Ngân hàng tuần qua: Nỗi lo dân găm giữ USD, chuyển tài sản VND sang ngoại tệ

Hải Đường - 12/11/2022 23:46 (GMT+7)

(VNF) - Lãi suất không kỳ hạn được tăng lên 1%/năm, trong khi tỷ giá USD/VND lần đầu tiên trong 2022 giảm; Chính phủ cảnh báo và yêu cầu hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ... là những diễn biến đáng chú ý của ngân hàng tuần qua.

VNF

Danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ: Rút tên Việt Nam, theo dõi Trung Quốc

Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi thông tin về việc Việt Nam không còn nằm trong Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ của Mỹ.

Theo đó, ngày 10/11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Theo Báo cáo, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ.

Báo cáo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ tháng 11 tiếp tục xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính dựa trên cơ sở ba tiêu chí về: thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ; thặng dư cán cân vãng lai; và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

Trong Báo cáo kỳ này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa 7 nền kinh tế vào Danh sách giám sát, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Xing-ga-po, Ma-lai-xi-a và Đài Loan. Thuỵ Sĩ vẫn vượt ngưỡng cả 3 tiêu chí nêu trên và Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện tiếp xúc và phân tích nâng cao. Đồng thời, Bộ Tài chính Hoa Kỳ kết luận không có đối tác thương mại lớn nào của Hoa Kỳ thao túng tiền tệ trong khoảng thời gian từ tháng 7/2021 – 6/2022.

Liên tiếp trong 2 kỳ báo cáo, Việt Nam chỉ vượt ngưỡng 1 tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Hoa Kỳ, do đó đã được Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra khỏi Danh sách giám sát.

>>> Xem thêm: Danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ: Rút tên Việt Nam, theo dõi Trung Quốc

Ngân hàng chịu chi: Mỗi tháng nhân viên kiếm về 190 triệu, trả lương 44 triệu

Đa số ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022. Trong đó, thông tin được nhiều người quan tâm là lương/thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên trong ngành này.

Số liệu trên báo cáo tài chính, mức thu nhập ngành ngân hàng trong 9 tháng đầu năm tăng với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân nhân viên ngân hàng trong quý III vẫn giữ ở mức cao, trong khoảng 20-44 triệu đồng.

Mức lương bình quân trên mỗi nhân viên ngân hàng sẽ có sự khác nhau tùy thuộc mỗi một vị trí làm việc tại ngân hàng cũng như thâm niên, mức độ hoàn thành chỉ tiêu, kinh nghiệm làm việc, đặc thù giữa các bộ phận trong ngân hàng cùng nhiều tiêu chí khác nhau...

Nhìn chung 9 tháng đầu năm, đa phần ngân hàng đều ghi nhận chỉ tiêu tổng quỹ lương tăng. Xu hướng chung là các ngân hàng đều đẩy mạnh chi phí cho nhân viên cùng với mở rộng quy mô nhân sự của mình.

Mức thu nhập của nhân viên được các ngân hàng chi trả một phần dựa vào hiệu suất hoạt động. Tính trên tổng thu nhập lãi thuần, có nhiều ngân hàng ghi nhận nhân viên mang về hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Khảo sát cho thấy, hiệu quả làm việc của nhân viên vẫn tiếp tục được cải thiện rõ rệt trong 9 tháng qua. Trong 9 tháng đầu năm 2022, bình quân mỗi nhân viên ngân hàng mang về khoảng 68,7 triệu đồng/tháng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng có hiệu suất bình quân nhân viên tăng mạnh nhất trong quý III/2022 là Eximbank. Lợi nhuận bình quân mỗi nhân viên nhà băng này tăng từ 20,2 triệu đồng/tháng lên 66,9 triệu đồng/tháng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, cũng có một số ngân hàng có hiệu suất bình quân nhân viên giảm so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, KienlongBank (16,5 triệu đồng/tháng), Viet Capital Bank (20,9 triệu đồng/tháng), Bac A Bank (28,1 triệu đồng/tháng) và OCB (44,3 triệu đồng/tháng).

>>> Xem thêm: Ngân hàng chịu chi: Mỗi tháng nhân viên kiếm về 190 triệu, trả lương 44 triệu

Ngân hàng khởi động cuộc đua lãi suất không kỳ hạn

Nam Á Bank, VPBank, DongABank trong tuần qua đã tăng mức lãi suất không kỳ hạn lên 1%/năm. Cuộc đua huy động vốn từ hình thức tiết kiệm này đã bắt đầu.

Trước đó, mức lãi suất không kỳ hạn được các ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh nâng nhẹ trong khoảng 0,1-0,3%/năm. Mức tăng lên kịch trần 1%/năm của một số ngân hàng trên được cho là khá hiếm trong hệ thống.

