Vụ Trường Quốc tế Việt - Mỹ: Lộ rủi ro lớn khi phụ huynh cho trường vay tiền

Ngọc Bích-Thái An - 21/03/2024 10:10 (GMT+7)

Phụ huynh đầu tư hàng tỷ đồng với mong muốn con được hưởng dịch vụ giáo dục quốc tế, nhưng kèm với đó là hàng loạt rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Năm 2018, chị Thảo Trần (hiện định cư tại nước ngoài) tham gia hai hợp đồng góp vốn đầu tư với trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN, địa chỉ tại TP.HCM). Mỗi hợp đồng tương ứng với một suất học cho con, trị giá 3 tỷ đồng, lãi suất 0%.

Điều kiện của hợp đồng vay tiền là hai con của chị Thảo được hỗ trợ học tập, đào tạo miễn học phí trong thời gian học chính khóa (từ mầm non đến lớp 12) tại AISVN. Theo hợp đồng, trường sẽ trả lại số tiền vay sau 90 ngày khi hai người con kết thúc học tại trường hoặc chuyển sang trường khác.

“Giữa năm 2023, khi con mới học được 5 năm, gia đình tôi chuyển ra nước ngoài sinh sống. Hơn nửa năm trôi qua, đến giờ, gia đình tôi vẫn chưa nhận lại số tiền cho vay theo cam kết của AISVN", chị Thảo thông tin.

Những hợp đồng vay không lãi suất

Không riêng chị Thảo, nhiều phụ huynh khác có con đang học tại AISVN cũng tham gia những hợp đồng cho vay này và rơi vào tình cảnh tương tự. Tháng 9/2023, một số phụ huynh đã cầm theo băng rôn đến trường, yêu cầu nhà trường trả nợ theo hợp đồng.

Anh N.K. (quận 7, TP.HCM) cũng có hai hợp đồng đầu tư giáo dục tại AISVN lần lượt vào năm 2018 và 2021, tổng số tiền cho trường vay là 6 tỷ đồng, không lãi suất, không tài sản thế chấp. Số tiền lãi mà trường không phải trả sẽ được tính là học phí của trẻ.

Theo anh K., số tiền hơn 3 tỷ nếu gửi ngân hàng, tiền lãi mỗi năm không đủ để đóng học phí cho con. Trong khi đó, nếu cho trường vay, anh tính tỷ suất chiết khấu mỗi năm lên đến 18%, tất nhiên hấp dẫn hơn lãi suất ngân hàng.

“Tôi cũng coi đây như một khoản bảo hiểm giáo dục cho con. Nếu gia đình chẳng may khó khăn về kinh tế, việc học của con không bị ảnh hưởng", anh K. nói.

Anh cho biết bản thân không nắm được tình hình tài chính của trường, cũng lường trước rủi ro nhưng chủ yếu tin tưởng vào uy tín của trường và chủ trường nên vẫn đầu tư. Nam phụ huynh cũng không nắm được việc trường vay tiền để làm gì.

Nhưng hiện tại, khi con vẫn đang tiếp tục theo học tại trường, AISVN liên tục thông báo gặp khó khăn tài chính, dẫn đến việc nợ lương giáo viên, nhân viên. Các thầy cô hầu như đình công, trẻ đến trường nhưng không có người dạy.

Nam phụ huynh cho biết gia đình hài lòng với chất lượng giáo dục của nhà trường, nhưng cách làm việc của trường trong vấn đề tài chính với phụ huynh, giáo viên khiến anh thất vọng.

Hiện tại, ở lại trường, việc học của con không ổn định. Tuy nhiên, nếu chuyển con sang trường khác, anh cho biết sẽ rất phức tạp bởi chương trình học khác nhau. Chưa kể, nếu chuyển trường, anh K. cũng không nhận được ngay số tiền cho vay theo cam kết ban đầu.

Ngày 18/3, AISVN cho học sinh nghỉ học vì hầu hết giáo viên nghỉ việc do đang bị nợ lương.
Ảnh: Thái An.

Rủi ro khi đầu tư hàng tỷ đồng cho trường quốc tế

Trao đổi với Tri thức - Znews, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết pháp luật hiện hành không có quy định nào cấm, hạn chế việc trường học vay tiền phụ huynh.

