Vifon: Doanh thu lên tầng, lợi nhuận xuống dốc

Ái Châu Tử - 23/08/2021 13:28 (GMT+7)

(VNF) – Các sản phẩm mì, phở ăn liền của Công ty Cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) một thời “làm mưa làm gió” trên thị trường. Nhưng sau nhiều biến cố, thị phần của Vifon đã bị thu hẹp đáng kể. Tới giai đoạn 2015 – 2019, mặc dù công ty đã cố gắng đưa doanh thu tăng trưởng song lợi nhuận sau thuế lại đi giật lùi với mức giảm rất sâu.

VNF
Vifon: Doanh thu lên tầng, lợi nhuận xuống dốc

Công ty Cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) được thành lập năm 2004, trụ sở chính tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP. HCM. Dù dấu mốc công ty cổ phần mới có từ 2004, nhưng thực tế, lịch sử của thương hiệu này đã bắt đầu từ trước đó gần nửa thế kỷ (ra đời năm 1963).

Những năm 90 của thế kỷ trước, Vifon là thương hiệu đình đám trên thị trường mì ăn liền Việt Nam. Đây cũng là đơn vị đã bắt tay với Acecook khi nhà đầu tư Nhật Bản này vào Việt Nam, lập ra liên doanh Vifon Acecook – “cha đẻ” của mì Hảo Hảo lừng danh sau này.

Tuy nhiên, cái bắt tay này không mang lại nhiều hiệu quả cho Vifon. Ngược lại sau khi liên doanh tan rã, Vifon kinh doanh sa sút, còn Acecook vươn lên mạnh mẽ để trở thành ông vua mới trên thị trường mì ăn liền Việt Nam.

Xem thêm: Kiếm tiền như ‘Mì Hảo Hảo’: Vốn điều lệ chưa đầy 300 tỷ nhưng doanh thu vạn tỷ, mỗi năm lãi hơn nghìn tỷ

Trải qua nhiều thay đổi, Vifon mới dần lấy lại được phần nào hào quang xưa cũ. Giai đoạn 2015 – 2019 có thể xem là sự hồi phục của Vifon nếu nhìn trên khía cạnh doanh thu.

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy từ năm 2015 đến 2019, doanh thu thuần của Vifon tăng trưởng liên tục, lần lượt là: 1.195 tỷ đồng, 1.320 tỷ đồng, 1.469 tỷ đồng, 1.473 tỷ đồng và 1.477 tỷ đồng. Tính chung 5 năm, doanh thu đã tăng 23,5%.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng tăng trưởng doanh thu của Vifon chỉ mạnh trong giai đoạn 2015 – 2017 (trung bình 10%). Hai năm sau đó, doanh thu gần như dậm chân tại chỗ, chỉ “nhích” thêm vài tỷ đồng mỗi năm.

Kết quả là lợi nhuận gộp chỉ giá trị cao trong giai đoạn 2015 – 2017, lần lượt là: 241 tỷ đồng, 283 tỷ đồng và 240 tỷ đồng; tương ứng, biên lãi gộp lần lượt là: 20%, 21,4% và 16,3%. Hai năm sau đó, lợi nhuận gộp giảm sâu xuống chỉ còn 150 tỷ đồng và 159 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp chỉ còn: 10,1% và 10,7%.

Dù đã cố gắng quản lý chi phí - chẳng hạn chi phí bán hàng giai đoạn 2016 – 2018 đã giảm từ 170 tỷ đồng xuống 60 tỷ đồng hay chi phí quản lý từ 66 tỷ đồng xuống 64 tỷ đồng - song lợi nhuận sau thuế của Vifon vẫn không thể cải thiện.

Giai đoạn 2015 – 2019, lãi sau thuế lao dốc từ 43 tỷ đồng xuống chỉ còn 16 tỷ đồng, giảm tới 63%. Nhìn kỹ hơn, đáy của đồ thị lãi nằm tại năm 2017 (12 tỷ đồng), do đó các năm 2018 – 2019 có thể xem là quá trình hồi phục của Vifon, tuy nhiên sự hồi phục này là khá yếu ớt, mỗi năm chỉ tăng thêm 2 tỷ đồng.

Về tài sản, giai đoạn 2015 – 2019, tổng tài sản của Vifon tăng khá mạnh, từ 425 tỷ đồng lên 648 tỷ đồng, tương đương tăng 52,4%. Tuy nhiên, phần đa sự tăng trưởng này được tài trợ bởi nợ phải trả, tăng từ 195 tỷ đồng lên 397 tỷ đồng, tương đương tăng 103,5%.

