Lan man một vòng danh lợi

Trần Thanh Cảnh - 21/02/2018 08:18 (GMT+7)

(VNF) - Ngày còn đi học phổ thông, tôi rất thích thơ Nguyễn Công Trứ. Đọc thơ ông và nghe thầy giáo kể chuyện về tiểu sử đời ông, tôi mê mẩn! Ôi, đấy mới là cuộc đời của một đấng anh hùng đầu đội trời chân đạp đất chứ. Tôi dám chắc không ít kẻ nam nhi đất Việt cũng đã từng ngâm nga câu thơ: "Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông".

VNF

Danh, hiểu theo một nghĩa đúng đắn và trong sáng nhất, chính là cái mà một con người ta khi sinh ra, lớn lên, trở thành một thành viên chính thức trong xã hội cần phải có. Cần phải được định danh. Như con người sinh học, sinh ra bây giờ là lập tức được thiết lập mã số định danh - Danh sinh học. Cái danh của xã hội lớn hơn nhiều. Có người danh lớn trùm thiên hạ. Cũng có kẻ, đến trong thôn làng, cũng chả ai biết là ai, có thể gọi là vô danh.

Phàm đã làm người, nhất là bậc trí giả, chẳng phải ai cũng đau đáu về cái sự lập "danh" đó sao? Triết gia Khổng Tử xưa từng nói: "Danh chính ngôn thuận sự mới thành". Cho nên con người ta muốn thành nghiệp lớn, cần phải lập danh.

Chúng ta học hành, phấn đấu, làm việc rồi được định danh nào đó do xã hội công nhận dựa trên cái sự đóng góp vào đời sống chung của mỗi người: Nhà văn - người viết văn. Doanh nhân - làm kinh tế. Thầy thuốc - chữa bệnh cho người. Thầy giáo - dạy học trò. Nông dân - sản xuất ra nông sản. Công nhân - làm ra máy móc, hàng tiêu dùng. Chính khách - cầm quyền chèo lái con thuyền đất nước... Tất cả, đó là những cái danh chính thức. Hay còn gọi là danh phận. Người nào việc nào chỗ ấy. Ấy là chính danh.

Chính danh khác với hư danh, hão danh. Hư danh, hão danh là cái danh không thực. Hư danh, hão danh do cái thói háo danh của con người ta mà ra. Thực tài, thực học chả có gì, nhưng cứ thích vài cái danh hư hão đắp điếm lên. Rất buồn là hư danh, hão danh dường như đang nhiều phổ biến. Đến nỗi bây giờ, cứ nghe giới thiệu một ông quan chức nào đó kèm theo cái danh như giáo sư, tiến sĩ, là tra xét ra, y như rằng không bằng mua thì cũng là bằng thật nhưng học giả.

Tôi có mấy ông bạn tiến sĩ xịn, kiến thức uyên thâm, ngoại ngữ làu làu... Bây giờ đi đến đâu hoặc xuất hiện chỗ nào, thậm chí còn yêu cầu không được giới thiệu học hàm học vị ra. Các ông ấy thấy nhục. Lạ! Cái thằng học đểu, danh hư danh hão thì chả thấy nhục, cứ nhơn nhơn ra. Các ông học thật thì lại thấy nhục! Thì các cụ mình xưa đã chả dạy: "Đứa dại để l./Thằng khôn xấu hổ" là gì? Thật đúng là nhiễu nhương hỗn loạn.

Tôi vốn tốt nghiệp đại học Dược, hơn ba mươi năm theo nghề, làm khá nhiều việc: Nhân viên bán thuốc, thủ kho dược, trưởng phòng pha chế, giám đốc doanh nghiệp... Bỗng một ngày kia tôi quay sang viết văn! Bạn bè, người thân bàng hoàng hỏi: "Sao tự dưng lại đi viết văn?". Bởi trong mắt họ, tôi là người đang có cả danh và lợi!

Xưa nay, vốn danh luôn đi kèm theo lợi. Cái chuyện cụ Đầu xứ Tố (nhà văn Ngô Tất Tố) ngày xưa viết về mấy ông nhà quê, bỏ tiền mua vài cái danh hão như "lý cựu", "chánh cựu"... để rồi sạt nghiệp, chắc nay không có nhiều. Nay danh là kèm theo lợi. Kể cả danh hư, danh hão cũng sinh ra lợi. Mà là lợi nhiều, lợi lớn, nên mới sinh ra cái thói háo danh khủng khiếp. Kiếm được cái bằng tiến sĩ "đểu", là rồi thăng quan tiến chức, là rồi moi móc lợi lộc. Nhưng mà cũng chả trách được người nay. Xưa ở đã thế rồi.

