Nước ngoài mạnh tay chi tỷ USD thâu tóm công ty tài chính Việt

Hồng Hạnh - 15/12/2023 22:58 (GMT+7)

(VNF) - Trong bối cảnh thị trường tài chính tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, thách thức thì các nhà đầu tư nước ngoài lại đẩy mạnh thâu tóm các công ty tài chính Việt Nam. Hàng tỷ USD được chi ra cho kỳ vọng về “con gà đẻ trứng vàng” trong tương lai.

VNF
Ảnh minh hoạ

Thương vụ tỷ USD

Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục chứng kiến các thương vụ M&A giữa các “ông lớn” nước ngoài với các tổ chức trong nước. Trong đó, có những công ty tài chính đang chiếm thị phần lớn nhưng các ngân hàng Việt vẫn quyết bán đứt.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã bán 100% vốn góp tại Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) cho Công ty AEON Financial Service, thành viên của AEON Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản. Thương vụ này có giá trị 4.300 tỷ đồng.

Vào tháng 6/2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) hoàn tất chuyển nhượng 50% cổ phần SHB Finance cho Krungsri Bank. Trong 3 năm tiếp theo, SHB sẽ chuyển nhượng toàn bộ 50% cổ phần đang nắm giữ còn lại cho Krungsri Bank. Tổng giá trị thương vụ được ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.

Trước đó, MB và HDBank cũng đã bán 49% công ty tài chính trực thuộc cho Shinsei Bank và Tập đoàn Saison Nhật Bản.

Thương vụ lớn nhất là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chuyển nhượng 49% vốn điều lệ Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho công ty con thuộc SMBC Group (Nhật Bản). Thương vụ này đã mang về cho VPBank gần 32.000 tỷ đồng.

Trước đó, vào năm 2018, Công ty TNHH Lotte Card (Hàn Quốc) đã chi gần 1.700 tỷ đồng mua lại Công ty Tài chính TNHH MTV Kỹ thương (TechcomFinance) từ Techcombank.

Theo nguồn tin của Reuters, Kasikornbank (KBank), ngân hàng lớn thứ hai của Thái Lan, đang đàm phán để mua lại công tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam. Thỏa thuận này dự báo có giá trị lên tới 1 tỷ USD.

MSB cũng đã công bố kế hoạch bán 100% vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng Đồng (FCCOM) cho đối tác ngoại. Vào cuối năm 2021, lãnh đạo MSB cho biết thương vụ chuyển nhượng FCCOM có giá trị trên 2.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng bán công ty tài chính là “một mũi tên trúng nhiều đích”, vừa thu về một khoản tiền lớn để nâng cao năng lực tài chính, vừa chia sẻ rủi ro.

Việc thoái vốn khỏi các công ty tài chính không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn, giúp ngân hàng gia tăng hệ số an toàn vốn mà còn tập trung vào những mảng kinh doanh cốt lõi, hạn chế sự chồng chéo trong chiến lược phát triển kinh doanh, khi nhiều ngân hàng vẫn phát triển mảng bán lẻ cho khách hàng hộ gia đình, cá nhân và gia tăng mảng ngân hàng số để phục vụ nhóm khách hàng này.

Ông Đỗ Quang Vinh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc SHB chia sẻ, việc chuyển nhượng vốn cho Krungsri sẽ mang lại nguồn thặng dư đáng kể cho cổ đông SHB, tạo thêm nguồn lực để ngân hàng tiếp tục tăng cường năng lực tài chính và các yếu tố nền tảng, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm, đặc biệt đẩy mạnh đầu tư hơn nữa cho quá trình chuyển đổi số…

Với các tập đoàn tài chính hàng đầu châu Á, việc đầu tư vào các công ty tài chính là bước đi để mở rộng tầm ảnh hưởng tại Việt Nam. Mua bán, sáp nhập công ty tài chính được dự báo sẽ gia tăng trong bối cảnh thị trường cho vay tiêu dùng còn nhiều khó khăn.

