Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food: ‘Phụ nữ có nhiều lợi thế khi kinh doanh thực phẩm’

Hà Hoàng - 19/10/2020 17:16 (GMT+7)

(VNF) - Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food (Sài Gòn Food) - người gắn bó với công ty từ những ngày đầu tiên và kiên trì cùng đội ngũ vượt qua thăng trầm, khó khăn để đứng vững tại thị trường nội địa. Bà cũng từng chia sẻ: “Trong kinh doanh, thách thức chính là cơ hội".

VNF
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food.

- Bà có thể chia sẻ về cơ duyên đã khiến bà gắn bó với Sài Gòn Food?

Trước Sài Gòn Food, tôi đã từng có một thời gian dài làm việc trong ngành thực phẩm nhưng tại công ty với vai trò là đơn vị xuất khẩu, không cung cấp cho thị trường nội địa.

Khi sản xuất những sản phẩm xuất khẩu, chúng tôi làm theo yêu cầu, đơn đặt hàng của khách hàng, không làm công việc sáng tạo nhiều. Điểm hạn chế là chúng tôi không có cơ hội được làm việc, kinh doanh trực tiếp với người tiêu dùng. Với mong muốn có thể dùng sự sáng tạo của mình để làm nên những sản phẩm chất lượng tốt, phục vụ người tiêu dùng Việt Nam, khi gặp người có cùng tâm huyết, tôi nhận lời ngay.

Vốn là một người thích sáng tạo, nên từ khi làm việc Sài Gòn Food, tôi thoả sức thực hiện đam mê, phát huy được hết khả năng của mình. Đây là nơi tôi có thể thể hiện hết sự sáng tạo trong ngành thực phẩm. Bản thân tôi thấy vui vì tại nơi đây tôi có thể cống hiến hết sức mình. Đó là lý do tôi gắn bó với Sài Gòn Food từ thời điểm sáng lập cho tới hiện tại.

- Trong quá trình lãnh đạo doanh nghiệp, thách thức lớn nhất bà gặp phải là gì?

Không riêng ở Sài Gòn Food, trong suốt gần 40 năm làm việc, tôi thấy những khó khăn về thương trường, thị trường thường không có quá nhiều lo ngại. Những vấn đề này không khiến tôi mất thời gian, công sức, tâm tư bằng những vấn đề có liên quan đến nội bộ, gồm cách con người hành xử, làm việc với nhau.

Khi xảy ra bất đồng, mâu thuân sẽ khiến không chỉ người trong cuộc mà ngay cả ban lãnh đạo cũng hao tâm tổn trí, mất năng lượng nhiều nhất. Theo tôi đây là tình hình chung mà nhiều tổ chức, doanh nghiệp vẫn thường gặp phải.

Ở Sài Gòn Food, vào những thời điểm giao thời, chuyển đổi, cũng có những vấn đề xảy ra tuy nhiên không phải là vấn đề lớn lớn và tôi vẫn giải quyết được.

Thời điểm năm 2016 là thời điểm thay đổi lớn nhất của Sài Gòn Food. Công ty thay đổi chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc. Kéo theo đó là sự thay đổi về chiến lược kinh doanh.

Thời điểm đó, mất một thời gian mệt mỏi, lao đao với những suy nghĩ không tích cực, tôi mới vượt qua. Tuy nhiên tôi vẫn không thể phủ nhận nội bộ là vấn đề gây nhiều ảnh hưởng và khó khăn nhất. Trong khi đó, tất cả những vấn đề về thị trường, nguồn cung, tài chính, kinh doanh… đều có cách giải quyết.

- Chắc hẳn qua thời gian dài, giải quyết nhiều vấn đề, bà cũng đã rút ra cho mình được kinh nghiệm. Bà có thể chia sẻ không?

Cũng có người từng nói với tôi như vậy và hỏi thêm rằng sao tôi không rời Sài Gòn Food, sao không mở công ty riêng khi tôi dư sức, thay vì cứ làm việc ở Sài Gòn Food.

