Ngân hàng truyền thống và Fintech: Đối đầu hay hợp tác?

TS. Lê Võ Phương Nga - 03/06/2023 23:36 (GMT+7)

(VNF) - Xuất phát từ quy mô tương đối nhỏ so với các dịch vụ tài chính truyền thống song các dịch vụ tài chính số được cung cấp bởi Fintech đang có tốc độ tăng trưởng phi mã tại nhiều quốc gia và khu vực.

VNF

Thiết lập sân chơi lành mạnh cho ngân hàng và Fintech

Tại châu Âu, cuộc chiến giữa các ngân hàng truyền thống và các Neobank (tức ngân hàng số thế hệ mới, hoạt động qua Internet dưới dạng ứng dụng, không có phòng giao dịch và không có chi nhánh), đang ngày càng quyết liệt. Với ưu thế không phải gánh chi phí khổng lồ trong việc duy trì mạng lưới chi nhánh, các Neobank đang tỏ rõ lợi thế trong việc dành thị phần khách hàng với các ngân hàng truyền thống. Chỉ riêng tại châu Âu hiện có tới hơn 1.400 Neobank, đặc biệt là từ khi các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và Fintech không ngừng xuất hiện kể từ năm 2005.

Fintech đang chứng tỏ là một trong những lĩnh vực mang lại nguồn thu khổng lồ, dự tính sẽ đạt mốc doanh thu 638 tỷ USD vào năm 2024. Fintech thâm nhập vào ngân hàng trực tuyến, vào công cụ huy động vốn cộng đồng, các công cụ thanh toán di động, quản lý tài chính hoặc hỗ trợ ra quyết định... Fintech đã có mặt ở khắp mọi nơi và có tầm quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng và việc làm trên toàn thế giới, đặc biệt là trong ngành tài chính - ngân hàng.

Ở ngành này, Fintech có thể được coi là nhóm tiên phong mà giờ đây đã đạt đến độ chín muồi và đang trên đường tiến tới quy mô đáng kể, nhờ vào mô hình kinh doanh đã được chứng minh về tính ưu việt trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Fintech đang thổi luồng gió mới bằng cách khắc phục những hạn chế về sản phẩm, dịch vụ truyền thống thông qua việc hợp tác với các ngân hàng. Với các Fintech hiện nay, dịch vụ thanh toán được phát triển nhiều nhất, sau đó lấn dần sang các lĩnh vực khác.

Thực tế là dù mới thực sự bùng nổ chỉ trong vài năm trở lại đây nhưng sự tăng trưởng mạnh mẽ của các công ty Fintech đã tạo ra những lo ngại thực sự cho các ngân hàng truyền thống. Trong một báo cáo năm 2019, các nhà tư vấn của McKinsey cho biết tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng châu Á từ mức trên 10% có thể giảm xuống mức trên 6% vào năm 2023 nếu các ngân hàng số thế hệ mới có thể nhanh chóng mở rộng quy mô và chiếm lĩnh được các phân khúc thị trường từ những nhà cho vay truyền thống. Lợi nhuận của các ngân hàng truyền thống đã và đang thực sự bị ảnh hưởng trước sự cạnh tranh của các đối thủ Fintech.

Một số lớn các ngân hàng vì vậy sử dụng sức mạnh thương hiệu và công nghệ để chủ động phát triển Fintech. Một số ngân hàng khác thì nhanh chóng bắt tay với các công ty Fintech để tạo ra một tập hợp vững mạnh và tăng sức cạnh tranh như: Credit Mutuel kết hợp với IBM; BNP Paribas mua Compte Nikel; BPCE mua Fidor Bank và Lepotcommun… Ở Đức năm 2015, Deutsche Böerse đã mua 360T với giá 796 triệu USD - thương vụ mua lại công ty khởi nghiệp lớn nhất tại Đức vào thời điểm đó. Một vài ngân hàng lại có những biện pháp thử nghiệm lâu dài khác như Citigroup hay Banco Santander SA đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ này chuyên đi mua cổ phần của các công ty Fintech.

Ngược lại, các công ty Fintech thường không có hoặc rất hạn chế để có được giấy phép hoạt động ngân hàng, nên cũng có những lợi ích để bắt tay với các ngân hàng truyền thống.

Tựu trung, dù cạnh tranh hay hợp tác thì các chủ thể tham gia thị trường, trong đó có nhà nước, cần nhanh chóng thiết lập các tiêu chuẩn chung để tạo ra sân chơi lành mạnh cho các ngân hàng cũng như Fintech.