Tiền gửi không kỳ hạn là hình thức tiết kiệm không quy định về thời gian gửi tiền. Khoản tiền gửi không kỳ hạn sẽ được áp mức lãi suất riêng do ngân hàng ấn định nhưng không vượt quá quy định 1%/năm.

Ưu điểm của tiết kiệm không kỳ hạn được tất toán linh động, người gửi có thể rút tiền bất cứ lúc nào trong giờ hành chính khi cần thiết mà không phải chịu khoản phí nào. Ngoài ra, tiết kiệm không kỳ hạn rất linh động trong thanh toán online, chuyển khoản,... đã chứng minh tính hiệu quả trong đợt giãn cách xã hội do dịch Covid.

Đối với các ngân hàng, việc thu hút được vốn từ tiền gửi không kỳ hạn rất quan trọng, vì nó tạo ra nguồn vốn giá rẻ. Nếu duy trì được lượng tiền này ít nhiều sẽ bù đắp cho khoản chi phí trong việc huy động vốn từ tiết kiệm có kỳ hạn.

Với mức tăng lãi suất vừa qua, đây được coi là cuộc đua lãi suất mạnh lần thứ hai trong năm. Trước đó, các ngân hàng thương mại cũng chạy đua với mức lãi suất cao cho các khoản gửi có kỳ hạn, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành vào ngày 22/9.

>>> Xem thêm: Ngân hàng khởi động cuộc đua lãi suất không kỳ hạn

Lãi suất vay mua nhà lên tới 15%: Khách vay trước ‘bão lớn’

Trong những ngày đầu tháng 11, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay mua nhà. Trong đó, có 3 ngân hàng nước ngoài tăng lãi suất cho vay mua nhà với mức cao nhất tới 2,4 điểm % so với trước là Ngân hàng TNJJ MTV Hong Leong Việt Nam, Ngân hàng HSBC và Woori Bank.

Lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà tại các ngân hàng thương mại đang được áp dụng trong khoảng từ 4,99-10,59%/năm. 

Thông thường, khách vay mua nhà chỉ được hưởng mức lãi suất ưu đãi trong thời gian nhất định, thường từ 3-12 tháng vay đầu tiên. Hết thời gian ưu đãi, các ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất ấn định ở mức cao hoặc thả nổi theo lãi suất thị trường. Trong đó, lãi suất thả nổi thường bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ lãi suất khoảng 3-5%/năm hoặc bằng lãi suất cơ sở được ngân hàng công bố cộng với biên độ lãi suất 3-5% tùy từng ngân hàng.

Điều này khiến lãi suất cho vay mua nhà sau thời gian ưu đãi có thể tăng lên mức cao. Nhiều người vay mua nhà đang phải trả lãi suất từ 11-15%/năm trong các năm tiếp theo. Đó thực sự không phải là một ‘đợt sóng’ nữa mà là ‘cơn bão’ đe doạ người mua nhà trong thời gian tới.

Giới chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động kéo theo lãi suất cho vay mua nhà sẽ tiếp tục tăng. Do đó, bên cạnh việc so sánh lãi suất ở các ngân hàng để lựa chọn gói vay phù hợp, người mua nhà nên cân nhắc kỹ về dòng tiền và khả năng trả nợ. Thay vì bị thu hút bởi lãi suất ưu đãi, hãy tính toán dựa trên lãi suất thả nổi theo thị trường.

>>> Xem thêm: Lãi suất vay mua nhà lên tới 15%: Khách vay trước ‘bão lớn’

Ngân hàng Nhà nước đảo chiều: Hút mạnh 18.000 tỷ đồng, lãi suất tụt giảm

Trong hai ngày 8-9/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đảo chiều, hút hơn 18.000 tỷ đồng tiền về nhằm cải thiện thanh khoản trên hệ thống. Lãi suất liên ngân hàng vì thế cũng sụt giảm nhanh.

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 9/11, NHNN đẩy mạnh hoạt động hút thanh khoản. Theo đó, cơ quan này chỉ cho 9 thành viên thị trường vay mới hơn 4.800 tỷ đồng trên kênh cầm cố giấy tờ có giá với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất giữ nguyên ở mức 6%/năm. Trong khi đó, có tới 20.000 tỷ đồng các khoản vay trước đó đáo hạn.

Trên kênh tín phiếu, nhà điều hành tiền tệ tiếp tục dừng phát hành tín phiếu mới, đồng thời không còn tín phiếu cũ đáo hạn. Tính chung, NHNN đã hút ròng tổng cộng gần 15.200 tỷ đồng trong ngày 9/11.