Theo tôi, bất cứ ai, khi gặp phải vấn đề đều cần bình tâm định hướng lại rõ mục tiêu ban đầu của mình là gì? Những lúc khó khăn, bế tắc nhất, chỉ cần bản thân nhớ đến mục tiêu chính thì sẽ có cách giải quyết. Nếu không có mục tiêu, bản thân sẽ thiếu tập trung và mất định hướng.

Giai đoạn chuyển đổi, Sài Gòn Food gặp khó khăn khi cách quản trị khác nhau, nhiều nhân sự mới. Khi đó, giữa người mới - người cũ không quen cách làm việc, hành xử với nhau, nội bộ cũ - mới lục đục. Tuy không đấu đá, tranh giành quyền lợi của nhau nhưng từ văn hoá, năng lực, cách quản lý hệ thống khác nhau cũng khiến cho những người dù làm một công việc vẫn không thể bắt nhịp được.

Tuy nhiên, sau khi định hướng lại mục tiêu, những vấn đề nội bộ dần được tháo gỡ, tất cả các khó khăn trong kinh doanh, sản xuất theo đó đều được giải quyết.

Theo bà Thanh Lâm - Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food, trong kinh doanh, thách thức chính là cơ hội.

- Theo bà, điểm mạnh của nữ doanh nhân trong ngành kinh doanh thực phẩm là gì?

Tôi cho rằng nếu phụ nữ làm việc về ngành thực phẩm sẽ có rất nhiều lợi thế bởi khi đó, họ thể hiện được 2 vai trò người bán – người mua và nhất định họ sẽ thực hiện rất tốt.

Những người phụ nữ này sẽ am hiểu nhu cầu, tâm lý, mong muốn của khách hàng. Khi phụ nữ là lãnh đạo cũng sẽ nhẹ nhàng, tinh tế, gần gũi hơn.

Đặc biệt, ngành kinh doanh thực phẩm cũng là ngành cần có bàn tay khéo léo, tinh tế. Do vậy, phụ nữ càng có ưu thế.

Lâu nay, nhiều quan điểm vẫn cho rằng muốn ký được hợp đồng, thoả thuận công việc, làm ăn phải có tiệc tùng, phải có ăn uống, nhậu nhẹt, chiêu đãi khách,… Nhiều người vẫn nói với tôi rằng như vậy thì đàn ông mới có lợi thế, phụ nữ thì không. Tôi lại cho rằng điều đó không đúng, bởi khi đàn ông uống, nói chuyện, tôi là phụ nữ sẽ lắng nghe trong sự tỉnh táo. Tôi cho rằng đấy cũng là một điểm thuận lợi nữa của phụ nữ.

Thực sự không chỉ riêng ngành thực phẩm, ở nhiều ngành nghề khác, phụ nữ đều có rất nhiều lợi thế. Nếu đã thấy được lợi thế của mình, phụ nữ chỉ cần xác định việc làm thế nào để tạo ra hiệu quả nhanh nhất là có thể thành công rồi.

- Người làm kinh doanh thì luôn bận rộn, vậy bà cân đối thời gian dành cho gia đình, bản thân và công việc như thế nào?

Ai cũng có 24 giờ đồng hồ như nhau, vấn đề là mình cân đối thế nào cho phù hợp. Khi tôi còn trẻ, chăm con nhỏ, thời điểm đó tôi đã kịp tập cho con cái mình thói quen sống tự lập. Hiện tại tôi vẫn thấy có nhiều người, nhiều gia đình chăm con và cưng chiều con quá mức, tôi không đồng ý với quan điểm này.

Theo tôi thấy, nhiều phụ nữ dù quan điểm bình đẳng nhưng chỉ là bình đẳng ngoài xã hội, khi về nhà họ vẫn đảm nhiệm tất cả việc nội trợ, việc không tên về chăm sóc con cái, nhà cửa, đối nội, đối ngoại trong gia đình. Tất cả đều một tay phụ nữ, 80% công việc gia đình gần như là phụ nữ đảm nhiệm. Chính điều đó khiến phụ nữ rất bận rộn.