Song những gói đầu tư giống như "vay vốn" của phụ huynh như trường hợp tại AISVN là không nhiều. Các chính sách ưu đãi miễn học phí, cơ sở hạ tầng khang trang là những căn cứ, cơ sở để các phụ huynh tin tưởng cho vay với số lượng tiền lớn.

Việc huy động vốn bằng hình thức vay vốn thực hiện trên cơ sở các quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự, quan hệ tín dụng. Theo đó, việc vay mượn phải được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện, phải sử dụng tiền đúng mục đích và thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên.

Tuy nhiên, theo ông Cường, trong các quan hệ dân sự thông dụng, cho vay tài sản và đầu tư kinh doanh là các hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro. Khi cho vay mà không có biện pháp đảm bảo, chỉ dựa vào niềm tin như những trường hợp trên, rủi ro lại càng cao.

Ví dụ, trường có thể lợi dụng việc vay tiền để sử dụng tiền vào mục đích bất hợp pháp, dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản, gian dối hoặc bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, hoặc có điều kiện trả nợ nhưng không trả.

Chung quan điểm với ông Đặng Văn Cường, thạc sĩ M.T., giảng viên Luật tại một trường đại học ở TP.HCM, nói rằng việc AISVN huy động vốn, miễn học phí từ lãi suất có thể thu hút được sự quan tâm của phụ huynh, nhưng lại có rất nhiều rủi ro.

AISVN lại tạo ra hình thức đầu tư “đi học miễn phí”, đây chính là ưu đãi hấp dẫn đối với các gia đình không có điều kiện kinh tế quá mạnh mẽ nhưng vẫn muốn con được hưởng nền giáo dục quốc tế chất lượng - hệ tú tài quốc tế rất có lợi khi làm nền tảng cho trẻ du học sau này.

Cá nhân cô T. đánh giá chiến lược này có thể mang lại nguồn vốn lớn cho AISVN hoạt động, nhưng về bản chất giáo dục lại khá gây phản cảm vì không khác gì kinh doanh dựa trên nhu cầu học tập của người khác.

Các chuyên gia cho rằng việc phụ huynh cho trường vay vốn chứa nhiều rủi ro vì chỉ giao dịch
dựa vào niềm tin, không tài sản thế chấp. Ảnh: Thái An.

Qua tìm hiểu, cô T. được biết cơ chế sử dụng học phí và các khoản thu làm lợi nhuận là cơ chế chung của các trường tư chứ không riêng gì trường quốc tế. Tuy nhiên, nếu phụ huynh đã coi việc học của con là một khoản đầu tư mang yếu tố tài chính, phụ huynh sẽ phải chấp nhận rủi ro, cụ thể là những hệ quả đang xảy ra ở thời điểm hiện tại.

Là một nhà giáo dục, cô M.T. rất tò mò công ty đứng sau AISVN đã làm gì với số tiền thu từ phụ huynh học sinh mà để đến mức thất thu, không có nổi tiền để chi trả lương và bảo hiểm cho giáo viên, nhân viên như thời gian gần đây.

Nói thêm về việc phụ huynh đóng hàng tỷ đồng như một cách đầu tư vào trường quốc tế, cô M.T. nhận định việc này có thể gây ra những rủi ro rất khó xử lý.

Rủi ro thứ nhất là khi cho trường vay vốn, phụ huynh sẽ gặp tình trạng không rút được tiền nếu con kết thúc việc học tại trường, nhất là khi trường đang gặp trục trặc về vấn đề tài chính như AISVN ở thời điểm hiện tại.

Rủi ro thứ hai là khi nhà trường liên tục phải tìm cách gọi vốn, hoàn vốn cho phụ huynh, đồng thời nghĩ đến việc tạo ra lợi nhuận để duy trì hoạt động giáo dục, họ có thể vô tình bị cuốn vào vòng xoáy kiếm lời và kinh doanh giáo dục. Cô T. lo ngại một cơ sở giáo dục quá quan tâm đến việc kinh doanh sinh lời sẽ khó đảm bảo được chất lượng giáo dục cho trẻ.

Cô M.T. nhấn mạnh bản thân doanh nghiệp thành lập trường cũng phải chịu trách nhiệm vì quá yếu kém trong khâu quản lý tài chính, để cơ sở giáo dục rơi vào tình trạng nợ lương giáo viên, trẻ không được đi học như hiện nay.

