Tiêu điểm

6 tháng đầu năm phát hiện 31.000 tỷ và 3.400ha đất sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 41 vụ

(VNF) - Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này phát hiện vi phạm về kinh tế 31.149 tỷ đồng, 3.432ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 13.752 tỷ đồng và 507ha đất (đã thu hồi 3.699 tỷ đồng, 83ha đất).

6 tháng đầu năm phát hiện 31.000 tỷ và 3.400ha đất sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 41 vụ

Dự án mở rộng đường Tam Trinh là một trong những dự án đang được thanh tra toàn diện.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 3.245 cuộc thanh tra hành chính và 73.695 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 31.149 tỷ đồng, 3.432 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 13.752 tỷ đồng và 507 ha đất (đã thu hồi 3.699 tỷ đồng, 83 ha đất); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 17.397 tỷ đồng, 2.925 ha đất.

Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 805 tập thể và 12 cá nhân; ban hành 46.795 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.225 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 41 vụ, 46 đối tượng.

Về thanh tra hành chính, Thanh tra Chính phủ thực hiện 37 cuộc thanh tra, đã ban hành kết luận 7 cuộc. Qua các kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện vi phạm về kinh tế 3.609 tỷ đồng, 25ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 3.598 tỷ đồng, 16 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 11 tỷ đồng, 16 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính nhiều tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 2 vụ.

Thanh tra các bộ, ngành và địa phương đã tiến hành 3.208 cuộc thanh tra, kết quả tổng hợp từ 1.708 cuộc thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 1.656 tỷ đồng, 3.406 ha đất, kiến nghị thu hồi 1.067 tỷ đồng và 491 ha đất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền 589 tỷ đồng, 2.916 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 805 tập thể và 12 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét 39 vụ, 46 đối tượng. Một số địa phương tổ chức thanh tra hành chính đạt kết quả cao như: TP. Hồ Chí Minh, Điện Biên, Cần Thơ, Bắc Ninh, Đắk Nông.

Lực lượng thanh tra chuyên ngành tiến hành 73.695 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của 171.025 tổ chức, cá nhân, phát hiện 53.387 tổ chức, cá nhân có vi phạm với số tiền là 25.884 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 9.087 tỷ đồng; ban hành 46.795 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4.225 tỷ đồng. Thanh tra các bộ, ngành, địa phương có kiến nghị thu hồi số tiền lớn là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, các tỉnh Bắc Ninh, Điện Biên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Trà Vinh, Bà Rịa-Vũng Tàu...

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, 6 tháng đầu năm, qua thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, lực lượng thanh tra đã phát hiện 26 vụ, 23 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên đại diện Thanh tra Chính phủ cũng nhận định ngành thanh tra còn rất nhiều hạn chế và bất cập mà chưa thể khắc phục.

Lấy ví dụ về vấn đề này, đại diện Thanh tra Chính phủ chỉ ra bất cập khi cấp dưới giám sát cấp trên. Cụ thể, quy định về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra chỉ phù hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, ít phù hợp với hoạt động của thanh tra chuyên ngành quản lý thị trường cấp tỉnh. Quy định hiện hành không quy định tiêu chuẩn của người được giao nhiệm vụ giám sát đoàn thanh tra nên nhiều khi lãnh đạo đoàn thanh tra là lãnh đạo cấp vụ, giám sát đoàn thanh tra lại là cấp phòng.

Bên cạnh đó, việc theo dõi và kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu các chế tài xử lý đối tượng có hành vi cản trở, chống đối, không thực hiện, thực hiện không đầy đủ và kịp thời.

Đối tượng thanh tra chuyên ngành của Bộ Công Thương rất rộng, phân bố trên phạm vi cả nước với nhiều lĩnh vực như xăng dầu, khí hoá lỏng, điện lực, than, vật liệu nổ… Tuy nhiên, sau khi kết luận thanh tra được ban hành thì việc theo dõi, thực hiện kết luận thanh tra khó khăn vì đối tượng thanh tra ở xa cơ quan thanh tra, không có cơ chế uỷ quyền về theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra.

Tin mới lên