Siêu dự án hơn 1 tỷ USD dọc sông Hồng: 7 cảng, 6 nhà máy thủy điện

Hồ Mai - 05/05/2016 21:43 (GMT+7)

(VNF) - Công ty con Tập đoàn ThaiGroup của ông Nguyễn Đức Thụy đã đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện, đặt mục tiêu thúc đẩy giao thương với Trung Quốc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản trình Thủ tướng xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện trên sông Hồng theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành) do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn ThaiGroup (trước là Tập đoàn Xuân Thành, do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT) làm chủ đầu tư.

Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỷ USD (khoảng 24.500 tỷ đồng). Cơ cấu vốn gồm 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại, với lãi suất vay nội tệ là 9%/năm và lãi suất vay ngoại tệ là 4%/năm. 

Theo dự án này, chủ đầu tư Xuân Thiện sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai (dài 288 km) theo tiêu chuẩn cấp quy hoạch sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II) kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW.

Đồng thời, Xuân Thiện sẽ xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội tới Lào Cai bao gồm: cảng Phố Mới, Apatit, Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội). Địa điểm xây dựng thuộc các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và Hà Nội.

Nếu được Thủ tướng phê duyệt, dự án sẽ được xây dựng trong 6 năm, từ năm 2016 - 2021. Với nguồn thu chính là phí luồng tuyến (đoạn Việt Trì - Yên Bái thu từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/tấn; đoạn Yên Bái thu 40.000 - 45.000 đồng/tấn); bán điện (giá bán điện khởi đầu là 1.900 đồng/kWh và có lộ trình tăng giá lên tới 3.560 đồng/kWh),… nhà đầu tư kỳ vọng hoàn vốn dự án trong vòng 25 năm. 

Xuân Thiện đề xuất được hưởng một loạt các ưu đãi cho dự án như được Nhà nước hỗ trợ giá bán điện để bù giá thu phí vận tải và chi phí quản lý thu phí, duy tu bảo dưỡng công trình (5 năm đầu là 1.900 đồng/KWh, 5 năm tiếp theo là 2.380 đồng, các năm tiếp theo tối thiểu là 2.970-3.560 đồng/KWh). Doanh nghiệp cũng mong muốn được miễn tiền thuế sử dụng đất, miễn thuế tài nguyên nước và thuế dịch vụ môi trường rừng, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm hoàn vốn...

Dự án có mục tiêu kép là cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải đường thủy xuyên Á trên sông Hồng, trên cơ sở kết nối hai tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng - Việt Trì và Hà Nội - Lạch Giang; cung cấp lượng điện năng lên tới 0,91 tỷ kWh/năm.

Xuân Thiện cho rằng siêu dự án này sẽ mở ra một tuyến vận tải thuỷ thông suốt giữa miền núi và đồng bằng, góp phần tăng cường giao lưu phát triển kinh tế miền núi, giảm bớt quá tải cho hệ thống giao thông chung, giảm bớt cước phí vận tải, giảm tai nạn giao thông. Đồng thời, dự án là tiền đề thúc đẩy phát triển các ngành liên quan đến vận tải thuỷ như phát triển các cảng, bến thuỷ, các xưởng sửa chữa, đóng mới phương tiện thuỷ. Dự án sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên các đơn vị liên quan, đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, chủ đầu tư nhấn mạnh dự án sẽ giúp tăng cường giao lưu thương mại, vận tải xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc); đồng thời không gây ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, đảm bảo yêu cầu về quan hệ quốc tế, biên giới, an ninh với Trung Quốc.

Theo chủ đầu tư này, dự án nằm trên địa bản tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, có 31 xã ở Lao Cai và Yên Bái nằm trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp do công trình đập dâng nước, âu tàu và thủy điện của dự án. Khu vực địa bàn tỉnh Phú Thọ mức độ ảnh hưởng không đáng kể.

Cụ thể, dự án ước tính có 120 hộ dân (khoảng 600 người dân) sẽ bị di dời do nằm trong phạm vi xây dựng công trình dự án. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 120 ha (gồm đất ở, đất trồng cây hàng năm, đất vườn, ao, rừng); trong đó đất nông nghiệp là 96 ha. Các hộ bị ảnh hưởng phần lớn là người Kinh sống ổn định từ lâu đời, 5% số hộ 1à dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Dao).

Bên cạnh đó, mực nước dâng tại các vị trí đập thiết kế luôn thấp hơn mực nước lũ hàng năm, do đó ít ảnh hưởng ngập lụt, không ảnh hưởng đến môi trường và hầu như không làm thay đổi so với hiện trạng.Việc đầu tư xây dựng kè bờ, nạo vét, chỉnh trị tuyến luồng tàu sẽ góp phần làm giảm tình trạng xói lở bờ sông, chống mất đất, đảm bảo an toàn các công trình dân sinh, kinh tế ven sông. Nhà đầu tư này đánh giá: "Những tác động của dự án đến môi trường đã được đánh giá sơ bộ cho thấy tác động tiêu cực đến môi trường là không lớn và có thể giảm thiểu".