Từ trước khi cho trẻ tạm dừng học vào ngày 18/3, AISVN cũng từng có những lúc không đủ giáo viên đứng lớp khiến trẻ đến trường nhưng phải ngồi chơi. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc học của trẻ vì hệ tú tài quốc tế đòi hỏi học sinh phải học và tham gia đánh giá, kiểm tra liên tục.

Trường để việc học của trẻ trễ nải như vậy sẽ tác động rất nặng đến chất lượng đầu ra của các học sinh cuối cấp, sắp tốt nghiệp, từ đó hệ quả trong tương lai gần chính là các em sẽ gặp khó khăn trong việc xét tuyển vào một trường đại học tốt.

“Nếu giải quyết được vấn đề tài chính, tôi mong trường có biện pháp, ví dụ như học dồn, học bổ túc, để đảm bảo học sinh bắt kịp tiến độ chương trình tú tài quốc tế”, cô T. đề xuất.

Một số phụ huynh cầm theo băng rôn đòi nợ trường AISVN hồi tháng 9/2023. Ảnh: PHCC.

Phụ huynh đã quá tin tưởng

Với trường hợp tại trường AISVN, ông Cường nhận định có lẽ do quá tin tưởng vào ban lãnh đạo của nhà trường, tin tưởng vào kế hoạch phát triển, tương lai của nhà trường và để ủng hộ cho sự nghiệp học tập của con cái nên nhiều phụ huynh không ngần ngại cho nhà trường này vay tiền.

Ngoài ra, chính sách về lãi suất và các ưu đãi khiến cho các phụ huynh tưởng rằng việc cho vay sẽ được hưởng lợi nên không tiếc tiền để rót vào các dự án của nhà trường này. Đến nay, khi sự việc đổ bể, phụ huynh lo ngại số tiền gốc không lấy lại được.

Ông Cường cho rằng trong trường hợp này, các nhà đầu tư cần làm rõ hoạt động huy động vốn này có đúng pháp luật hay không? Việc sử dụng vốn như thế nào? Nguyên nhân dẫn đến cơ sở giáo dục này mất khả năng thanh toán, không có khả năng trả lương cho người lao động và trả lãi suất huy động cho các nhà đầu tư?

“Trong trường hợp nhà trường không còn khả năng tái cơ cấu, không thể huy động thêm vốn để duy trì hoạt động, các phụ huynh cần phải cân nhắc đến việc sẽ chuyển con sang các cơ sở giáo dục cùng hệ thống hoặc có chương trình học tương tự để tiếp tục việc học tập”, ông Cường đưa ra lời khuyên.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Cường nhận định đây là hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục phải có trách nhiệm trong việc làm rõ đúng sai, trách nhiệm pháp lý có liên quan và giải quyết hậu quả pháp lý nếu như nhà trường này tuyên bố phá sản.

Đối với hoạt động huy động vốn, trả nợ gốc và lãi suất theo thỏa thuận mà AISVN không thực hiện đúng cam kết, các phụ huynh và các nhà đầu tư có thể đưa vụ việc ra pháp luật để được xem xét giải quyết theo quy định.

Khi tiền đầu tư của phụ huynh AISVN bị nhà trường “giam” như hiện nay, trước hết nếu không có báo cáo minh bạch về các khoản thu - chi và phân bổ nguồn thu, cô T. cho rằng nhà trường và doanh nghiệp đứng sau sẽ có nguy cơ bị Bộ Tài chính xử lý.

Còn về vấn đề giáo viên đình công vì nợ lương, khiến trẻ không được học tập, Sở GD&ĐT TP.HCM cùng Bộ GD&ĐT sẽ có thẩm quyền xử lý. Khi đó, phụ huynh nếu có nhu cầu yêu cầu bồi hoàn học phí hoặc yêu cầu trường đảm bảo chất lượng giáo dục, cô T. khuyên phụ huynh nên liên kết với nhau và tìm đến đội ngũ luật sư chuyên nghiệp để được tư vấn.

Trong trường hợp phụ huynh muốn khởi kiện, cô T. nhắc phụ huynh rằng việc này cũng chưa chắc nâng cao phần trăm đòi được học phí, dù là khởi kiện tập thể.

Khởi tố hình sự có thể khả năng sẽ cao hơn một chút, nhưng đó cũng chỉ là “có thể” nếu các chủ sở hữu Công ty CP Giáo dục Quốc tế Mỹ (AIS) bị yêu cầu hoàn tiền cho phụ huynh bằng tài sản cá nhân. Cô T. nhấn mạnh khả năng này cũng không hoàn toàn chắc chắn.

