Nga - Trung xích lại gần nhau giữa 'bão Trump'

Ánh Ngọc - 12/11/2019 09:14 (GMT+7)

Gần ba thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh, hai cựu đồng minh Nga và Trung Quốc "mặn nồng" trở lại khi Bắc Kinh và Washington căng thẳng.

VNF
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, Moskva hôm 5/6. Ảnh: Reuters.

Nhằm thắt chặt mối quan hệ mà hai bên coi là "chiến lược", Nga và Trung Quốc đã bắt tay trong nhiều dự án lớn, tổ chức các cuộc tập trận chung, dường như nhằm thiết lập một "mặt trận" thống nhất chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Theo bình luận viên Derrick A Paulo và Charles Phang của CNA, những động thái của Nga và Trung Quốc gần đây cho thấy một thực tế rằng Bắc Kinh không chỉ coi Moskva là một đối tác thương mại. Từ nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng của chiến tranh thương mại tới việc cùng nhau chinh phục Bắc Cực, quy mô hợp tác giữa Trung Quốc với Nga đủ rộng để khiến phương Tây lo ngại.

Một trong những chính sách thúc đẩy quan hệ với Nga mà Trung Quốc sử dụng là "ngoại giao gấu trúc". Hồi cuối tháng 4, Ru Yi và Ding Ding, hai con gấu trúc lớn mà Trung Quốc cho Nga mượn trong vòng 15 năm, được đưa tới Sở thú Moskva. Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá món quà này "là cử chỉ thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng Nga đặc biệt". "Khi nhắc đến gấu trúc, chúng tôi luôn nở nụ cười. Chúng tôi nhận món quà này với sự tôn trọng và biết ơn sâu sắc", ông chủ Điện Kremlin phát biểu hôm 5/6. 

Sở thú Moskva phải trả Trung Quốc khoảng một triệu USD mỗi năm, không bao gồm số tiền cần để xây dựng không gian sống và nhập khẩu tre làm thức ăn cho hai con gấu trúc. Tuy nhiên, giám đốc Sở thú Moskva Svetlana Akulova cho biết chi phí không phải điểm đáng lưu tâm. "Đây không phải dự án tài chính, mà là hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực này", bà giải thích.

Bình luận viên Paulo và Phang đánh giá sự tiếp nhận của người Nga với những con gấu trúc Trung Quốc phản ánh mối quan hệ khăng khít giữa Moskva và Bắc Kinh gần đây.

Sự gắn bó này cũng thể hiện trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại và việc làm. Tại thành phố công nghiệp Tula của Nga, nơi chính quyền địa phương đang cố gắng biến thành một trung tâm sản xuất, nguồn lao động và đất đai dồi dào đã thu hút Great Wall Motors, hãng sản xuất xe thể thao đa dụng (SUV) lớn nhất Trung Quốc, xây dựng một nhà máy ôtô.

Với chi phí 500 triệu USD, đây là dự án đầu tư lớn nhất của Trung Quốc vào ngành công nghiệp sản xuất Nga, đồng thời là nhà máy ôtô tại nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc mà phương tiện được lắp ráp ngay từ đầu. Nhà máy mở cửa hồi tháng 6, áp dụng một số công nghệ sản xuất mới nhất của Trung Quốc như robot lắp ráp công nghệ cao, dự kiến tạo ra tổng giá trị sản phẩm khoảng 2,6 tỷ USD.

"Chính quyền địa phương cung cấp cho chúng tôi những ưu đãi quá tốt và khó có thể từ chối như giảm thuế, hỗ trợ tuyển dụng, hay giúp đỡ phát triển doanh nghiệp cũng như sản xuất những sản phẩm chất lượng cao. Vì thế, chúng tôi cảm thấy biết ơn họ", phó giám đốc nhà máy Ivan Dushkin cho hay.

Hơn 1.000 người lao động đã nhận được việc làm, với 90% trong số họ là cư dân khu vực Tula, phía tây nước Nga. Theo ước tính, năng suất vào năm tới sẽ tăng từ 80.000 lên 150.000 ôtô/năm. Bất chấp mức độ tự động hóa cao, kỹ sư lắp ráp Ivan Martynenko tự tin rằng những thợ lành nghề như anh vẫn được trọng dụng. Anh còn muốn học hỏi thêm từ các chuyên gia Trung Quốc.

Các công nhân tại nhà máy ôtô của Great Wall Motors ở thành phố Tula, Nga. Ảnh: CNA.