Trước đó, ngày 8/12/2015, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ dự án, lập báo cáo thẩm định và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án trên.

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều 5/5, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết dự án này "mới ở bước rất sơ khai, mới đề xuất ban đầu". Tuy nhiên, với nhận thức dự án quan trọng này có ảnh hưởng tới môi trường, Bộ KH&ĐT đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan.

"Chúng tôi đã nhận được một số ý kiến có sự đồng thuận khá cao của các bộ, ngành, địa phương, nhưng đây mới chỉ là ở mức báo cáo Thủ tướng cho phép chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu dự án. Muốn đầu tư dự án, còn phải qua ít nhất 2 bước nữa. Trước hết là các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án. Sau khi phê duyệt đề xuất dự án xong, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập báo cáo nghiên cứu khả thi và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và khi đó nhà đầu tư mới được đầu tư", ông nói.

Đại diện này cũng cho hay đối với các nhà đầu tư, "chúng ta rất khuyến khích các đề xuất sáng kiến của họ, nhưng không có nghĩa một khi đề xuất là anh được lựa chọn làm nhà đầu tư. Quá trình lựa chọn nhà đầu tư phải qua quy định của Luật Đấu thầu, theo quy định của Nghị định 15 về PPP".

"Chúng tôi đã bước đầu báo cáo Chính phủ. Dự án này kéo dài từ Lào Cai suốt dọc sông như vậy, ảnh hưởng khá nhiều đến Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Và đặc biệt cần tính rất kỹ vấn đề thủy văn, thủy lợi, vấn đề xói lở hai bờ sông ra sao, xây dựng những đập dâng nước ở vị trí nào, địa chất ra sao, vấn đề mua bán điện thế nào… tất cả những vấn đề đó còn bỏ ngỏ.  Tất cả những vấn đề như vậy hiện nay dự án mới đề xuất ý tưởng ban đầu. Những vấn đề môi trường mà nhà báo quan tâm là hoàn toàn chính đáng và chỉ có thể giải quyết được ở giai đoạn sau", ông Tự nói.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Đối tác Việt Nam - Nhật Bản, nỗ lực sớm hiện thực hoá Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội

Đối tác Việt Nam - Nhật Bản, nỗ lực sớm hiện thực hoá Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội

(VNF) - Lãnh đạo các cơ quan chính phủ Nhật Bản gần đây liên tục có các chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội, một liên doanh giữa Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG (Việt Nam), nhằm sớm hiện thực hóa dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội.

'Ông lớn' Alibaba dự kiến chi hơn 1 tỷ USD xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

'Ông lớn' Alibaba dự kiến chi hơn 1 tỷ USD xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

(VNF) - Theo Nikkei Asia đối tác của Alibaba trong đầu tư xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là Viettel và VNPT.

Ông Trần Thanh Mẫn điều hành Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ

Ông Trần Thanh Mẫn điều hành Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ

(VNF) - Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội, được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.

Ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành Quốc hội

Ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành Quốc hội

(VNF)- Ủy viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế VAT 6 tháng cuối năm 2024

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế VAT 6 tháng cuối năm 2024

(VNF) - Theo tính toán của Chính phủ, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2024 sẽ làm giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Xoá nợ của Pacific Airlines, Vietnam Airlines lãi kỷ lục 4.300 tỷ

Xoá nợ của Pacific Airlines, Vietnam Airlines lãi kỷ lục 4.300 tỷ

(VNF) - Kết thúc quý I/2024, Vietnam Airlines lãi ròng 4.334 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 103 tỷ đồng. Đây là khoản lãi kỷ lục mà doanh nghiệp này ghi nhận trong một quý kể từ khi thành lập.

Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ

Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ

(VNF) - Chiều 2/5, Quốc hội đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ.

Vinmec nhận 4 giải thưởng quốc tế về trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững

Vinmec nhận 4 giải thưởng quốc tế về trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững

Hệ thống Y tế Vinmec vừa nhận 4 giải quốc tế cho 4 hạng mục lớn: “Doanh nghiệp tốt nhất tại Việt Nam”, “Doanh nghiệp vì cộng đồng tốt nhất”, “Doanh nghiệp trao quyền cho phụ nữ” và “Nơi làm việc tốt nhất” trong khuôn khổ Hội nghị CSR và ESG toàn cầu lần thứ 16.

Ngày 3/5, tiếp tục đấu thầu vàng miếng

Ngày 3/5, tiếp tục đấu thầu vàng miếng

(VNF) - Sáng mai (3/5), Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng, với khối lượng 16.800 lượng vàng miếng SJC, giá tham chiếu để tính đặt cọc lên 82,9 triệu đồng/lượng.

Lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến, OECD nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu

Lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến, OECD nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu

(VNF) - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong báo cáo mới nhất, dựa trên những dấu hiệu sáng sủa hơn về lạm phát và nhu cầu, mặc dù tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức khiêm tốn.

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

(VNF) - Nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên có chiều dài 163km, trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98,3km và đoạn La Sơn - Hoà Liên dài khoảng 64,9km.