TP. HCM giữ hay không giữ đất nông nghiệp?

Nguyên Nga - Đình Sơn - 22/03/2021 08:35 (GMT+7)

Định hướng trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính lớn của khu vực nên trong quy hoạch sắp tới, câu hỏi TP. HCM có nên duy trì lĩnh vực kinh tế nông nghiệp nữa hay không gây nhiều ý kiến trái chiều.

VNF
Đất nông nghiệp hai bên đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, TP. HCM)

Chiếm nhiều đất nhưng đóng góp chưa tới 1%

Ông Dư Huy Quang, trưởng phòng Quản lý đất (Sở Tài nguyên - Môi trường TP. HCM), cho biết đến năm 2020, thành phố còn 88.000ha đất nông nghiệp, tập trung tại các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và quận 9.

Mặc dù vậy, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, đất nông nghiệp bị chia cắt, manh mún đã là trở ngại lớn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và gây tâm lý ngại đầu tư cho sản xuất nông nghiệp do đất đai không ổn định vì nằm trong quy hoạch hoặc do bổ sung quy hoạch để thực hiện các dự án.

Trong khi đó, việc xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao (nhà lưới, nhà màng, nhà kho, chuồng trại...) trên đất sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định.

Theo chuyên gia quy hoạch Trần Bình, hiện nay đất nông nghiệp trên địa bàn TP. HCM chiếm khoảng 55% tổng diện tích đất, nhưng đóng góp của ngành nông nghiệp vào GRDP của thành phố chỉ đạt 0,8%. Đất cho công nghiệp, dịch vụ chiếm 8%, nhưng đóng góp đến 99% GRDP.

Thế nên thành phố mới đây cũng đã đề xuất và đã được Thủ tướng đồng ý cho chuyển 26.000ha đất nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ vốn được xem là “cú hích” cho sự phát triển kinh tế của địa phương.

Quỹ đất nông nghiệp chuyển đổi nằm tại TP. Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, đã nhiều năm không thể canh tác bởi tác động của đô thị hóa, ô nhiễm nguồn nước. Chủ trương của lãnh đạo thành phố là thực hiện đấu giá với quỹ đất này, thực hiện thành công sẽ mang lại cho ngân sách thành phố khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, giúp thành phố hoàn thành các đề án như chỉnh trang đô thị, di dời nhà ở ven kênh, cải tạo chung cư cũ…

Một lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh phân tích, trong số 26.000ha đất nông nghiệp chuyển đổi, Bình Chánh chiếm khoảng gần 7.000ha, là địa phương có diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi nhiều nhất trên địa bàn TP. HCM.

Như vậy, đến năm 2020, huyện Bình Chánh chỉ còn giữ lại 6.000ha đất nông nghiệp, đến năm 2025 thì chỉ còn giữ lại 350ha đất chuyên trồng lúa tại xã Tân Nhựt để đảm bảo an ninh lương thực. Chủ trương này sẽ tạo điều kiện tốt cho huyện trong việc giải quyết nhà ở cho nhân dân, vì đây là nhu cầu rất lớn.

Việc cấp phép và quản lý xây dựng theo quy hoạch sẽ ổn định, xóa bỏ việc xây dựng không phép, sai phép. Chính quyền cũng giảm bớt được áp lực quản lý xây dựng mà người dân cũng được hưởng lợi bởi hiện nay dân số Bình Chánh rất đông, chỉ riêng 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B đã khoảng 400.000 dân.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc chuyển một phần lớn đất nông nghiệp sang các loại đất dịch vụ, xây dựng, thành phố chỉ nên giữ một ít đất nông nghiệp để làm nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy hải sản ở Củ Chi, Cần Giờ nếu có và nên tập trung phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ. Nông nghiệp để các địa phương có thế mạnh về nông nghiệp lo”, ông Trần Bình nói.

Phải giữ nông nghiệp làm vành đai xanh?