Khu Thương mại Nga - Trung ở St Petersburg, thành phố lớn thứ hai cả nước, cũng đang giúp các công ty Trung Quốc khác mở rộng hoạt động tại Nga, tạo động lực cho Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, khác với những khu công nghiệp dọc "con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc, nơi đây có các hội trường triển lãm về sáng kiến thay vì các văn phòng hay nhà máy. Mục đích cốt lõi của nó là tập trung vào thúc đẩy hiểu biết đa văn hóa.

Du khách Nga có thể trải nghiệm các loại hình nghệ thuật đa dạng của Trung Quốc như thư pháp, âm nhạc, võ thuật hay thưởng trà. Trong khi đó, những lao động Trung Quốc trong thành phố có thể học tiếng Nga thông qua opera.

"Quan hệ của chúng tôi với Nga đang cải thiện không chỉ trong lĩnh vực thương mại, mà còn nhờ trao đổi văn hóa. Chúng tôi sử dụng văn hóa làm cầu nối giữa các công ty từ cả hai quốc gia và cung cấp cho họ những dịch vụ toàn diện", chủ tịch Khu Thương mại Nga - Trung Chen Zhi Gang cho biết, nói thêm rằng nơi đây tiếp nhận từ 200 đến 250 doanh nghiệp Trung Quốc mỗi năm, với nhiều dự án kinh doanh chung thành công giữa hai nước.

Trong khi những nỗ lực hợp tác tại Khu Thương mại Nga - Trung hầu như được thúc đẩy nhờ tư nhân, hai chính phủ cũng cam kết mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh leo thang.

"Theo quan điểm của Nga, Mỹ đã phá vỡ những quy định về thương mại quốc tế và phạm luật khi sử dụng các công cụ kinh tế và chính trị nhằm thúc đẩy lợi ích riêng", giáo sư Lukonin cho biết. "Vì vậy, Moskva quyết định hỗ trợ Bắc Kinh chống lại chính sách của Washington".

Sự hỗ trợ được thể hiện rõ ràng qua những động thái của Moskva. Sau khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung bế tắc và Trung Quốc phải tìm kiếm nguồn thịt thay thế trong những tháng gần đây, Nga đã nhanh chóng "chìa tay". Tập đoàn Cherkizovo, nhà sản xuất thịt lớn nhất của Nga, hồi tháng 5 bắt đầu xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc và được giao nhiệm vụ cung cấp ít nhất 48.000 tấn thịt cho nước này tính tới năm sau.

Khi Tổng thống Trump tuyên bố "cấm cửa" tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei với cáo buộc gián điệp, Nga vẫn hoan nghênh công ty này phát triển mạng 5G cho họ. "Việc Huawei bắt tay với MTS, công ty viễn thông hàng đầu của Nga, chứng minh rằng quan hệ hợp tác với Trung Quốc mang lại lợi ích cho các công ty Nga", giáo sư Lukonin bày tỏ ý kiến.

Ông nói thêm rằng ngay cả khi Washington chịu mềm mỏng hơn với Bắc Kinh, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moskva cũng khó có thể bị suy yếu. "Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Nga bởi chúng tôi là đối tác chiến lược. Tôi nghĩ sẽ không có bất cứ sự thay đổi nào", giáo sư cho hay.

Theo bình luận viên Paulo và Phang, vị trí địa lý của Nga còn khiến nước này trở thành "cây cầu" mà Trung Quốc cần nhằm kết nối Bắc Cực và lục địa Á - Âu với "con đường tơ lụa mới".

Các công ty vận tải và năng lượng của hai nước đang hợp tác khai thác và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ vùng Bắc Cực thuộc Nga. Hầu hết số khí này lấy từ bán đảo Yamal, nơi chứa hơn 1/5 trữ lượng khí tự nhiên của Nga. Trung Quốc sở hữu gần 30% một nhà máy LNG trên bán đảo, ước tính có khả năng sản xuất 70 triệu tấn khí tự nhiên mỗi năm vào năm 2030.

Đây chỉ là một trong vài dự án mà Bắc Kinh triển khai tại Bắc Cực, bao gồm những cuộc thám hiểm, các trung tâm nghiên cứu hay tàu phá băng. Chúng là một phần trong chiến lược phát triển "con đường tơ lụa" tại vùng cực và kiểm soát Tuyến đường Biển Bắc. Hành lang hàng hải dọc bờ biển phía bắc của Nga gần đây trở nên dễ tiếp cận hơn do biến đổi khí hậu. Thêm vào đó, quan hệ nồng ấm với Moskva đã thúc đẩy tham vọng của Bắc Kinh.

"Nga nhận ra rằng chiến lược của Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho những kế hoạch của riêng họ nhằm điều tiết hàng hải và vận chuyển hàng hóa dọc theo Tuyến đường Biển Bắc", giáo sư Lukonin giải thích. "Vấn đề chủ yếu ở đây là Nga không đủ khả năng tài chính để làm điều đó một mình, nên họ vô cùng quan tâm tới những khoản đầu tư của Trung Quốc để phát triển Tuyến đường Biển Bắc".