Vốn chủ sở hữu năm 2015 là 230 tỷ đồng, sau đó biến động qua từng năm, có lúc vọt lên 290 tỷ đồng, song kết thúc năm 2019 đứng ở mức 251 tỷ đồng. Nhìn cả 5 năm, vốn chủ sở hữu chỉ tăng 9%.

Chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và nợ phải trả không lớn, do đó tài chính của Vifon ở mức khá an toàn.

Doanh nghiệp liên quan làm ăn ra sao?

Vifon có một doanh nghiệp liên hệ rất mật thiết là Công ty Cổ phần Vifon. Doanh nghiệp này thành lập ngày 23/9/2009, đóng trụ sở tại ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 của Vifon ghi nhận Công ty Cổ phần Vifon là bên có liên quan - “có cùng chủ đầu tư”, cụ thể là có cùng cổ đông ngoại Công ty Cerioti Holding S.A.

Tại Vifon năm 2016, Cerioti Holding S.A sở hữu 48,2% cổ phần. Còn tại Công ty Cổ phần Vifon, cổ đông ngoại này nắm 48,21% (thời điểm ghi nhận tháng 4/2014).

Tính đến hết năm 2020, CEO của Công ty Cổ phần Vifon là bà Nguyễn Thị Bạch Liên. Cổ đông cá nhân có: Lê Ánh Phương, Nguyễn Nam Thắng…

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong các năm 2016 – 2019, Công ty Cổ phần Vifon có doanh thu thuần tăng trưởng liên tục, từ 1.546 tỷ đồng lên 1.694 tỷ đồng, tăng tiếp lên 1.897 tỷ đồng rồi đạt 2.104 tỷ đồng. Nhìn cả 4 năm, doanh thu thuần đã tăng 36%. Có thể thấy cả doanh thu và tốc độ tăng trưởng doanh thu của Công ty Cổ phần Vifon đều cao hơn Vifon khá nhiều.

Lợi nhuận gộp của Công ty Cổ phần Vifon cũng khá tốt, tăng liên tục theo doanh thu, lần lượt là: 216 tỷ đồng (2016), 221 tỷ đồng (2017), 332 tỷ đồng (2018) và 447 tỷ đồng (2019).

Biên lãi gộp cũng được cải thiện tương ứng theo các năm là: 13,9% 13%, 17,5% và 21,2%.

Lợi nhuận sau thuế có sự biến động khá lớn trong cùng giai đoạn, có năm sụt xuống chỉ còn 12 tỷ đồng (2017), tuy vậy, nhìn chung 4 năm, lãi sau thuế đã duy trì được hướng đi lên khi năm 2019 đạt 75 tỷ đồng, cao hơn 83% so với năm 2016 (41 tỷ đồng).

Về tài sản, quy mô tài sản của Công ty Cổ phần Vifon tăng rất nhanh, từ 579 tỷ đồng (2016) vọt lên 1.010 tỷ đồng (2019), tăng 74%. Tuy vậy, vốn chủ sở hữu chỉ tăng từ 237 tỷ đồng (2016) lên 352 tỷ đồng (2019). Điều này có nghĩa phần lớn tài sản được hình thành từ nợ phải trả. Đến năm 2019, nợ phải trả đã đạt 658 tỷ đồng, tăng tới 92% so với năm 2016.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cũng vì thế mà ngày càng rộng ra. Nếu như năm 2016, hệ số này chỉ là 1,44 lần thì tới năm 2019 đã tăng lên 1,87 lần.

Một doanh nghiệp có liên quan khác với Vifon là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Việt Âu. Báo cáo kiểm toán 2016 của Vifon ghi nhận Việt Âu là cổ đông lớn của công ty này với tỷ lệ sở hữu 30,8%.

Việt Âu được thành lập ngày 25/3/2010, có trụ sở tại xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dữ liệu của VietnamFinance ghi nhận tại thời điểm tháng 10/2017, giám đốc công ty là bà Lê Thị Ánh Phương, sinh năm 1972, thường trú phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP. HCM. Trước đó, giám đốc công ty là ông Tào Anh Hoàn, sinh năm 1970, thường trú phường Phước Tân, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Tính đến năm 2020, Việt Âu được sở hữu 100% bởi ông Tào Anh Hoàn.

Giai đoạn 2016 – 2019, Việt Âu có quy mô tài sản tăng từ 57 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng từ 8 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng. Đồng nghĩa là nợ phải trả đã tăng từ 49 tỷ đồng lên 85 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu nâm 2019 lên tới 5,6 lần.

