Tài chính quốc tế

Ông Tập Cận Bình: Từ lời nói đến kết quả thực hiện chính sách kinh tế

(VNF) - Tại buổi khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh, Tổng bí thư Đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói về những thắng lợi trên nhiều lĩnh vực trong đó có kinh tế.

Ông Tập Cận Bình: Từ lời nói đến kết quả thực hiện chính sách kinh tế

Ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc

Trong bài phát biểu kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc đã bước vào một "kỷ nguyên mới của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc". Ông nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa đón các doanh nghiệp nước ngoài, chống lại những rủi ro hệ thống, thúc đẩy cải tổ doanh nghiệp quốc doanh, và phối hợp tốt hơn chính sách tài khóa tiền tệ.

Nhiều người coi bài phát biểu là một tín hiệu tích cực cho thấy đường lối chính sách kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đạt được những kết quả tốt. Theo đó Đảng Cộng sản Trung Quốc trông đợi Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2030.

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới theo số liệu thống kê của Nhật công bố chính thức từ năm 2010, và giữ vững vị trí đó cho đến nay.

Gần đây, Chính phủ Trung Quốc nói tăng trưởng GDP quý II/2017 là 6,9%, đạt 38.150 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 5.620 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, và dự báo tốc độ tăng trưởng GDP sẽ ổn định trong thời gian tới. Nhưng nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc qua thống kê của Bloomberg từ khi ông Tập cầm quyền năm 2012 đến năm 2016, có thể thấy sự tăng trưởng GDP của Trung Quốc đang giảm dần. Điều đó khiến giới phân tích không khỏi hoài nghi về việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn năm ngoái của Chính phủ Trung Quốc.

Chuyên gia Trung Quốc Julian Evans-Pritchard tại Capital Economics cho hay: "Chúng tôi nghi ngờ về tính bền vững của đợt phục hồi". Ông Evans-Pritchard cũng nói kinh tế Đại lục đã và đang phụ thuộc quá nhiều vào kích thích từ chính phủ, tăng trưởng tín dụng nhanh và chính sách tiền tệ tương đối lỏng lẻo.

Về cam kết mở cửa, chào đón các doanh nghiệp nước ngoài đến Trung Quốc của ông Tập, thực tế nhiều công ty đa quốc gia đã "tháo chạy" khỏi thị trường Trung Quốc như Metro, Home Depot, Best Buy, Revlon, L'Oreal, Microsoft, và Sharp...

Theo kết quả điều tra của Phòng thương mại châu Âu kết hợp với văn phòng Roland Berger, thị trường Trung Quốc không còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo, các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc đang gặp nhiều bất lợi: tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang bị chững lại, sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp địa phương ngày càng tăng.

Trái với mong đợi từ những tuyên bố từ Chính phủ Trung Quốc về việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài vào. Những cuộc trả lời thăm dò đều cho rằng, các pháp chế về môi trường được áp dụng để chống lại các doanh nghiệp nước ngoài khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy không được chào đón nhiệt tình như cách đây 10 năm.

Ngày 25/7, trước khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuyên bố sẽ tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ cẩn trọng và trung tính, đồng thời thực hiện chặt các quy định về tài chính để ngăn chặn nguy cơ mang tính hệ thống.

Thực chất, Trung Quốc đã duy trì chính sách tiền tệ thận trọng từ năm 2011, tuy nhiên theo Zhang Xiaohui - Trợ lý Thống đốc PBoC, thì chính sách này đã bị nới lỏng trong một khoảng thời gian dài dẫn đến nguồn cung tiền thừa thãi, suy giảm kinh tế quá nhanh.

Các chuyên gia kinh tế lo ngại sự việc đó sẽ tiếp tục tái diễn nếu như chính phủ không thực sự mạnh tay.

Tin mới lên