Tuyến đường Biển Bắc ở phía bắc Nga. Đồ họa: BBC.

Nga và Trung Quốc cũng đang tăng cường hợp tác quân sự với các cuộc tập trận chung thường xuyên, bao gồm cuộc tập trận Vostok hồi năm ngoái. Với khoảng 300.000 binh sĩ cùng hàng nghìn máy bay và xe quân sự, đây là cuộc tập trận lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, tổ chức tại 5 thao trường trên đất liền, cũng như các khu vực ở Biển Nhật Bản, biển Bering và biển Okhotsk.

Trong lễ kỷ niệm 323 năm ngày truyền thống Hải quân Nga tại St Petersburg hồi tháng 7, một tàu khu trục tên lửa Trung Quốc nằm trong số ít những tàu nước ngoài tham gia duyệt binh. Những năm gần đây, Nga cũng trang bị cho Trung Quốc một số vũ khí hiện đại.

Những diễn biến này được cho là đánh dấu bước ngoặt trong địa chính trị, khi hai quốc gia từng đối đầu quân sự mở rộng hợp tác từ kinh tế tới quốc phòng. Phương Tây bắt đầu lo ngại về nguy cơ Nga - Trung thành lập một khối địa chính trị bằng cách kết hợp Liên minh Kinh tế Á - Âu, gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, với các nước nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Cui Hongjian, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, Bắc Kinh cần xem xét cách giữ cân bằng giữa các mối quan hệ đối tác khác nhau. "Nga và Trung Quốc được cho là sẽ cùng tham gia một khối, trong khi một số nước khác, như Mỹ và châu Âu, sẽ thuộc về liên minh khác. Điều này đồng nghĩa với việc có thêm nhiều sự đối đầu", ông nói.

"Tôi nghĩ đây là một bi kịch. Chúng tôi không muốn quay lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nên cần phải cố gắng bằng mọi cách để ngăn chặn xu hướng này", tiến sĩ cho hay. Chính phủ Nga và Trung Quốc cũng cam kết theo đuổi cách tiếp cận đa phương.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã gặp mặt gần 30 lần trong vòng 6 năm qua. Sự gần gũi của họ được coi là trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Hồi tháng 6, trong chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ 8 của ông Tập tại Nga, Putin đã đưa Chủ tịch Trung Quốc thăm quê hương St Petersburg của ông. Họ cùng ngồi du thuyền đi dọc một con sông và tới Đại học Tổng hợp St Petersburg, trường cũ của Tổng thống Nga, nơi ông Tập nhận bằng tiến sĩ danh dự.

Cố vấn văn hóa Gong Jia Jia tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Nga cho rằng "không có quốc gia nào khác có thể gây ảnh hưởng" tới quan hệ song phương của hai nước. "Các lãnh đạo của chúng tôi đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhưng bản thân hai nước cũng đều hy vọng duy trì quan hệ tốt đẹp", bà Gong cho hay.

"Đây là cách duy nhất để chúng tôi cùng tận hưởng thành quả từ sự thịnh vượng và phát triển. Tôi cảm thấy công dân hai nước đều muốn điều này", bà nói thêm.

Xem thêm >> ‘Siêu bão’ Ngày độc thân đổ bộ Trung Quốc, thu 10 tỷ USD chỉ sau 30 phút khai cuộc

Theo VnExpress/CNA
Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Tỷ phú Jeff Bezos: Nỗi kinh hoàng khiến nhân viên toát mồ mỗi khi thức dậy

Tỷ phú Jeff Bezos: Nỗi kinh hoàng khiến nhân viên toát mồ mỗi khi thức dậy

(VNF) - Thời điểm những năm 90, tỷ phú Jeff Bezos từng được coi là "nỗi kinh hoàng" đối với nhân viên khi liên tục gây áp lực cho các thành viên thuộc Amazon.

Hà Nội: Căn hộ dần hạ nhiệt, hàng tỷ USD sẽ đổ sang Đông Anh xây chung cư

Hà Nội: Căn hộ dần hạ nhiệt, hàng tỷ USD sẽ đổ sang Đông Anh xây chung cư

(VNF) - Sau cơn sốt tăng giá, chung cư Hà Nội neo cao khó bán mua; Dân TP.HCM ‘ngóng’ được chuyển đổi đất đai, thoát quy hoạch treo; Sau thông báo tái khởi động, Cocobay Đà Nẵng vẫn im lìm; Hà Nội kêu gọi đầu tư 6 khu đô thị hơn 34.000 tỷ tại Đông Anh... là những thông tin được quan tâm trong tuần.