Giữa sóng gió vẫn hấp dẫn vốn ngoại

Vài năm trước, cho vay tiêu dùng từng được xem là “con gà đẻ trứng vàng” với mức tăng trung bình trên 20% mỗi năm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, tài chính tiêu dùng phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, kinh tế khó khăn… khiến nhu cầu vay vốn của khách hàng sụt giảm mạnh, chất lượng tài sản đi xuống, nhiều khách hàng không có khả năng trả và bùng nợ. Không ít công ty tài chính có nợ xấu tăng nhanh, phải thu hẹp quy mô hoạt động, thậm chí thua lỗ nặng.

Khó khăn của công ty tài chính phản ánh rõ trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023. 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của một số công ty tài chính sụt giảm mạnh, từ 30 - 80%, thậm chí tới hơn 300% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, nợ xấu của 16 công ty tài chính tiêu dùng vào cuối năm 2022 đã tăng hơn 23% so với năm trước đó.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, khó khăn chỉ là nhất thời, tín dụng tiêu dùng là mảng tiềm năng chưa được khai phá hết. Với dân số hơn 100 triệu người và tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng ở mức thấp… nên đây là một mảnh đất đầy tiềm năng. Các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, có tiềm lực và công nghệ sẽ khai thác tốt hơn thị trường này. Và mua bán, sáp nhập là con đường duy nhất để thâm nhập thị trường. Khó khăn hiện tại của thị trường lúc này chính là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư.

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển nhìn nhận, tùy vào từng chiến lược hoạt động kinh doanh của tổ chức tài chính mà họ quyết định thoái vốn, chuyển nhượng phần vốn góp ở các công ty tài chính. Bối cảnh trước mắt là khó khăn nhưng với những tổ chức tài chính quốc tế thì Việt Nam vẫn là thị trường cho vay tiêu dùng rất tiềm năng về dài hạn.

Còn theo đánh giá của KBank, Việt Nam là một thị trường tiềm năng, dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh, ước tính hơn 69% dân số không có tài khoản ngân hàng, mức cao nhất trong khu vực châu Á.

Các nhà đầu tư nước ngoài khi thâm nhập thị trường tài chính Việt Nam đều có những “vũ khí” rất riêng có thể khai phá mạnh hơn thị trường đầy tiềm năng này. Chẳng hạn, KBank đang áp dụng giải pháp KBank Biz Loan - một dịch vụ tín dụng dành cho các cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ. Nếu thương vụ mua lại Home Credit thành công, KBank sẽ có thêm cơ hội để thúc đẩy các dịch vụ tài chính cho các khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh tại Việt Nam. Còn với việc mua lại PTF, AEON cũng sẽ mở rộng cơ hội tăng tốc mảng mua trước trả sau tại Việt Nam.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, tổ chức tài chính nước ngoài thường có nguồn vốn dài hạn và họ không tìm kiếm nguồn lợi nhuận nhanh mà quan tâm tính bền vững nên họ sẵn sàng rót vốn vào những công ty tài chính tiêu dùng của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công an với đại tướng Tô Lâm

Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công an với đại tướng Tô Lâm

(VNF) - Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an đối với đại tướng Tô Lâm để bầu ông vào vị trí Chủ tịch nước.

Cập nhật tiến độ tăng vốn của nhóm Big4 ngân hàng

Cập nhật tiến độ tăng vốn của nhóm Big4 ngân hàng

(VNF) - Chính phủ vừa cập nhật tiến độ tăng vốn điều lệ của nhóm Big4. Việc tăng vốn điều lệ của nhóm này so với nhóm tư nhân lại diễn ra với tốc độ tương đối chậm.

Trung Quốc bơm 42 tỷ USD giải cứu bất động sản, vẫn không ăn thua?

Trung Quốc bơm 42 tỷ USD giải cứu bất động sản, vẫn không ăn thua?