Đối với tôi, không chỉ đàn ông cần phải thấu hiểu mà phụ nữ cũng cần phải thoát ra khỏi suy nghĩ này. Cần có sự phân công công việc hợp lý ngay trong gia đình mình.

Ngay tại gia đình tôi, tôi vẫn tự nhắc bản thân rằng ở công ty, mình lãnh đạo hàng nghìn người, vậy một tổ ấm chỉ có 5-7 người, mình càng cần phải làm tốt hơn.

Do vậy đôi khi tôi áp dụng một số cách quản trị ở doanh nghiệp ngay trong gia đình mình. Tôi lấy phương pháp cân bằng trong công việc và áp dụng những kinh nghiệm hay, phù hợp để áp dụng trong gia đình.

Không chỉ cân bằng công việc, gia đình mà tôi cũng cân bằng cho chính bản thân mình. Theo tôi, trong cuộc sống, việc cân bằng phải bao gồm 3 yếu tố: bản thân, gia đình và công việc.

Tất nhiên ở mỗi thời điểm, thời gian khác nhau, công việc khác nhau sẽ áp dụng cách cân bằng khác nhau. Việc cân bằng phải phù hợp từng giai đoạn, từng lứa tuổi, từng thời điểm.

Xin cảm ơn bà!

Sài Gòn Food được thành lập vào ngày 18/7/2003 với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Hải sản SG (SG FISCO). Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thủy hải sản đông lạnh và thực phẩm chế biến cung cấp cho thị trường xuất khẩu và nội địa.

Sau 6 tháng hoạt động, SG FISCO mua nhà máy tại KCN Vĩnh Lộc có diện tích xây dựng 5.000 m2 với 300 công nhân.

Năm 2011 đánh dấu bước ngoặt của Sài Gòn Food khi đổi tên công ty từ Công ty Cổ phần Hải Sản SG (SG FISCO) sang Công ty Cổ phần Sài Gòn Food.

Hiện tại, Sài Gòn Food có quy mô hơn 2.000 lao động với 5 nhà máy hoạt động thường xuyên trên diện tích 33.000m2 tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc - TP.HCM, mỗi năm Sài Gòn Food cung ứng ra thị trường hơn 20.000 tấn thành phẩm.

Về xuất khẩu, Sài Gòn Food cung cấp hơn 50 mặt hàng đông lạnh cao cấp cho thị trường khó tính Nhật Bản.

Tại thị trường nội địa, Sài Gòn Food nổi tiếng với các dòng sản phẩm chế biến như thực phẩm đông lạnh, cháo tươi dành cho mọi lứa tuổi và mới đây là ngành hàng bữa ăn tươi. Đối tác của Sài Gòn Food là các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trong và ngoài nước.

Năm 2019, Sài Gòn Food đạt tổng doanh thu 2.400 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2020 tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Bitcoin và ETF 'lên ngôi', sàn giao dịch hàng đầu nước Mỹ thu lợi nhuận trên 1 tỷ USD

Bitcoin và ETF 'lên ngôi', sàn giao dịch hàng đầu nước Mỹ thu lợi nhuận trên 1 tỷ USD

(VNF) - Sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase Global đã công bố lợi nhuận hơn 1 tỷ USD trong quý I, khi sự phấn khích xung quanh việc cấp phép ETF Bitcoin đã kích thích lượng giao dịch tiền điện tử tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm.

IMF: Kinh tế Nga giảm xuống đáy trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 5 của ông Puin

IMF: Kinh tế Nga giảm xuống đáy trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 5 của ông Puin

(VNF) - Ước tính mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tỷ trọng của nền kinh tế Nga trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm trong nhiệm kỳ thứ 5 của Tổng thống Vladimir Putin và xuống mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô tan rã.