Có lẽ trên thế giới này chỉ có mỗi nước ta là đi lập bia khắc tên thờ mấy ông đỗ tiến sĩ hay trạng nguyên. Việc thi đỗ tiến sĩ hay trạng nguyên cũng là đáng khen, là giỏi. Thế nhưng cho dù có đỗ trạng nguyên mấy lần đi chăng nữa, nhưng chả làm được công ích gì cho đời, thì rốt cuộc cũng chỉ là cái danh hão! 

Đáng ra, chúng ta chỉ khắc bia, thờ những người có đóng góp thật sự vào cuộc sống và sự tiến lên của đất nước, của dân tộc bằng sự nghiệp kinh bang tế thế. Những người để lại những tác phẩm văn hóa khoa học cho đời. Chả trách sao nước mình cứ lẹt đẹt đi sau! Số tiến sĩ ở ta nhiều hơn hết thảy các nước láng giềng. Nhưng lợi ích cho đất nước từ những cái luận văn tiến sĩ ấy thì ít, rất ít.

Quay lại chuyện tôi bỗng dưng "đổ đốn" ra đi viết văn.

Có phải là cái câu chuyện bỏ danh thực đi mua danh hão hay không? Thực lòng thế này. Tôi không dám so mình với đại văn hào Lỗ Tấn. Cụ ấy bỏ nghề thuốc đi viết văn, vì cụ cho rằng, làm nghề thuốc chỉ cứu được vài người, còn nghề văn có thể cứu được cả dân tộc Trung Hoa lúc đó đang chìm trong u mê, tăm tối, nô lệ… Tôi tuyệt đối không có ý nghĩ gì dám sánh cái sự "đổ đốn" của mình với tâm vọng cao đẹp của bậc đại văn nhân.

Thế nhưng cũng khó mà lý giải được cho hết ngọn ngành. Tôi là chủ doanh nghiệp, là doanh nhân cũng có tiếng tăm. Cuộc sống doanh nhân vất vả nhưng cũng có những niềm vui và khá là thư thái. Tự lo được cho cuộc sống của bản thân và gia đình, cùng cán bộ công nhân viên, và có đóng góp cho xã hội. Có thể tiêu tiền kiếm được tùy theo sở thích. Thế chẳng phải vui sao? Bởi khi đã đạt đến một cái tầm nào đó rồi, doanh nhân sẽ không còn bị câu thúc bởi miếng cơm manh áo nữa, mà nó sẽ là những câu chuyện khác.

Đi viết văn là tự dưng ôm cái khổ vào thân. Đêm đêm khi mọi người chăn ấm nệm êm, thì mình lại vật vã với trang sách. Danh thì mù mịt mà lợi cũng không. Tôi quan sát mấy ông nhà văn đích thực mà mình quen biết, thấy chả có ai quan tâm đến danh lợi từ cái trò viết lách này

 Có lẽ người ta nói đúng, viết văn như là cái công việc riêng tư của nhà văn, chả liên quan đến ai. Viết văn hình như chỉ còn là một sự thỏa mãn cái tôi cần phải giãi bày lòng mình ra con chữ mà thôi. Nó đơn thuần chỉ là một thú chơi chữ, kiểu như người ta chơi chim hoa cá thú chi đó. Tôi đã khá an tâm với những luận giải của riêng mình.

Thế nhưng không ít lúc, tôi đã tự vấn, liệu mình có đang nhầm vai ở cuộc đời này không? Mình có đang đi tìm một cái danh hão không? Còn lợi, chắc chắn viết văn chả đem lại lợi lộc gì đáng kể so với cái công việc mình đang làm. Vậy thì mình có mắc vào cái thói háo danh tầm thường, để rồi "mua danh ba vạn bán danh ba đồng" không?

Thế rồi tôi cũng được xã hội định danh cho là nhà văn.

Tôi vẫn cứ phải phân thân mình ra, ngày làm doanh nhân, đêm lại ngồi trước máy tính, làm nhà văn. Làm doanh nhân thì luôn gắn mình với các con số, tiền hàng, lỗ lãi... Làm nhà văn thì là một trải nghiệm kỳ lạ nhất mà tôi từng qua. Lúc đó mọi tính toán danh lợi, tiền bạc... bỗng bay đi hết. Chỉ còn có khóc cười, yêu thương, căm ghét... Chỉ còn có cuộc đời nhân vật của mình mà thôi.

Danh và lợi là cái vòng kim cô trói chặt con người xã hội của chúng ta, không thoát ra được. Xưa, cụ Nguyễn Công Trứ viết: "Chẳng lợi danh chi lại hóa hay/Chẳng ai phiền lụy chẳng ai rầy". Nhưng cái niềm khao khát danh - lợi: Danh chính danh và lợi chính đáng, lại là động lực cho con người ta học hành, làm việc, cống hiến cho xã hội, được xã hội công nhận. Và qua đó nó thúc đẩy xã hội tiến lên. Cho đến khi thành ra như cụ: "Ai say, ai tỉnh, ai thua được/Ta mặc ta mà ai mặc ai". Thì ấy là lúc chúng ta đã già!

