Tài chính quốc tế

Chính phủ tính ‘mua đứt’ nhà cha con cựu điệp viên, dân Anh bức xúc

(VNF) - Tờ The Sunday Times mới đây đã dẫn nguồn thạo tin cho hay giới chức Anh đang tiến hành mua lại ngôi nhà mà cha con cựu điệp viên Sergei Skripal đã từng ở trước khi bị đầu độc. Động thái này đã khiến nhiều người dân bức xúc, cho rằng giới chức nước này đang tiêu tiền của người dân một cách “vô tội vạ” nhằm che đậy “điều khuất tất”.

Chính phủ tính ‘mua đứt’ nhà cha con cựu điệp viên, dân Anh bức xúc

Giới chức Anh đang tiến hành mua lại ngôi nhà mà cha con cựu điệp viên Sergei Skripal ở Salisbury.

Theo đó, những người nộp thuế ở Anh sẽ phải trả 1 triệu bảng Anh (khoảng 1,3 triệu USD) để chính phủ mua lại nhà và các tài sản khác của cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Salisbury và nhà của Trung sĩ Nick Bailey, người đầu tiên đến giúp và cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc.

Theo nguồn tin từ một quan chức nước này, chính phủ Anh đã đặt cọc một phần số tiền để tiến hành thủ tục mua nhà. Dự kiện, chính phủ nước này sẽ mất tới 350.000 bảng Anh (khoảng 464.000 USD) để mua ngôi nhà của cha con cựu điệp viên ở thị trấn Salisbury và 430.000 bảng Anh (khoảng 568.775 USD) để mua nhà của Trung sĩ Nick Bailey.

Hiện ngôi nhà của cha con cựu điệp viên vẫn đang được niêm phong và canh phòng cẩn mật.

Tính tổng cộng, chính phủ nước này có thể mất tới 1 triệu bảng Anh để mua lại hai ngôi nhà, nội thất bên trong cũng như xe hơi của cựu điệp viên Nga Skripal. Hiện giới chức trách địa phương chưa bình luận về việc mua bán này.

Điều này đã dấy lên nhiều thắc mắc rằng thực chất mục đích của động thái này có phải để “xóa dấu vết” hoặc muốn cất giấu “điều khuất tất” nào đó của Chính phủ Anh.

Chiếc xe của cựu điệp viên Sergei Skripal cũng đã được thu giữ.

Nhiều người còn đưa ra quan điểm rằng với số tiền khổng lồ như vậy nên để sử dụng để cứu giúp những người bị ảnh hưởng bởi vụ cháy chung cư Grenfell Tower khiến 72 người bị thiệt hại vào năm ngoái.

Trước đó, Đại sứ quán Nga tại Anh đã công khai một số bức thư của người dân Anh bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với những nhà ngoại giao Nga và thể hiện sự không đồng tình với cách hành xử của Chính phủ họ trong vụ cựu điệp viên Sergei Skripal.

Theo đó, nhiều người dân Anh không đồng tình với London trong "vụ việc Skripal" và cho rằng tất cả những buộc tội đối với Nga đều là "sự bịa đặt".

"Thay mặt người dân Anh, tôi chỉ có thể nói lời xin lỗi, tôi nghĩ các bạn hoàn toàn vô can trong vụ đầu độc ở Salisbury", đoạn trích dẫn trong một lá thư được Đại sứ quán Nga công bố trên Twitter.

Ở một động thái liên quan khác, hồi cuối tháng 4, ba chiếc xe tải quân đội đã đến Salisbury để bắt đầu hoạt động dọn dẹp tại thành phố này sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông. 9 "điểm nóng" sẽ được "khử nhiễm" bao gồm nhà của cha con cựu điệp viên, ghế đá nơi họ phát hiện trúng độc, quán rượu The Mill, nhà hàng Zizzi và một vài địa điểm khác.

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia Skripal.

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ năm 2004 và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản bội tổ quốc (làm gián điệp cho Anh), bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu.

6 năm sau, điệp viên hai mang này được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên. Ông Skripal hợp tác với Cơ quan tình báo nước ngoài của Anh (MI6) kể từ khi ông được Anh cho tị nạn.

Ông cùng con gái Yulia được phát hiện trong tình trạng nguy kịch ở thành phố Salisbury, Anh, hôm 4/3, do bị tấn công bằng chất độc.

Dù chưa có bằng chứng rõ ràng, Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc và cùng hàng chục các quốc gia phương Tây trục xuất 150 nhà ngoại giao Nga. Đây là vụ trục xuất nhà ngoại giao tập thể lớn nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Bác bỏ cáo buộc, Nga cũng đáp trả tương xứng với quyết định trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây đồng thời cảnh báo các động thái của phương Tây có thể đẩy thế giới vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Ông Gary Aikenhead, Giám đốc điều hành Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng (DSTL) tại căn cứ Porton Down (Anh) ngày 3/4 cho biết cơ quan này xác định đây là Novichok, chất độc thần kinh ở cấp độ quân sự nhưng không xác định được nguồn gốc chính xác.

Cho tới nay, Anh vẫn từ chối cung cấp bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc Nga có liên quan đến vụ việc Skripal. Anh cũng từ chối điều tra chung với Nga về vụ việc này.

Xem thêm >> Nghề lạ Trung Quốc: Bóc tôm cho thực khách, thu nhập 1 triệu/ngày

Tin mới lên