Thị trường

Bến xe Miền Đông hơn 4.000 tỷ đồng 'đỏ mắt’ chờ xe: Đâu là nguyên nhân?

(VNF) - Bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, là bến xe được đầu tư quy mô, hiện đại nhất các tỉnh phía Nam hiện nay với dự kiến 100 tuyến hoạt động. Dẫu vậy, dự án chưa phát huy hiệu quả đầu tư như kỳ vọng, đang rất cần sự chung tay của các ban ngành chức năng.

Bến xe Miền Đông hơn 4.000 tỷ đồng 'đỏ mắt’ chờ xe: Đâu là nguyên nhân?

Bến xe Miền Đông mới được trang bị hiện đại, thuận tiện.

“Đỏ mắt” chờ xe vào bến

Kể từ trung tuần tháng 10, Bến xe Miền Đông mới tiếp nhận 79 tuyến xe khách đang hoạt động tại Bến xe Miền Đông cũ đi 15 tỉnh, thành gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau. Cùng với đợt 1 (2 năm trước) di dời 21 tuyến, tổng cộng có 100 tuyến xe hoạt động tại đây. Với số lượng tuyến lớn như vậy, nên bến xe lớn nhất nước này được nhận định sẽ thành công trong vận hành kinh doanh, phát huy hiệu quả đầu tư.

Thế nhưng, theo đại diện Bến xe Miền Đông mới, số lượng xe có dấu hiệu giảm sau khi di dời từ bến cũ qua bến mới. Cụ thể, với việc thêm 79 tuyến cùng khoảng 1.600 xe, bến dự kiến sẽ đón hơn 500 chuyến/ngày, tương ứng 5.000 - 5.500 khách/ngày. Thế nhưng, thực tế hiện nay, mỗi ngày chỉ có khoảng 205 chuyến xe hoạt động với khoảng 2.500 khách. Như vậy, gần 300 chuyến xe "mất tích", khách đi cũng vơi một nửa. Những nhà xe không còn hoạt động trong bến chủ yếu là chạy các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định.

Phóng viên nhiều lần có mặt tại Bến xe Miền Đông mới. Ghi nhận cho thấy lượng khách ra vào bến xe vẫn thưa thớt dù trang thiết bị của bến xe rất mới, hiện đại và thuận tiện. Các quầy vé lác đác khách, lúc đông nhất chỉ tầm 10 người. Một nhân viên quầy cho biết: “Khách vắng so với bến cũ, bến xe thì đỏ mắt chờ xe vào, còn nhà xe kinh doanh thì đỏ mắt chờ khách”. Không chỉ bên trong vắng vẻ, bên ngoài bãi đậu, lượng khách lên xe cũng không nhiều. Bãi xe rộng mênh mông cũng chỉ có khoảng 20 ôtô nằm im lìm.

Anh Hữu Chung, một tài phụ chạy tuyến TP. HCM – Bà Rịa Vũng Tàu, cho hay: "Ban đầu, chúng tôi cũng háo hức lắm vì có bến xe mới đẹp, khang trang nhưng kẹt nỗi vắng khách nên phải tính chuyện đổi hướng kinh doanh, chạy hợp đồng".

Lượng khách ra vào Bến xe Miền Đông mới vẫn thưa thớt

Còn tài phụ Lê Hoàn, chạy tuyến TP. HCM – Quảng Ngãi, cho hay khi biết tin chuyển tuyến vào bến mới, nhiều doanh nghiệp vận tải chỉ đưa vào 1/3 số xe để đối phó, còn lại chuyển sang chạy hợp đồng hoặc "chạy dù" bên ngoài.

Nguyên nhân do đâu?

Chủ đầu tư Bến xe Miền Đông là Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) đã gửi văn bản tới lãnh đạo UBND TP và lý giải nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên.

Cụ thể, khi có thông tin về việc di dời các tuyến xe khách đến Bến xe Miền Đông mới (giai đoạn 2), một số đơn vị vận tải liên quan đến việc di dời đã có xu hướng chuyển hoạt động sang các bến xe khác trong thành phố. Ngay từ tháng 8/2022, các đơn vị vận tải đã điều chuyển 28 tuyến đường với 86 chuyến/ngày đến hoạt động tại các bến xe khác. Nhiều đơn vị sử dụng loại hình vận tải hành khách bằng xe hợp đồng để tổ chức vận tải hành khách như tuyến cố định (bán vé, tổ chức đón khách, trả khách tại nhiều địa điểm trong thành phố).

Việc phân luồng, phân tuyến tại các bến xe vẫn chưa được sắp xếp hợp lý để kết hợp hiệu quả với hệ thống vận tải hành khách công cộng. Hạ tầng kết nối giữa Bến xe Miền Đông mới và quốc lộ 1 chưa hoàn thiện nên phương tiện ra, vào bến mất nhiều thời gian. Đường sắt metro chưa đưa vào hoạt động làm hạn chế khả năng tiếp cận của hành khách tại các khu vực trung tâm đến bến xe. Lượng phương tiện cũng như số tuyến buýt kết nối với Bến xe Miền Đông mới chưa nhiều.

Tình trạng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình” hoạt động phức tạp tại khu vực trung tâm, các bãi giữ xe, các trạm tiếp nhiên liệu thường xuyên tổ chức đón, trả khách. Hành khách có xu hướng thay đổi phương thức di chuyển các tuyến đường dài từ đường bộ sang đường hàng không, đường sắt.

Để nâng cao hiệu quả khai thác, SAMCO kiến nghị thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Bến xe Miền Đông mới để đơn vị có đủ điều kiện mời các đối tác chuyên nghiệp cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ khách và các đơn vị vận tải bên trong bến xe theo đúng quy định.

SAMCO cũng kiến nghị Sở Gia thông Vận tải TP. HCM chưa xem xét việc đăng ký khai thác tuyến đối với các tuyến đề nghị mở mới. Đây là những tuyến có trong danh sách các tuyến di dời từ Bến xe Miền Đông hiện hữu sang Bến xe Miền Đông mới nhưng chưa nằm trong danh mục mạng lưới tuyến đã được Bộ Giao thông Vận tải công bố.

Cùng với đó, kiến nghị Sở Giao thông Vận tải TP. HCM sớm ban hành quy định xe vận chuyển hành khách vào nội đô như city tour, cấp tem nội đô, xe trung chuyển... và hạn chế và cấm xe chở khách liên tỉnh hay xe hợp đồng vào trung tâm.

Ngoài ra, SAMCO kiến nghị Sở Giao thông Vận tải ban hành quy định cấm xe giường nằm và xe có sức chứa, kích thước tương đương vào khu vực trung tâm. Đồng thời, cơ quan chức năng cần xử lý triệt để tình trạng "xe dù, bến cóc" trong nội thành và xe hoạt động không đúng hành trình đăng ký; tổ chức phân luồng các tuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định tại các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố.

Tin mới lên