“Từ những vấn đề trên, tôi nghĩ phụ huynh nên chuẩn bị tinh thần vì cuộc chiến đòi tiền sẽ còn kéo dài (thời gian tính bằng năm) chứ không thể xong trong một sớm một chiều. Đây cũng là điểm đáng lo ngại vì điều này sẽ ảnh hưởng đến việc học của trẻ”, cô T. nói.

Theo Tạp chí Tri thức
Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Chính phủ yêu cầu xử nghiêm trường hợp đầu cơ, thao túng giá vàng

Chính phủ yêu cầu xử nghiêm trường hợp đầu cơ, thao túng giá vàng

(VNF) - Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện kịp thời hơn các giải pháp quản lý và kiểm soát chặt giao dịch thị trường vàng; xử lý ngay tình trạng chênh cao giữa trong nước và quốc tế cũng như buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá.

Xây nhà máy AI 200 triệu USD: Nvidia chuyển máy chủ đầu tiên cho FPT

Xây nhà máy AI 200 triệu USD: Nvidia chuyển máy chủ đầu tiên cho FPT

(VNF) - Hệ thống máy chủ DGX H100 được nhập về Việt Nam đánh dấu bước đầu tiên trong việc hiện thực hóa kế hoạch xây nhà máy AI của FPT và Nvidia.

Honda Việt Nam triệu hồi hơn 14.000 xe do lỗi bơm nhiên liệu

Honda Việt Nam triệu hồi hơn 14.000 xe do lỗi bơm nhiên liệu

(VNF) - Honda Việt Nam vừa tiến hành triệu hồi đối vối tổng số 14.162 xe, gồm các mẫu: Honda Jazz, Civic, CR-V, Accord, City và Odysey.

Công an Hưng Yên khởi tố LIFAN - Việt Nam vì buôn bán xe máy giả

Công an Hưng Yên khởi tố LIFAN - Việt Nam vì buôn bán xe máy giả

(VNF) - Sau gần 5 tháng nhận bàn giao hồ sơ và tang vật từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên, Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án “sản xuất, buôn bán hàng giả” xảy ra tại Công ty TNHH Liên doanh chế tạo xe máy LIFAN - Việt Nam.

Bầu Đức tính IPO và niêm yết công ty con, không thoái vốn thêm trong 2024

Bầu Đức tính IPO và niêm yết công ty con, không thoái vốn thêm trong 2024

(VNF) - ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) được tổ chức tại TP. HCM sáng 10/5.

Chính thức ra mắt Đặc san Toàn cảnh Tài chính số

Chính thức ra mắt Đặc san Toàn cảnh Tài chính số

(VNF) - Ông Võ Văn Bé, Phó Giám đốc NXB Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng cần có thêm nhiều ấn phẩm như Đặc san Toàn cảnh Tài chính số để qua đó tăng cường thêm nhận thức về chuyển đổi số của toàn dân.

Buổi sáng 'điên cuồng', đẩy giá vàng vượt 92 triệu/lượng

Buổi sáng 'điên cuồng', đẩy giá vàng vượt 92 triệu/lượng

(VNF) - Giá vàng miếng SJC tăng mạnh và liên tục trong buổi sáng nay. Hiện mỗi lượng đắt thêm gần 3 triệu đồng so với chốt phiên hôm qua, lên mức kỷ lục 92 triệu đồng/lượng.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần MOPHA bị truy nã

Tổng giám đốc Công ty cổ phần MOPHA bị truy nã

(VNF) - Bị can Đỗ Vân Trường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần MOPHA bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Đà Nẵng: Loạt DN bất động sản, du lịch bị cưỡng chế tài khoản

Đà Nẵng: Loạt DN bất động sản, du lịch bị cưỡng chế tài khoản

(VNF) - Cục Thuế TP. Đà Nẵng vừa công bố danh sách các doanh nghiệp bị cưỡng chế tài khoản vì chậm nộp thuế theo kỳ thông báo nợ tháng 3/2024.

Vượt Đông Nam Bộ, thu ngân sách vùng Đồng bằng sông Hồng cao nhất cả nước

Vượt Đông Nam Bộ, thu ngân sách vùng Đồng bằng sông Hồng cao nhất cả nước

(VNF) - Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu ngân sách Nhà nước của vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2023 ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng, đứng đầu cả nước.