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Thủ tướng yêu cầu thanh tra ngay các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Thủ tướng yêu cầu thanh tra ngay các doanh nghiệp kinh doanh vàng

(VNF) - Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng; tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý.

Giá vàng 'nhảy vọt', vượt trên 85 triệu/lượng trước phiên đấu thầu lần thứ 4

Giá vàng 'nhảy vọt', vượt trên 85 triệu/lượng trước phiên đấu thầu lần thứ 4

(VNF) - Giá vàng SJC tiếp tục vượt mốc 85 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng nhẫn lại không có nhiều biến động trước phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 4 của Ngân hàng Nhà nước.

Lãi suất thấp, bất động sản rủi ro... chuyển hướng mua chứng chỉ quỹ

Lãi suất thấp, bất động sản rủi ro... chuyển hướng mua chứng chỉ quỹ

(VNF) - Trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm liên tục “dò đáy”, thị trường bất động sản chưa có nhiều khởi sắc, nhiều nhà đầu tư trong nước đang dần chuyển hướng sang các sản phẩm tài chính sinh lời khác, trong đó phải kể đến chứng chỉ quỹ mở.

‘Lao đao’ vì cấm vận, gã khổng lồ năng lượng Nga lỗ ròng lần đầu sau 23 năm

‘Lao đao’ vì cấm vận, gã khổng lồ năng lượng Nga lỗ ròng lần đầu sau 23 năm

(VNF) - Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom đã báo cáo khoản lỗ ròng hàng năm đầu tiên kể từ năm 1999 do xuất khẩu khí đốt sang châu Âu giảm mạnh và giá nhiên liệu thấp.

Nhà sản xuất show 'Chị đẹp đạp gió rẽ sóng' lãi gấp 3 lần trong quý I

Nhà sản xuất show 'Chị đẹp đạp gió rẽ sóng' lãi gấp 3 lần trong quý I

Kết thúc quý đầu năm 2024, CTCP Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG) - nhà sản xuất show “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” - ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với hơn 73 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 21% và hơn 17 tỷ đồng lãi ròng, gấp 4.2 lần cùng kỳ.

TP. HCM thu hồi dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng

TP. HCM thu hồi dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Sau 10 năm trễ hẹn, dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng ở quận 3 đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) bị TP. HCM thu hồi để chuyển sang đầu tư công.

CEO Microsoft ‘dạo' một vòng Đông Nam Á: Đi tới đâu rót tỷ USD tới đó

CEO Microsoft ‘dạo' một vòng Đông Nam Á: Đi tới đâu rót tỷ USD tới đó

(VNF) - Chỉ trong chuyến đi 3 ngày ngắn ngủi, CEO Satya Nadella của “ông lớn” công nghệ Mỹ Microsoft đã công bố loạt khoản đầu tư hàng tỷ USD vào 3 nước Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Ninh Bình: Tuyến đường 1.700 tỷ, hoàn thành 6 năm chưa chịu bàn giao

Ninh Bình: Tuyến đường 1.700 tỷ, hoàn thành 6 năm chưa chịu bàn giao

Dự án mở rộng quốc lộ 1 tránh TP Ninh Bình hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2018. Sau 6 năm, tỉnh Ninh Bình vẫn chưa bàn giao công trình mặc dù Bộ GTVT liên tục thúc giục.

AIA doanh thu giảm, các quỹ liên kết giảm giá trị tài sản ròng hơn 20%

AIA doanh thu giảm, các quỹ liên kết giảm giá trị tài sản ròng hơn 20%

(VNF) - Theo những con số công bố mới đây từ Bảo hiểm Nhân Thọ AIA Việt Nam cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2023 chỉ đạt 15.709 tỷ đồng, giảm khoảng 15% so với năm 2022. Cùng với đó, Quỹ liên kết đơn vị ghi nhận giảm giá trị tài sản ròng hơn 20%.

Sau Trấn Thành, Lý Hải trở thành đạo diễn nghìn tỷ đồng

Sau Trấn Thành, Lý Hải trở thành đạo diễn nghìn tỷ đồng

Sau 7 phần của "Lật mặt", Lý Hải trở thành đạo diễn nghìn tỷ đồng. Trước anh, Trấn Thành là người đầu tiên chinh phục cột mốc này.

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

(VNF) - Nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên có chiều dài 163km, trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98,3km và đoạn La Sơn - Hoà Liên dài khoảng 64,9km.