Thúc đẩy tăng trưởng cuối năm: Khó trông vào chính sách tiền tệ

Kỳ Thư - 21/08/2023 08:20 (GMT+7)

(VNF) - Bình luận về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP. HCM, cho rằng từ nay đến cuối năm 2023, chính sách tiền tệ đã không còn nhiều dư địa để nới lỏng. Do đó, việc quan trọng hơn là đẩy mạnh chính sách tài khóa.

VNF
TS Nguyễn Hữu Huân

Theo TS Nguyễn Hữu Huân, từ nay đến cuối năm 2023, lãi suất điều hành sẽ không giảm nhiều, bởi dư địa của chính sách tiền tệ không còn lớn. Chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới, đặc biệt là Mỹ, đang hẹp lại (lãi suất của Mỹ khoảng 5%, lãi suất tại Việt Nam khoảng 6% - 7%/năm). Điều này có rủi ro là dòng vốn bị đảo chiều, gây bất lợi lên tỷ giá, lạm phát có thể quay trở lại.

- Nhưng chính sách tiền tệ đã và đang phát huy những tác động tích cực giúp hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thưa ông?

TS Nguyễn Hữu Huân: Chúng ta không phủ nhận hiệu quả, nhưng sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, có thể thấy chính sách tiền tệ đã bão hòa. Trước đây, việc giảm 1% lãi suất sẽ góp phần đẩy tăng trưởng kinh tế (GDP) lên 1% - 1,5%. Nhưng bây giờ, Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục giảm lãi suất thì cũng sẽ không tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế.

Vừa rồi, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã nói rõ về việc này. Theo đó, chính sách tiền tệ đã làm hết sức, hết khả năng, giờ có nới thêm cũng không mang lại quá nhiều lợi ích đối với việc thúc đẩy tăng trưởng. Lý do là các ngân hàng đang thừa vốn, nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, hay nói cách khác là cung - cầu không gặp được nhau. Như vậy, chính sách tiền tệ đã không còn nhiều dư địa để lới lỏng thì thúc đẩy chính tài tài khoá là giải pháp quan trọng giúp đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế.

- Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai các giải pháp tài khoá trong quá trình thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua?

Trong khi chính sách tiền tệ đang được thực hiện khá quyết liệt thì chính sách tài khóa đang vẫn chưa được thực thi đúng mức, bằng chứng là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn khá thấp so với kế hoạch đề ra đầu năm. Thủ tướng Chính phủ đã phải lên tiếng đôn đốc chỉ đạo để đẩy nhanh tốc độ này hơn với tinh thần ai không làm, sợ trách nhiệm thì đứng qua một bên.

Trong tình huống hiện tại, với đặc điểm một nền kinh tế có chế độ tỷ giá tương đối ổn định và có độ mở lớn như Việt Nam, theo mô hình Mulldel-Flemming, tôi cho rằng Chính phủ cần phải tập trung hơn nữa về chính sách tài khóa để giúp cho nền kinh tế phục hồi tốt hơn.

- Theo quan sát của ông, đâu đang là những rào cản cho việc mở rộng tài khóa?

Khó khăn nhất hiện nay vẫn là cơ chế trong việc giải ngân, bởi nếu giải ngân không đúng quy trình, quy định thì người thực hiện rất dễ vướng vào những rắc rối về pháp lý, trong khi nếu tuân thủ chặt chẽ thì tiến độ sẽ rất chậm và không thể đạt được mục tiêu đề ra. Chính vì thế, theo tôi, trong thời gian tới, Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt để giải quyết các nút thắt cổ chai này nhằm giúp việc giải ngân vốn diễn ra thuận tiện hơn, cũng như giúp các lãnh đạo, cán bộ yên tâm hơn trong việc thực thi chức trách của mình.

- Theo ông, thời gian tới, chính sách tài khoá có cần phải điều chỉnh gì thêm?