Dữ liệu là tài sản

Các ngân hàng đều hiểu họ cần nắm giữ tài sản quý giá, đó là dữ liệu khách hàng, ai nắm được nguồn dữ liệu này thì đó là chìa khóa tạo nên sức cạnh tranh. Trong khi đó, các công ty Fintech qua dịch vụ của mình, có thể dần xây dựng và nắm bắt, chuyển hóa phần dữ liệu này sang ngân hàng. Nhu cầu của khách hàng đối với các dịch vụ ngân hàng và quản lý tài chính càng lớn, càng mở ra cơ hội về dữ liệu cho các ngân hàng và công ty Fintech.

Trong bối cảnh đó, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trước rủi ro mất an toàn thông tin là rất cao. Ở khía cạnh này, lợi ích khách hàng phải được đặt lên trên hết. Đó không chỉ là đạo đức kinh doanh mà là câu chuyện sống còn các ngân hàng. Đầu tư vào Fintech không chỉ để giảm chi phí và tăng độ tiện dụng, mà là để nắm giữ, bảo tồn và phát triển dữ liệu. Số hóa cũng hứa hẹn mở rộng phạm vi tài chính, việc tiếp cận khách hàng sẽ dễ dàng hơn và dữ liệu đầy đủ sẽ giúp cho vay chính xác hơn.

Ở cấp độ rộng hơn, càng nhiều người sử dụng một nền tảng, nó càng trở nên hữu ích và có khả năng thu hút thêm người khác. Ngành công nghiệp tài chính số vì vậy có xu hướng trở thành công cụ của sự độc quyền khai thác về dữ liệu. Nếu các công nghệ số được sử dụng cung cấp dữ liệu cho một chủ thể, chính phủ hay các nền tảng nào đó, thì khả năng giám sát, thao túng cũng như tấn công có thể tăng lên. Ant Group, công ty Fintech số 1 Trung Quốc và thế giới, đã bị phương Tây cáo buộc là nằm trong sự kiểm soát và điều khiển của chính quyền Trung Quốc. Đây là một trong những lý do khiến họ không được chào đón ở nước ngoài. Facebook, công ty nhận không ít chỉ trích về các hành vi đạo đức kinh doanh, cũng bị phản ứng dữ dội trên toàn cầu khi tung ra tiền điện tử Libra hai năm trước.

Sự phát triển của Fintech, đặc biệt trong ngành ngân hàng, phải gắn liền với nỗ lực bảo vệ quyền riêng tư của mọi người khỏi các công ty lớn và các chủ đích chính trị. Công nghệ tài chính khi phát triển trong ngân hàng phải được thực hiện một cách an toàn và tôn trọng quyền cá nhân của khách hàng.

Quản trị rủi ro

Công cuộc chinh phục công nghệ tài chính cũng đem đến nhiều rủi ro. Khi phát triển các công nghệ tài chính, các ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ pháp lý. Cùng với đó là sự lo ngại phát sinh các vấn đề an ninh tài chính và bảo mật thông tin khách hàng. Việc thanh toán trực tuyến sẽ thúc đẩy một nền kinh tế sử dụng ít tiền mặt, thuận tiện hơn, tuy nhiên vấn đề bảo mật và an ninh được người dùng quan tâm nhiều hơn, nhất là khi các vụ lừa đảo, giả mạo trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng gia tăng.

Trở ngại tiếp theo là khách hàng không hiểu hết sản phẩm và rủi ro của việc sử dụng các sản phẩm vốn đã phát triển với một tốc độ thần tốc.

Tựu trung, các ngân hàng lớn mặc dù có đủ vốn đầu tư cho phát triển các hoạt động số, song họ cũng phải cân nhắc, bài toán ở đây không chỉ là vấn đề chi phí, lợi nhuận mà còn là những rủi ro và ưu tiên chiến lược.

Đối với thị trường Việt Nam, hiện nay, khoảng 90% các ngân hàng thương mại đã và đang phát triển dịch vụ ngân hàng số với các mức độ khác nhau. So với các nước phát triển trên thế giới - nơi lợi nhuận của các ngân hàng truyền thống đang bị ảnh hưởng trước sự cạnh tranh của các đối thủ Fintech, thì tại Việt Nam, ảnh hưởng của Fintech đối với hoạt động cơ bản như cho vay là chưa rõ ràng; nhưng trong lĩnh vực thanh toán, các công ty Fintech đang làm mưa làm gió và đang thực sự thay đổi thị trường.

Các ngân hàng Việt Nam cũng sẽ phải lựa chọn bắt tay Fintech hay đầu tư phát triển riêng hệ thống ngân hàng số, với mục tiêu đa dạng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ; phát triển tài sản dữ liệu; và tận dụng kinh nghiệm quản lý những rủi ro mà các nước đi trước đã trải qua để phát triển bền vững.

