Tài chính quốc tế

Các nhà lập pháp Mỹ, châu Âu tuyên bố phản đối đến cùng Dòng chảy phương Bắc 2

(VNF) - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez và những người đồng cấp ở một số nước châu Âu ngày 2/8 đã ra tuyên bố chung phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Các nhà lập pháp Mỹ, châu Âu tuyên bố phản đối đến cùng Dòng chảy phương Bắc 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa đạt được thỏa thuận cho phép dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 được hoàn thiện.

Theo đó, tuyên bố chung này có sự tham gia của nhiều nhà lập pháp của một số nước gồm Estonia, Czech, Ireland, Latvia, Ba Lan, Ukraine, Anh và Latvia.

“Chúng tôi coi đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án địa chính trị hướng tới mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của Nga đối với châu Âu bằng cách thống trị thị trường năng lượng”, tuyên bố chung nêu rõ.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa đạt được thỏa thuận cho phép dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 được hoàn thiện.

Theo thỏa thuận này, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chấm dứt sự phản đối lâu nay của Washington đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Đây được coi là sự thay đổi lập trường của Mỹ sau nhiều năm tranh cãi về số phận của dự án này.

Trong khi đó, Đức cam kết thực hiện các biện pháp, kể cả trừng phạt, nếu Nga “tìm cách sử dụng năng lượng như một vũ khí hoặc thực hiện các hành động gây hấn hơn nữa đối với Ukraine”.

Ngoài ra, Đức và Mỹ cũng nhất trí hỗ trợ gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine thêm 10 năm (hết hiệu lực vào năm 2024). Bên cạnh đó, hai bên cũng thống nhất sẽ nỗ lực để giảm thiểu sự phụ thuộc của Ukraine vào khí đốt của Nga cũng như doanh thu trung chuyển khí đốt.

Trong thỏa thuận, Đức và Mỹ cũng nhất trí thành lập một Quỹ xanh Ukraine với nguồn tài trợ khởi đầu là 150 triệu EUR từ Đức. Mục đích là để đạt được hiệu ứng đòn bẩy với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân với tổng trị giá 1 tỷ USD.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.

Việc triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vấp phải sự phản đối của một vài quốc gia, trong đó Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất do lo ngại dự án này sẽ khiến châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Washington sang khu vực.

Tuy nhiên, sau khi đắc cử, Tổng thống Joe Biden hồi tháng 5 đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty thực hiện dự án này. Động thái này là một thay đổi trong chính sách của Mỹ và được coi là một nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm củng cố quan hệ với các đồng minh châu Âu, đặc biệt là Đức.  

Xem thêm >> ‘Trung Quốc đã tài trợ 119 triệu liều và sẽ tiếp tục cung ứng vaccine cho ASEAN’

Tin mới lên