Một số ý kiến khác cho rằng, sứ mệnh làm nông nghiệp của TP. HCM đã hoàn thành. Nếu có làm nông nghiệp công nghệ cao cũng nên để các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và cung cấp cho TP. HCM. Bởi do đất đai cắt chia nhiều nên nông nghiệp tại TP.HCM hầu như rất manh mún. Mùa khô cỏ cháy không có kênh dẫn nước tưới, chưa kể đất nông nghiệp thì dần được xây dựng nhà ở, nhà xưởng như tại huyện Bình Chánh...

Thế nên, cần thiết chuyển đất nông nghiệp sang đất khác để khai thác hết tiềm năng, tăng thu ngân sách, tăng thu nhập cho người dân thành phố.

Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (2010-2020), thu nhập của người dân nông thôn TP. HCM tăng hơn 2,7 lần.

Thu nhập trung bình của người dân năm 2010 là 23,17 triệu đồng/người/năm thì sang năm 2017 lên hơn gấp đôi với 49,18 triệu đồng/người/năm và đến năm 2019 đã tăng gần gấp 3 lần, lên đến 63 triệu đồng/người/năm.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn lại không đồng tình và khuyến nghị, TP. HCM không nên và không thể nào xóa bỏ nông nghiệp được. Quan trọng là tỷ lệ đất đai dành cho nông nghiệp thế nào. Theo ông Sơn, với một thành phố lớn trên 10 triệu dân, vành đai xanh tại các huyện vùng ven là cần thiết.

Những đô thị hiện đại giàu có, người ta có thể trồng cây xanh phủ mát cũng là mảng nông nghiệp, nhưng không thuần làm kinh tế, thì TP. HCM phát triển vành đai xanh bằng cách trồng cây nông nghiệp là hiệu quả nhất.

“Không phủ nhận là đất đai nông nghiệp của TP. HCM bị cắt vụn, manh mún lắm rồi. Đất ít thì chúng ta làm ít, quan trọng là đưa được công nghệ cao vào nông nghiệp thì giá trị thu về cao gấp bội lần làm nông nghiệp theo hướng truyền thống. Hình dung một đô thị mà đi đâu cũng thấy bê tông hóa hết, mảng xanh yếu ớt thì đó là cách phát triển đô thị thụt lùi.

Về lâu dài, nó tác động mạnh đến môi trường rất kinh khủng. Thứ hai, một thành phố có hơn 10 triệu dân mà nông nghiệp đến lúc để phụ thuộc vào nơi khác quá nhiều là không ổn. Thế nên, theo tôi, phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao với chiến lược rõ ràng sẽ là lợi thế cho kinh tế thành phố phát triển tốt, bền vững”.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị, khuyến nghị làm nông nghiệp chất lượng cao, du lịch sinh thái trong thành phố là hướng quy hoạch bền vững cho TP. HCM trong tương lai.

Muốn vậy, ngay khi quy hoạch, phải xác định việc xóa hay giữ ngành nông nghiệp và nên giữ lại mảng kinh tế nông nghiệp theo hướng chất lượng cao là tốt nhất. Đô thị cần cân bằng không gian xanh và mảng xanh đó với TP. HCM chính là nông nghiệp.

Nông nghiệp là mảng xanh cần thiết

Cùng với việc “lên đời” của các huyện thành quận theo đề xuất mới đây, tranh cãi về việc TP. HCM có nên giữ đất nông nghiệp hay không trở thành vấn đề nóng.

Đa số chuyên gia cho rằng, việc nâng cấp huyện thành quận chỉ ở cấp độ bộ máy hành chính, còn về quy hoạch là câu chuyện dài. Thế nên TP. HCM phát triển đô thị, hay siêu đô thị đến mức nào, vẫn cần thiết phải có nông nghiệp vì đó là mảng xanh cần thiết, quý giá trong quy hoạch đô thị.

Hiện tỷ lệ cây xanh cho mỗi người ở Việt Nam đạt chưa tới 2 m2, tại các thành phố lớn, con số này còn thấp hơn nữa. Tại TP. HCM để đạt chuẩn 10 - 25 m2 cây xanh trên mỗi đầu người như thế giới, TP mất 1.000 năm mới thực hiện được.