Đón đọc Đặc san 'Toàn cảnh Tài chính số 2024' của Tạp chí Đầu tư Tài chính

Đón đọc Đặc san 'Toàn cảnh Tài chính số 2024' của Tạp chí Đầu tư Tài chính

(VNF) - Với chuyên đề đặc biệt mang tên “Bàn tròn AI”, Đặc san Toàn cảnh Tài chính số 2024 không chỉ kỳ vọng giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cách mà AI đang làm thay đổi ngành tài chính - ngân hàng mà rộng hơn là gợi mở cách tiếp cận, cách tư duy, cách hành động mới trong một thế giới mà AI thâm nhập ngày càng sâu vào đời sống con người.

'Mở đường' chấm điểm tín dụng

'Mở đường' chấm điểm tín dụng

(VNF) - Theo TS Châu Đình Linh, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM, hoạt động chấm điểm tín dụng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro vỡ nợ và hướng đến an toàn tín dụng.

Địa ốc Mai Viên: DN chỉ có 5 lao động, lãi đột biến gấp 14 lần

Địa ốc Mai Viên: DN chỉ có 5 lao động, lãi đột biến gấp 14 lần

(VNF) - Mặc dù tổng số lao động theo đăng ký chỉ là 5 người, nhưng Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Mai Viên (MVJ) lại trình diễn một màn kinh doanh ngoạn mục, đặc biệt là trong bối cảnh năm 2023 thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn.

Thủ tướng yêu cầu: Thanh tra ngay các DN vàng, công an vào cuộc xử lý sở hữu chéo ngân hàng

Thủ tướng yêu cầu: Thanh tra ngay các DN vàng, công an vào cuộc xử lý sở hữu chéo ngân hàng

(VNF) - Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng; tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý.

Giá vàng 'nhảy vọt', vượt trên 85 triệu/lượng trước phiên đấu thầu lần thứ 4

Giá vàng 'nhảy vọt', vượt trên 85 triệu/lượng trước phiên đấu thầu lần thứ 4

(VNF) - Giá vàng SJC tiếp tục vượt mốc 85 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng nhẫn lại không có nhiều biến động trước phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 4 của Ngân hàng Nhà nước.

Lãi suất thấp, bất động sản rủi ro... chuyển hướng mua chứng chỉ quỹ

Lãi suất thấp, bất động sản rủi ro... chuyển hướng mua chứng chỉ quỹ

(VNF) - Trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm liên tục “dò đáy”, thị trường bất động sản chưa có nhiều khởi sắc, nhiều nhà đầu tư trong nước đang dần chuyển hướng sang các sản phẩm tài chính sinh lời khác, trong đó phải kể đến chứng chỉ quỹ mở.

‘Lao đao’ vì cấm vận, gã khổng lồ năng lượng Nga lỗ ròng lần đầu sau 23 năm

‘Lao đao’ vì cấm vận, gã khổng lồ năng lượng Nga lỗ ròng lần đầu sau 23 năm

(VNF) - Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom đã báo cáo khoản lỗ ròng hàng năm đầu tiên kể từ năm 1999 do xuất khẩu khí đốt sang châu Âu giảm mạnh và giá nhiên liệu thấp.

Nhà sản xuất show 'Chị đẹp đạp gió rẽ sóng' lãi gấp 3 lần trong quý I

Nhà sản xuất show 'Chị đẹp đạp gió rẽ sóng' lãi gấp 3 lần trong quý I

Kết thúc quý đầu năm 2024, CTCP Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG) - nhà sản xuất show “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” - ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với hơn 73 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 21% và hơn 17 tỷ đồng lãi ròng, gấp 4.2 lần cùng kỳ.

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

(VNF) - Nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên có chiều dài 163km, trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98,3km và đoạn La Sơn - Hoà Liên dài khoảng 64,9km.