh vào thành phố và chỉ có dịch vụ 4 bánh tại các thành phố lớn. Chúng tôi sẽ 'đánh' vào thị trường xe 4 bánh ở Myanmar”, ông Tuất cho biết.

Myanmar bắt đầu mở cửa nền kinh tế cách đây vài năm đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á. Năm 2017, GDP nước này tăng 6,4% và năm nay được dự báo lên 6,8%. Trong trung hạn, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo con số này là 7,2%. Quốc gia này cũng sở hữu dân số khá đông, xấp xỉ 54 triệu người.

Trong khi đó, Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời cũng sở hữu số dân lớn nhất khu vực  với trên 267 triệu người (đứng thứ 4 thế giới). Indonesia đang đặt mục tiêu lọt vào top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) hàng năm là từ 6-7%. Tháng 1/2018, quốc gia này đã cán mốc GDP nghìn tỷ USD.

Tin mới lên