Trong bối cảnh đó, nếu cứ chuyển hết đất nông nghiệp thành đất đô thị, tốc độ bê tông hóa sẽ tăng mạnh, biến đổi khí hậu của thành phố càng đến nhanh hơn. Đã không thể cứu vãn được đất nông nghiệp, thì giữ lại những “mảnh vụn, chắp vá” đất nông nghiệp đó bằng hình thức chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nghỉ dưỡng… là giải pháp tối ưu cho thành phố.

Muốn lớn mạnh không thể đi chệch xu hướng “xanh”

TS Nguyễn Minh Hòa phân tích, trong quy hoạch vùng TP.H CM được Chính phủ phê duyệt trước đây, TP. HCM được coi là đô thị chính, các tỉnh lân cận như khu vực vệ tinh. Thế nhưng, hiện Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đã hình thành cực tăng trưởng đối trọng với TP. HCM, đặc biệt trong thu hút vốn FDI và lao động.

Trên thế giới, nhiều nước đang tái lập vùng nông thôn trong đô thị, TP. HCM muốn lớn mạnh, không thể đi chệch xu hướng “xanh” này. 

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói, việc huyện lên quận có chuẩn hết rồi, thành phố cứ để cho nó tự nhiên, đạt đến chuẩn nào đó về hạ tầng, dân số… sẽ tự động nâng lên quận, không cần “thúc” hay “rủ” nhau cho lên quận với tham vọng sau Thủ Đức có thêm vài thành phố nhỏ nữa trong thành phố lớn.

Thứ hai, các vùng đất đang trũng, xung yếu, nguy cơ bị tác động bởi biến đổi khí hậu tăng thì càng không nên tăng dân số mà chuyển đổi mô hình nông nghiệp công nghệ cao, cần ít nhân lực và dịch vụ du lịch như tại huyện Cần Giờ.

Tại các thành phố lớn trên thế giới, đa số phát triển nông nghiệp lồng trong không gian đô thị. Paris (Pháp), London (Anh) vẫn có vành đai xanh ngút ngàn khi rời bán kính đô thị vài chục cây số.

“Nếu cứ “đôn” đất nông nghiệp lên làm đất ở hết, chỉ cần 10 năm nữa thôi, TP. HCM sẽ hình thành thêm nhiều vùng đất trũng, bị ngập thường xuyên theo khuyến cáo của các nghiên cứu môi trường thế giới. Lúc đó, tiền ngân sách đổ vào giúp cho người dân tại các vùng bị ngập lụt thường xuyên do nước biển dâng, phải đầu tư làm đê bao, cầu cống… rất lớn.

Tiền đó là ngân sách làm, không phải chủ đầu tư các dự án bất động sản trên đất nông nghiệp đã được chuyển đổi làm. Báo cáo của các tổ chức quốc tế liệt kê TP. HCM và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nằm trong tốp 10 quốc gia sẽ bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngập lụt thường xuyên… do chúng ta nằm trong vùng trũng. Như vậy, muốn giảm bớt ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, phải giảm tăng dân và giảm xây dựng tại các khu vực đó”, ông Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

Theo TNO
Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Thủ tướng gợi ý phát hành trái phiếu Chính phủ làm đường Vành đai 4 TP. HCM

Thủ tướng gợi ý phát hành trái phiếu Chính phủ làm đường Vành đai 4 TP. HCM

(VNF) - Tìm phương án cân đối nguồn vốn đầu tư dự án Vành đai 4 TP. HCM, Thủ tướng nhấn mạnh cần huy động cả vốn Trung ương và địa phương, nghiên cứu hợp tác công - tư, phát hành trái phiếu Chính phủ.

Cao tốc 19.700 tỷ do Geleximco đề xuất có diễn biến mới

Cao tốc 19.700 tỷ do Geleximco đề xuất có diễn biến mới

(VNF) - Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài khoảng 60,9km. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định là 27,6km, đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Bình là 33,3km.

'Bật đèn xanh' cho VEC đầu tư mở rộng cao tốc TP. HCM - Long Thành

'Bật đèn xanh' cho VEC đầu tư mở rộng cao tốc TP. HCM - Long Thành

(VNF) - Trước mắt, lãnh đạo Chính phủ đồng ý giao VEC lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng cao tốc TP. HCM - Long Thành.