Rủi ro 380 triệu USD: Hàng triệu người Indonesia nợ nần khó kiểm soát

Rủi ro 380 triệu USD: Hàng triệu người Indonesia nợ nần khó kiểm soát

(VNF) - Các chương trình Mua trước trả sau (Buy Now, Pay Later - BNPL) ngày càng phổ phiến ở Indonesia đang khiến nợ tiêu dùng ngày càng tăng do khả năng tiếp cận dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Đỗ Lăng tái xuất, chủ Quán nhậu Tự Do lộ diện

Ông Nguyễn Đỗ Lăng tái xuất, chủ Quán nhậu Tự Do lộ diện

(VNF) - Ông Nguyễn Đỗ Lăng tái xuất sau lệnh bắt và khởi tố, Chủ tịch Viconship Bùi Minh Hưng bất ngờ xin từ nhiệm, ông Lê Mạnh Linh làm Phó chủ tịch HĐQT EVNFinance… là những tin tức doanh nhân đáng chú ý tuần qua.

Loạt xe điện Trung Quốc về Việt Nam, mẫu nào cạnh tranh với VinFast VF3?

Loạt xe điện Trung Quốc về Việt Nam, mẫu nào cạnh tranh với VinFast VF3?

(VNF) - Giai đoạn nửa cuối năm 2024, nhiều mẫu xe điện có nguồn gốc từ Trung Quốc sắp ra mắt tại thị trường Việt Nam. Trong đó, có một số mẫu nằm cùng phân khúc và cạnh tranh với VinFast VF3.

Chiến dịch mới của Trung Quốc: Điều tra Bộ trưởng Nông nghiệp, 30 quan chức tài chính bị bắt

Chiến dịch mới của Trung Quốc: Điều tra Bộ trưởng Nông nghiệp, 30 quan chức tài chính bị bắt

(VNF) - Theo tờ SCMP, từ đầu năm tới nay, hơn 30 quan chức nhà nước, chủ ngân hàng và giám đốc tài chính Trung Quốc đã bị bắt giữ do liên quan tới tham nhũng. Mới đây nhất, Bộ trưởng nông nghiệp nước này cũng đang bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm luật pháp và kỷ luật.

Cảnh sắc Mã Pí Lèng

Cảnh sắc Mã Pí Lèng

(VNF) - Mã Pì Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km đi qua 3 xã thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Từ lâu, nơi đây được coi là đệ nhất danh đèo của Việt Nam, là một trong "tứ đại đỉnh đèo" bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ và Pha Đin. Cùng ngắm vẻ đẹp hùng vĩ của tuyến đường đèo này qua ống kính của nhiếp ảnh gia Thanh Hải.

Tự tin có 'bảo hiểm lo' rồi tá hoả khi phải trả gần 140 triệu viện phí

Tự tin có 'bảo hiểm lo' rồi tá hoả khi phải trả gần 140 triệu viện phí

(VNF) - "Tự tin" vì đã có bảo hiểm lo, nhiều năm không xem lại hợp đồng, cũng không biết mình có quyền lợi gì, đến khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì mới “tá hoả” là tham gia không đúng nhu cầu, tham gia ủng hộ. Đành phải bỏ cả trăm triệu tiền túi ra để chi trả cho chi phí y tế.

Thanh Hoá: Phá 2,6ha rừng, Công ty AIT bị xử phạt 325 triệu đồng

Thanh Hoá: Phá 2,6ha rừng, Công ty AIT bị xử phạt 325 triệu đồng

(VNF) - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Công ty AIT), về hành vi phá 2,61ha rừng trái pháp luật với số tiền 325 triệu đồng.

Lương tăng, giá vàng 'phi mã', lãi suất đi lên... nguy cơ lạm phát lớn dần

Lương tăng, giá vàng 'phi mã', lãi suất đi lên... nguy cơ lạm phát lớn dần

(VNF) -Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ về lạm phát đang lớn dần khi lãi suất đang có xu hướng gia tăng. Giá vàng, giá dầu cũng đang tạo nguy cơ lớn tác động tới lạm phát.

Cảnh sắc Mã Pí Lèng

Cảnh sắc Mã Pí Lèng

(VNF) - Mã Pì Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km đi qua 3 xã thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Từ lâu, nơi đây được coi là đệ nhất danh đèo của Việt Nam, là một trong "tứ đại đỉnh đèo" bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ và Pha Đin. Cùng ngắm vẻ đẹp hùng vĩ của tuyến đường đèo này qua ống kính của nhiếp ảnh gia Thanh Hải.