Theo tôi, chính sách tài khóa vẫn nên duy trì theo hướng nới lỏng, tăng chi tiêu chính phủ, giảm thuế, đặc biệt là cân nhắc giảm thêm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để kích thích và tăng tổng cầu trong nền kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần lưu ý về hiện tượng lấn át, tức là khi chi tiêu công tăng mạnh lại lấn át khu vực tư nhân dẫn đến cầu tư nhân giảm và hệ quả là tổng cầu không thay đổi (cầu khu vực công tăng nhưng cầu khu vực tư nhân lại giảm). Do vậy, bên cạnh đẩy mạnh chi tiêu công thì vẫn cần duy trì các chính sách hỗ trợ thuế, giảm thuế cho khu vực tư nhân để tiếp tục kích cầu ở khu vực này.

- Nhưng phần đông doanh nghiệp ở khu vực tư nhân hiện nay đang rất khó khăn…?

Đây là bài toán rất khó giải vì nếu chúng ta giảm các tiêu chuẩn về vay vốn để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn vay thì các ngân hàng phải gánh chịu rủi ro khi doanh nghiệp vay vốn có thể mất khả năng trả nợ vì tình hình kinh tế khó khăn. Hệ quả là nợ xấu của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng và gây rủi ro lớn lên hệ thống tài chính. Còn nếu vẫn duy trì chính sách cho vay như hiện tại thì lại không thể đưa được nguồn vốn ra nền kinh tế. Điều này có thể làm suy giảm tính hiệu quả của chính sách tiền tệ mở rộng hiện tại. Trong trường hợp này, các ngân hàng có thể cân nhắc về vấn đề có thể gia tăng tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo (như thay vì cho vay 70% thì có thể tăng lên mức 80%, 85%...) nhưng vẫn phải thẩm định kỹ khả năng trả nợ của doanh nghiệp như dòng tiền trong tương lai, các hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp, nói chung là tập trung thẩm định về khả năng trả nợ hơn là tài sản đảm bảo.

- Như ông đã phân tích, chính sách tiền tệ đã bắt đầu tới ngưỡng. Vậy, với những gì đã thực hiện, theo ông, trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất sẽ diễn biến ra sao?

Theo tôi, lãi suất cho vay sẽ bắt đầu giảm mạnh trong thời gian tới vì nguồn vốn giá rẻ đã bắt đầu về nhiều, tạo dư địa cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhanh hơn. Bên cạnh đó, hiện nay, hiện tượng thừa vốn cũng đang xảy ra ở các ngân hàng lớn, điều này buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất và đưa ra các chương trình khuyến mãi để gia tăng tốc độ giải ngân, tránh việc nguồn vốn dư thừa làm gia tăng chi phí hoạt động.

- Ông có khuyến nghị gì với doanh nghiệp và nhà nước trong bối cảnh hiện tại?

Nhà nước cần phải điều hành hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tránh để lệch pha hai chính sách này; ngoài ra, trước sức cầu thế giới yếu như hiện nay, cần tập trung nguồn lực và chính sách để đẩy mạnh cầu nội địa, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất cần làm quyết liệt hơn và mạnh hơn. Bên cạnh đó là việc tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn động trong nền kinh tế như thị trường trái phiếu, bất động sản để có thể thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.

Về phía doanh nghiệp, tôi cho rằng doanh nghiệp cũng phải tự cứu mình bằng cách đa dạng hóa nguồn thu nhập, tìm kiếm các thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống, song song với đó là phải thay đổi các chiến lược sản phẩm, hướng tới các sản phẩm xanh, bền vững để có thể tiếp cận được các thị trường khó tính trên thế giới trong bối cảnh suy giảm tổng cầu và mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.