Trước đó, trong ngày 8/11, NHNN cũng rút bớt 3.253 tỷ đồng ra khỏi hệ thống. Như vậy, tổng mức hút ròng của NHNN trong hai ngày 8-9/11 lên tới 18.453 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng động thái rút bớt thanh khoản của NHNN là nhằm hạn chế đà giảm của lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng. Nếu để mức lãi suất VND trên liên ngân hàng giảm quá sâu sẽ khiến chênh lệch lãi suất VND và USD trên cùng thị trường bị thu hẹp, ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND.

Lãi suất liên ngân hàng trong những phiên gần đây sụt giảm nhanh. Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, trong phiên giao dịch 8/11, lãi suất vay mượn VND bình quân trên thị trường liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 80-90% khối lượng giao dịch) đã giảm về còn 5,56%/năm. Trước đó, vào ngày 2/11, lãi suất qua đêm đã tăng lên 7,12%/năm.

Tương tự, lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 1 tháng cũng có xu hướng giảm, về mức lần lượt 5,89%/năm và 8,67%/năm. Ngược lại, lãi suất ở các kỳ hạn 2 tuần và 3 tháng lại tăng lên, tương ứng là 7,41%/năm và 10%/năm.

Có thể thấy, lãi suất vay mượn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã xuống thấp hơn các mức lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn (6%/năm) và lãi suất trúng thầu OMO (6%/năm). Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống đã hạ nhiệt.

>>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước đảo chiều: Hút mạnh 18.000 tỷ đồng, lãi suất tụt giảm

Cảnh báo tình trạng chuyển tài sản bằng VND sang ngoại tệ

Tại Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, ngăn chặn tình trạng đô la hoá và vàng hoá trong nền kinh tế.

Chính phủ thống nhất đánh giá, trong tháng 10, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, ngày càng phức tạp; lạm phát, lãi suất tăng, đồng USD tăng giá dẫn đến nhiều đồng tiền chủ chốt khác mất giá; suy giảm tăng trưởng và nguy cơ suy thoái kinh tế rõ nét hơn...

Vì vậy, với Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ yêu cầu cơ quan này chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Trong đó, điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình, có biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết theo quy định, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ và hệ thống các tổ chức tín dụng; có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, ngăn chặn tình trạng đô la hoá và vàng hoá trong nền kinh tế.

Đồng thời, cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

>>> Xem thêm: Cảnh báo tình trạng chuyển tài sản bằng VND sang ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước giảm giá USD lần đầu tiên trong 2022

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã điều chỉnh tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN. Cụ thể, nhà điều hành tiền tệ đã tiền hành giảm tỷ giá USD bán giao ngay từ 24.870 đồng/USD xuống mức 24.860 đồng/USD từ ngày 11/11/2022.

Đây là lần đầu tiên trong 7 lần điều chỉnh tỷ giá bán USD từ đầu năm đến nay, NHNN điều chỉnh giảm. Việc NHNN chấp nhận bán USD ở mức giá thấp hơn ra thị trường cho thấy tình trạng căng thẳng kéo dài kể từ đầu tháng 10 dường như đã qua.

Trong gần 10 tháng trước đó, NHNN chỉ có tăng hoặc giữ nguyên giá bán USD tại Sở Giao dịch NHNN. NHNN đã thực hiện 6 lần nâng giá bán USD, từ 23.050 đồng/USD vào ngày 19/1 lên 24.870 đồng/USD vào ngày 24/10, với mức tăng tổng cộng 1.720 đồng (tăng 7,4%). Trong lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 24/10, NHNN đã tăng mạnh tỷ giá bán USD tới 490 đồng, lên 24.870 đồng/USD.

Không chỉ hạ giá bán USD, NHNN cũng giảm tỷ giá trung tâm. Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam và USD sáng nay (11/11) được NHNN công bố ở mức 23.683 đồng/USD, giảm 3 đồng so với ngày hôm qua. Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 24.867 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.499 đồng/USD.

Tỷ giá trung tâm gần đây liên tục được điều chỉnh giảm. Từ mức đỉnh 23.700 đồng/USD vào ngày 24/10, tỷ giá trung tâm đã được hạ xuống còn 23.683 đồng/USD vào ngày 11/11, tức giảm 17 đồng.

Trên thị trường tự do, giá USD đang có dấu hiệu đi lên. Giá USD 'chợ đen' vào sáng 11/11 được giao dịch quanh mức 25.150 - 25.250 đồng (mua vào - bán ra), tăng 25 đồng ở chiều mua vào và tăng 55 đồng ở chiều bán ra so với ngày 10/11.