Không còn ‘game’ tài chính, Xuân Mai Corp báo lỗ quý I

Không còn ‘game’ tài chính, Xuân Mai Corp báo lỗ quý I

(VNF) - Mặc dù doanh thu thuần tăng gấp đôi, song do không còn khoản thu từ hoạt động tài chính như cùng kỳ, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (UPCoM: XMC) ngậm ngùi báo lỗ trong quý I/2024.

Doanh thu BĐS ‘sụp đổ’, QCG chật vật thoát lỗ nhờ bán vốn

Doanh thu BĐS ‘sụp đổ’, QCG chật vật thoát lỗ nhờ bán vốn

(VNF) - Quý I/2024, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) ghi nhận sự sụt giảm mạnh về doanh thu, nhất là doanh thu bất động sản. Phải nhờ tới khoản lãi từ chuyển nhượng vốn góp, công ty mới thoát khỏi tình cảnh thua lỗ.

Công an vào cuộc xử lý sở hữu chéo ngân hàng; thanh tra ngay các DN kinh doanh vàng

Công an vào cuộc xử lý sở hữu chéo ngân hàng; thanh tra ngay các DN kinh doanh vàng

(VNF) - Thủ tướng yêu cầu thanh tra ngay các doanh nghiệp kinh doanh vàng, xử lý sở hữu chéo ngân hàng. Tỷ giá VND/USD được dự báo sẽ lên đỉnh 25.600 đồng/USD. Tỷ giá tăng đẩy lãi suất đi lên nhanh chóng. Đó là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Tuần tới, giá dầu xăng vào đợt giảm mạnh tới 1.400 đồng/lít?

Tuần tới, giá dầu xăng vào đợt giảm mạnh tới 1.400 đồng/lít?

Theo dự báo của lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong kỳ điều chỉnh vào thứ Năm (ngày 9.5), giá xăng RON 95 có thể giảm tới 1.400 đồng/lít; xăng E5 RON 92 có thể giảm 1.200 đồng/lít, dầu DO dự báo giảm 900 đồng/lít.

‘Giải cứu’ BOT thua lỗ: Gánh nặng hàng chục nghìn tỷ nợ ngân hàng

‘Giải cứu’ BOT thua lỗ: Gánh nặng hàng chục nghìn tỷ nợ ngân hàng

(VNF) - Tám BOT thua lỗ khiến chính nhà băng đau đầu với hơn 15.000 tỷ đồng cho vay chưa thể thu hồi hết. Nếu ngân sách ‘giải cứu’ BOT thua lỗ thì sẽ giải quyết ra sao với khối nợ này?.

Thiếu tiền làm Vành đai 4 - TP.HCM, Bộ trưởng gợi ý tự vay tự trả, đừng trông chờ ngân sách

Thiếu tiền làm Vành đai 4 - TP.HCM, Bộ trưởng gợi ý tự vay tự trả, đừng trông chờ ngân sách

Để có đủ vốn xây dựng Vành đai 4 - TP. HCM, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gợi ý, chúng ta có khả năng tách dự án này riêng ra không, đừng đặt vào trong ngân sách chung quốc gia. Ví dụ như cho phát hành trái phiếu riêng của dự án này. Các tỉnh đi vay, sau này các tỉnh tự trả lại.

Mua bông tai Cartier nạm kim cương với  chỉ 13 USD do... lỗi đánh máy

Mua bông tai Cartier nạm kim cương với chỉ 13 USD do... lỗi đánh máy

(VNF) - Do lỗi đánh máy trên trang web của Cartier, đôi bông tai bằng vàng nạm kim cương trị giá 13.600 USD đã được một vị khách hàng may mắn mua lại với giá chỉ 13 USD.

Hình ảnh Cao tốc Vân Phong - Nha Trang 12.000 tỷ tăng tốc về đích trước 6 tháng

Hình ảnh Cao tốc Vân Phong - Nha Trang 12.000 tỷ tăng tốc về đích trước 6 tháng

(VNF) - Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng vốn đầu tư 11.808 tỷ đồng sau hơn 1 năm thi công đã đạt 50% giá trị hợp đồng. Hiện các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án trước 6 tháng.