Doanh nghiệp cũng cần áp dụng các công nghệ để nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu chi phí để có thể sống còn qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Lưu ý rằng chu kỳ kinh tế là điều không thể tránh khỏi ở mô hình kinh tế thế giới hiện tại, nên việc chúng ta có thể tồn tại qua giai đoạn khó khăn hiện tại sẽ giúp chúng ta gặt hái được nhiều trái ngọt ở giai đoạn phục hồi tiếp theo. Tôi nghĩ mục tiêu hiện tại của doanh nghiệp nên là tồn tại bằng mọi giá trước khi nghĩ đến những chiến lược xa hơn.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Chính phủ đặt mục tiêu có 10 tỷ phú USD, 5 doanh nhân quyền lực châu Á vào 2030

Chính phủ đặt mục tiêu có 10 tỷ phú USD, 5 doanh nhân quyền lực châu Á vào 2030

(VNF) - Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.

Samsung sẽ đầu tư 1 tỷ USD mỗi năm vào Việt Nam

Samsung sẽ đầu tư 1 tỷ USD mỗi năm vào Việt Nam

(VNF) - Thông tin này được ông Park Hark Kyu, Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Samsung cho biết tại buổi tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều 9/5.

Đi cà phê gặp tai nạn nguy kịch: Hé mở về ông chủ chuỗi The Coffee House

Đi cà phê gặp tai nạn nguy kịch: Hé mở về ông chủ chuỗi The Coffee House

(VNF) - Giông lốc kèm mưa đá gây vỡ kính tại địa điểm kinh doanh của The Coffee House đã khiến một nữ khách hàng bị đa chấn thương, hiện đang hôn mê và rất nguy kịch.

Công ty trí tuệ nhân tạo của Elon Musk sắp đạt định giá 18 tỷ USD

Công ty trí tuệ nhân tạo của Elon Musk sắp đạt định giá 18 tỷ USD

(VNF) - Công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo X.AI Corp (xAI) của tỷ phú Elon Musk chuẩn bị kết thúc vòng gọi vốn với mức định giá khoảng 18 tỷ USD ngay trong tuần này.

Đề xuất bổ sung thêm 1 Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Đề xuất bổ sung thêm 1 Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

(VNF) - Theo Bộ Tài chính, cần thiết phải xem xét, bổ sung thêm 01 Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn tới.

Chuyển động mới tại kho cảng LNG Cái Mép

Chuyển động mới tại kho cảng LNG Cái Mép

(VNF) - Với việc hợp tác chính thức cùng các đối tác ngoại đến từ Mỹ, Công ty TNHH Hải Linh cho biết dự án kho cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến vận hành từ tháng 9 năm nay.

Metro Nhổn - Ga Hà Nội bắt đầu khoan hầm ngầm từ quý II/2024

Metro Nhổn - Ga Hà Nội bắt đầu khoan hầm ngầm từ quý II/2024

(VNF) - Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội sẽ khởi động thi công máy khoan hầm TBM trong quý II/2024.

Nghịch cảnh ngành thép: Nhiều 'ông lớn' lãi đậm, có DN lỗ sâu trăm tỷ

Nghịch cảnh ngành thép: Nhiều 'ông lớn' lãi đậm, có DN lỗ sâu trăm tỷ

(VNF) - Đúng như dự báo của giới phân tích ở thời điểm đầu năm, hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ trong ngành thép nô nức báo lợi nhuận tăng trưởng hàng chục, hàng trăm phần trăm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ lại chưa thể vượt qua giai đoạn khó khăn của ngành thép.

Dư nợ trái phiếu bất động sản phát hành riêng lẻ hơn 350.000 tỷ đồng

Dư nợ trái phiếu bất động sản phát hành riêng lẻ hơn 350.000 tỷ đồng

(VNF) - Bộ Tài chính cho biết, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ của khối BĐS tại thời điểm ngày 5/3/2024 là 350.876 tỷ đồng. Ngoài ra, 8 năm qua, có 4 doanh nghiệp BĐS đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng là 2,18 tỷ USD.

Diện mạo 'đất vàng' khu Cao Xà Lá trước ngày chuyển đổi thành đô thị

Diện mạo 'đất vàng' khu Cao Xà Lá trước ngày chuyển đổi thành đô thị

(VNF) - "Cao Xà Lá" là tên viết tắt của loạt nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Tại khu vực này sẽ xây các khu đô thị mới với quy mô dân số dự kiến 46.000 người.