>>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước giảm giá USD lần đầu tiên trong 2022

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Bán công ty làm dự án Vlasta Sầm Sơn, Văn Phú Invest báo lãi 70 tỷ trong quý I/2024

Bán công ty làm dự án Vlasta Sầm Sơn, Văn Phú Invest báo lãi 70 tỷ trong quý I/2024

(VNF) – Kết quả kinh doanh bất động sản quý I/2024 của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (HoSE: VPI) khá ảm đạm. Phải nhờ tới việc bán công ty con, VPI mới có lãi sau thuế 70 tỷ đồng.

Hải Phát Invest: Sau cơn mưa, trời có sáng?

Hải Phát Invest: Sau cơn mưa, trời có sáng?

(VNF) - Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX) đã trải qua một năm 2023 đầy chật vật. Song, với những gì đang có ở quý I/2024, hi vọng đã được nhen lên cho cổ đông của công ty này.

VietnamFinance thay giao diện, hướng tới mục tiêu mới

VietnamFinance thay giao diện, hướng tới mục tiêu mới

(VEF) - Hôm nay (2/5/2024), Tạp chí điện tử VietnamFinance chính thức có giao diện mới tại địa chỉ: www.vietnamfinance.vn. Đây là một nỗ lực của chúng tôi nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng các ấn phẩm để phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức: Niềm vui ngắn chẳng tày gang!

Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức: Niềm vui ngắn chẳng tày gang!

(VNF) - Mùa ĐHĐCĐ 2024 của các ngân hàng diễn ra trong niềm vui và cả sự hụt hẫng của cổ đông khi nơi thì chia cổ tức “đậm”, nơi thì vẫn dửng dưng…

Nghị định 12 về định giá đất: Nguy cơ kéo lùi thị trường, tăng gánh nặng cho người mua

Nghị định 12 về định giá đất: Nguy cơ kéo lùi thị trường, tăng gánh nặng cho người mua

(VNF) – Mặc dù đã tiếp thu ý kiến của giới chuyên gia, doanh nghiệp khi giữ lại phương pháp thặng dư để xác định giá đất, song Nghị định 12/2024 lại tiếp thu chưa triệt để, dẫn đến tính chưa đúng, chưa đủ chi phí hợp lý của nhà đầu tư. Điều này có thể dẫn đến sự triệt tiêu động lực phát triển dự án mới, khiến nút thắt nguồn cung không thể tháo gỡ. Và tất yếu, mọi chi phí phát triển dự án cuối cùng sẽ trút lên vai người mua.

Chung cư quá đắt, tìm mua đất xen kẹt, cẩn thận 'tiền mất, tật mang'

Chung cư quá đắt, tìm mua đất xen kẹt, cẩn thận 'tiền mất, tật mang'

(VNF) - Giá chung cư ở Hà Nội tăng cao đột biến khiến không ít người chuyển hướng sang tìm mua đất xen kẹt trong ngõ, nhờ ưu thế có mức giá rẻ hơn rất nhiều.

Các hãng ô tô đầu tư mở rộng: Liên tục tuyển người nhưng 'cung không đủ cầu'

Các hãng ô tô đầu tư mở rộng: Liên tục tuyển người nhưng 'cung không đủ cầu'

(VNF) - Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam luôn được ưu tiên phát triển, với kỳ vọng xây dựng một ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam ngày một lớn mạnh. Tuy nhiên, để ngành ngày phát triển, Việt Nam vẫn cần chú trọng đầu tư nguồn lực, nhất là nhân tố con người.

Hà Nội: Đổ vốn 12.600 tỷ đồng vào dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Hà Nội: Đổ vốn 12.600 tỷ đồng vào dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

(VNF) - Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, đến nay, tổng vốn đã đầu tư cho dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đạt khoảng 12.600 tỷ đồng.

Elon Musk đột ngột giải tán đội sạc Supercharger, nhiều đối tác ‘bật ngửa’

Elon Musk đột ngột giải tán đội sạc Supercharger, nhiều đối tác ‘bật ngửa’

(VNF) - Quyết định đột ngột của CEO Tesla Elon Musk về việc sa thải loạt nhân viên điều hành hoạt động kinh doanh các trạm Supercharger (sạc siêu nhanh) đã khiến nhiều đối tác cảm thấy “hoang mang tột độ”.

Giá vàng bật tăng sau quyết định của Fed, tiến lên đỉnh mới?

Giá vàng bật tăng sau quyết định của Fed, tiến lên đỉnh mới?

(VNF) - Sau quyết định mới nhất của Fed, giá vàng thế giới quay đầu tăng mạnh, chạm mốc 2.317 USD/ounce. Nhiều chuyên gia nhận định đà tăng của giá vàng sẽ còn tiếp diễn do nhiều yếu tố hỗ trợ.

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

(VNF) - Nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên có chiều dài 163km, trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98,3km và đoạn La Sơn - Hoà Liên dài khoảng 64,9km.