(VNF) - Gói giải cứu lớn chưa từng thấy lên tới gần 42 tỷ USD được nhiều chuyên gia đánh giá là chưa đủ để có thể vực dậy thị trường bất động sản Trung Quốc, vốn đã khủng hoảng trong gần 3 năm.

Bốn trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán tại ngân hàng

Bốn trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán tại ngân hàng

(VNF) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; trong đó quy định rõ các trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán.

ĐBQH đề xuất đổi tên cao tốc 2 làn xe thành 'đường tốc độ cao'

ĐBQH đề xuất đổi tên cao tốc 2 làn xe thành 'đường tốc độ cao'

(VNF) - Để đảm bảo an toàn giao thông, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng phải đổi tên cao tốc phân kỳ nhằm tách biệt cách thức quản lý, tổ chức giao thông so với cao tốc đạt chuẩn.

Horizon của 'đại gia' Nguyễn Quốc Hiển: Lỗ triền miên, chậm trả nợ trái phiếu

Horizon của 'đại gia' Nguyễn Quốc Hiển: Lỗ triền miên, chậm trả nợ trái phiếu

(VNF) - 3 năm gần nhất, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại và Đầu tư Horizon liên tục báo lỗ, với số lỗ ngày một nghiêm trọng.

Vụ Vạn Thịnh Phát: 11 chiếc đồng hồ của Trương Huệ Vân bị tạm giữ

Vụ Vạn Thịnh Phát: 11 chiếc đồng hồ của Trương Huệ Vân bị tạm giữ

(VNF) - Phần lớn các tài sản bị kê biên, phong tỏa, tạm giữ đều nhằm đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn cho các bị cáo ở giai đoạn 1 vụ án.

Đề nghị miễn, giảm phí nhân Ngày tiền mặt 2024

Đề nghị miễn, giảm phí nhân Ngày tiền mặt 2024

(VNF) - Để thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị miễn, giảm phí dịch vụ, tặng quà, hoàn tiền… cho khách hàng khi mở thẻ, tài khoản thanh toán dịp Ngày không tiền mặt 2024.

Nợ chất cao, lãi nhỏ nhoi, Quốc Cường Gia Lai muốn bán 2 nhà máy thủy điện

Nợ chất cao, lãi nhỏ nhoi, Quốc Cường Gia Lai muốn bán 2 nhà máy thủy điện

(VNF) - Quyết định chuyển nhượng 2 nhà máy thuỷ điện được Quốc Cường Gia Lai đưa ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa và doanh nghiệp vẫn đang dính líu nợ nần liên quan đến đại án Vạn Thịnh Phát.

'Đùn đẩy trách nhiệm, vừa làm vừa nghe ngóng'... xác định giá đất bị tắc nghẽn

'Đùn đẩy trách nhiệm, vừa làm vừa nghe ngóng'... xác định giá đất bị tắc nghẽn

(VNF) - TP. HCM có gần 80.000 nền đất và căn hộ chung cư chưa được cấp giấy chứng nhận do cơ quan chức năng khó mời đơn vị tư vấn, thẩm định giá đất, gây ách tắc trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thất thu ngân sách và kéo theo nhiều hệ lụy.

Hoang lạnh khu biệt thự gần 400 tỷ cạnh bãi biển Hà Tĩnh

Hoang lạnh khu biệt thự gần 400 tỷ cạnh bãi biển Hà Tĩnh

(VNF) - Được đầu tư hơn 370 tỷ đồng trên diện tích đất cấp hơn 3,5 ha cạnh bãi biển Xuân Hải (Hà Tĩnh). Sau gần 5 năm triển khai, dự án Tổ hợp du lịch, khách sạn, nhà hàng và khu vui chơi giải trí biển Lộc Hà (thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn chưa thể hoàn thành mà trở nên ngổn ngang, nhếch nhác bên bãi biển.