* TS. Lê Võ Phương Nga - Giám đốc Quản trị Tài Chính, Ngân hàng đầu tư quốc tế Credit Agricole Pháp; Giám đốc Tài chính, AVSE Global

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Nhà phố Bình Dương: ‘Cân não’ giữa người bán và người mua

Nhà phố Bình Dương: ‘Cân não’ giữa người bán và người mua

(VNF) - Nhiều nhà đầu tư cá nhân cho rằng, thị trường nhà phố Bình Dương đã có tín hiệu chuyển biến tích cực, nhưng người mua vẫn có tâm lý khó chấp nhận sản phẩm chào bán với giá cao và hình thành trong tương lai.

Bất ngờ ngân hàng có lợi nhuận tăng gấp 70 lần trong quý I/2024

Bất ngờ ngân hàng có lợi nhuận tăng gấp 70 lần trong quý I/2024

(VNF) - Trong quý I/2024, PVcomBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 344 tỷ đồng, gấp gần 70 lần cùng kỳ. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi đột biến là nguồn thu đóng góp chính trong tổng thu nhập hoạt động của nhà băng này.

Cấm phân lô, bán nền: Thổ cư không thể tách bán, bố mẹ không chia được đất cho con?

Cấm phân lô, bán nền: Thổ cư không thể tách bán, bố mẹ không chia được đất cho con?

(VNF) - Việc quy định sẽ không cho phân lô bán nền tại 105 thành phố, thị xã theo Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 áp dụng sớm từ 1/7/2024 được cho là sẽ giúp thị trường thanh lọc các nhà đầu tư yếu kém. Tuy nhiên quy định này cũng sẽ khiến nhiều người dân lo lắng.

VNG bắt tay 'ông lớn' ngành game Roblox

VNG bắt tay 'ông lớn' ngành game Roblox

(VNF) - Trong khuôn khổ Ngày hội Game Việt Nam (Gameverse) 2024, VNG và Roblox đã chính thức công bố việc hợp tác giữa 2 bên tại thị trường Việt Nam.

Phó Thủ tướng yêu cầu: Thanh tra thị trường vàng, không để chậm trễ hơn nữa

Phó Thủ tướng yêu cầu: Thanh tra thị trường vàng, không để chậm trễ hơn nữa

(VNF) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan cần khẩn trương rà soát, thanh kiểm tra thị trường vàng ngay trong tháng 5/2024.

Bão địa từ cường độ mạnh tấn công Trái đất: Tạo cực quang bất thường, gây gián đoạn liên lạc

Bão địa từ cường độ mạnh tấn công Trái đất: Tạo cực quang bất thường, gây gián đoạn liên lạc

(VNF) - Một cơn bão địa từ với cường độ G5 - "cực mạnh" đã tấn công Trái đất vào ngày 10/5 (giờ Mỹ), tạo ra cực quang tại khu vực Bắc Mỹ nhưng đi kèm nguy cơ làm gián đoạn nguồn điện và thông tin liên lạc.

Bắt nữ 'thầy cúng' lừa đảo đầu tư BĐS chiếm đoạt 300 tỷ đồng

Bắt nữ 'thầy cúng' lừa đảo đầu tư BĐS chiếm đoạt 300 tỷ đồng

(VNF) - Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can đối với Bùi Thị Ninh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

TP.HCM: 283 dự án đầu tư công chậm tiến độ

TP.HCM: 283 dự án đầu tư công chậm tiến độ

(VNF) - UBND TP. HCM vừa báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giám sát, đánh giá tổng thể về đầu tư năm 2023.

Kosy: Loạt dự án dang dở, tồn kho lên gần 2.500 tỷ đồng

Kosy: Loạt dự án dang dở, tồn kho lên gần 2.500 tỷ đồng

(VNF) - Triển khai nhiều dự án bất động sản và năng lượng tái tạo lớn, trải dài khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam nhưng tình hình tài chính của Kosy đáng lưu ý khi lượng tồn kho liên tục ở mức cao,hàng nghìn tỷ..

Thiếu vắng nhiều tên tuổi lớn, Vietnam Motor Show 2024 kém hấp dẫn?

Thiếu vắng nhiều tên tuổi lớn, Vietnam Motor Show 2024 kém hấp dẫn?

(VNF) - Sau một năm tạm hoãn, Triển lãm Ô tô Việt Nam - Vietnam Motor Show 2024 sẽ quay trở lại vào tháng 10 tới đây. Đáng chú ý, năm nay nhiều thương hiệu như Mercedes, Lexus, Audi, BMW, Mini, Hyundai hay VinFast không tham dự.