Về tình hình kinh doanh, năm 2019, công ty có doanh thu 1,26 tỷ đồng, lỗ sau thuế tới 4,5 tỷ đồng. Trước đó 2 năm, công ty cũng báo lỗ sau thuế lần lượt là: 483 triệu đồng và 1,1 tỷ đồng.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Hải Dương: Bất động sản Toàn Cầu bỏ 1.000 tỷ làm cụm CN 75ha

Hải Dương: Bất động sản Toàn Cầu bỏ 1.000 tỷ làm cụm CN 75ha

(VNF) - Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Toàn Cầu sẽ là chủ đầu tư thực hiện Cụm công nghiệp Thái Tân tại Hải Dương.

Bỏ độc quyền và những nỗi lo mới về vàng

Bỏ độc quyền và những nỗi lo mới về vàng

(VNF) - Theo giới chuyên gia, việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng chỉ giúp hạ nhiệt giá vàng trong ngắn hạn. Trong khi đó, việc này sẽ tác động đến tỷ giá. Ngay cả việc nhập khẩu và đấu thầu tăng cung vàng cũng chỉ là tình thế và sẽ ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối. Thị trường cần giải pháp căn cơ không chỉ cho vàng mà cho sự ổn định chính sách tiền tệ.

Petrovietnam vận hành hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP)

Petrovietnam vận hành hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP)

(VNF) - Ngày 4/5/2024 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Lễ công bố vận hành chính thức Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho Công ty mẹ PVN – Giai đoạn 1.

Vì sao nhà đầu tư PPP giao thông thường ‘gánh’ nợ ngân hàng?

Vì sao nhà đầu tư PPP giao thông thường ‘gánh’ nợ ngân hàng?

(VNF) - Hiện nay nhiều doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức PPP đang vay nợ dài hạn với số dư nợ lớn dẫn đến nhiều thông tin suy diễn sai bản chất khi cho rằng các doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ, nợ vượt tài sản, khả năng trả nợ yếu, nguy cơ phá sản cao….

ABBANK hỗ trợ gói tín dụng với lãi suất đặc biệt cho các doanh nghiệp SME

ABBANK hỗ trợ gói tín dụng với lãi suất đặc biệt cho các doanh nghiệp SME

(VNF) - Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) triển khai chương trình gói tín dụng “Kết nối nhu cầu – Mở rộng giải pháp” với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm và tổng hạn mức của các gói vay lên tới 5.000 tỷ đồng.

115.000 tỷ đồng trái phiếu BĐS đáo hạn năm 2024, tiền đâu trả nợ?

115.000 tỷ đồng trái phiếu BĐS đáo hạn năm 2024, tiền đâu trả nợ?

(VNF) - Năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 279.219 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong đó phần lớn là trái phiếu Bất động sản với 115.663 tỷ đồng, tương đương 41.4%.

Giá vàng chính thức chạm mốc 86 triệu/lượng, đắt đỏ chưa từng có

Giá vàng chính thức chạm mốc 86 triệu/lượng, đắt đỏ chưa từng có

(VNF) - Giá vàng SJC chính thức lên 86 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, giá vàng nhẫn lại không có nhiều biến động.

Hệ thống 'cây xăng thế hệ mới', đi xe điện không lo sạc pin

Hệ thống 'cây xăng thế hệ mới', đi xe điện không lo sạc pin

(VNF) - Để tăng sức cạnh tranh, nhiều thương hiệu xe điện trên thị trường tập trung nâng cao dung lượng pin, xây dựng trạm sạc. Trong khi đó một start-up xe điện Việt lại muốn xóa bỏ khái niệm về quãng đường ở xe điện.

Đem hầu hết tài sản đi đầu tư, BGI Group làm ăn thế nào trong quý I?

Đem hầu hết tài sản đi đầu tư, BGI Group làm ăn thế nào trong quý I?

(VNF) - Công ty Cổ phần Tập đoàn BGI (BGI Group, HNX: VC7) ghi nhận khoản lãi sau thuế chỉ 2,5 tỷ đồng trong quý I/2024. Dù vậy, so với cùng kỳ, khoản lãi này đã tăng gấp 5,6 lần.

Imexpharm và cơ hội dẫn đầu ngành dược trong nước

Imexpharm và cơ hội dẫn đầu ngành dược trong nước

(VNF) - Sau thời gian tập trung nguồn lực đầu tư cho công nghệ, cùng với hậu thuẫn từ chính sách ưu tiên sản phẩm dược trong nước, Imexpharm đang có cơ hội để tạo ra đột phá trong tăng trưởng.