M&A

BOT Hưng Phát muốn thoái toàn bộ vốn tại Giao thông Đèo Cả

(VNF) - Cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (UPCoM: HHV) - Công ty Cổ phần BOT Hưng Phát vừa đăng ký bán ra toàn bộ vốn đang nắm giữ.

BOT Hưng Phát muốn thoái toàn bộ vốn tại Giao thông Đèo Cả

BOT Hưng Phát muốn thoái toàn bộ vốn tại Giao thông Đèo Cả (HHV)

Theo đó, BOT Hưng Phát, doanh nghiệp có liên quan đến ông Trần Văn Thế (phó chủ tịch HĐQT) và ông Nguyễn Văn Ân (kế toán trưởng), đăng ký bán 16,4 triệu cổ phiếu HHV, tương ứng 6,13% vốn điều lệ.

Dự kiến, giao dịch được thực hiện từ ngày 19/5 - 17/6. BOT Hưng Phát cho biết, mục đích của đợt thoái vốn này là để huy động nguồn lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Động thái của BOT Hưng Phát diễn ra sau khi HHV tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2021 cách đây ít lâu (ngày 26/4). Một trong những nội dung đáng chú ý, đó là cổ đông HHV đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 860 tỷ đồng, trong đó phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoán đổi nợ chiếm gần 271 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu chiếm gần 589 tỷ đồng.

Vốn điều lệ dự kiến sau hai đợt phát hành đạt trên 3.530 tỷ đồng.

Đối với phương án đầu tiên, HHV dự kiến phát hành hơn 27 triệu cổ phiếu để hoán đổi các khoản nợ (tỷ lệ hoán đổi nợ là 10.000 đồng: 1 cổ phần) đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Miền Bắc và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả.

Dự kiến sau đợt phát hành, hai cổ đông này sẽ sở hữu 40,44% vốn tại HHV. Toàn bộ lô cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Năm 2021, HHV đặt mục tiêu doanh thu là 1.285 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 216 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 23% so với thực hiện năm trước đó. Doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 10%.

Kết thúc quý I/2021, HHV ghi nhận doanh thu đạt 365 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ tiết giảm giá vốn, HHV báo lãi sau thuế 59,3 tỷ đồng, tích cực hơn so khoản lỗ 20,4 tỷ đồng cùng kỳ.

Tại ngày 31/3/2021, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 32.427 tỷ đồng, đi ngang so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền nhàn rỗi là 254 tỷ đồng, hàng tồn kho là 127 tỷ đồng... còn lại chủ yếu là khối tài sản dài hạn (30.579 tỷ đồng).

Về nguồn vốn, HHV sử dụng đòn bẩy ở mức cao, với nợ phải trả lên đến 24.983 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sử dụng chỉ là 7.443 tỷ đồng, thấp hơn 3,3 lần. Dư nợ vay của HHV là hơn 21.000 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay dài hạn của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội (19.693 tỷ đồng).

Trên thị trường, cổ phiếu HHV không có nhiều giao dịch trên sàn UPCoM, khối lượng bình quân 1 năm ở mức 300 cổ phiếu/phiên. Hiện cổ phiếu HHV đang đứng ở mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu.

Tin mới lên