'Khơi dòng' nợ xấu bằng Nghị quyết 42: Vẫn còn nhiều điểm nghẽn

Minh Tâm - 20/10/2020 17:18 (GMT+7)

(VNF) - Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét đến khía cạnh xử lý nợ xấu khi quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; đặc biệt là quy định liên quan đến thuế. Chính phủ cũng mong muốn Quốc hội yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo toà án nhân dân các cấp về việc triển khai thi hành quy định về thủ tục rút gọn theo quy định pháp luật để giải quyết nhanh chóng yêu cầu khởi kiện.

VNF
Số lượng các vụ việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại tòa án hiện nay còn rất hạn chế (ảnh minh họa)

Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Chính phủ gửi lên Quốc hội mới đây đã chỉ ra 11 khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42.

Thứ nhất là khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương.

Báo cáo cho biết khi triển khai thực tế, các cấp chính quyền và các cơ quan hữu quan trên địa bàn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, xem đây là lĩnh vực riêng của ngành ngân hàng nên còn vướng mắc trong phối hợp xử lý. Đặc biệt, công tác thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) còn nhiều khó khăn, bất cập do các cấp cơ sở chưa được tập huấn về Nghị quyết số 42.

Ngoài ra, trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, việc thừa kế nghĩa vụ trả nợ giữa pháp nhân mới thành lập và pháp nhân cũ chưa được đồng bộ, một số trường hợp cá biệt pháp nhân mới không thừa nhận nghĩa vụ thanh toán nợ (đã là nợ xấu) của pháp nhân cũ dẫn đến tranh chấp kéo dài tại tòa án.

Thứ hai, việc phát triển thị trường mua, bán nợ hiện vẫn còn gặp một số khó khăn.

Cụ thể, việc mua bán nợ xấu chủ yếu diễn ra giữa tổ chức tín dụng (TCTD) và 2 đơn vị mua nợ chính là VAMC và DATC, thiếu những nhà đầu tư khác trong nước và nước ngoài. Nguyên nhân do là do điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ khá phức tạp, yêu cầu về vốn cao; cùng với đó, Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chưa quy định rõ đầu mối tạo lập, phát triển thị trường giao dịch mua bán nợ; thêm vào đó, đội ngũ môi giới mua, bán nợ chuyên nghiệp còn thiếu.

Thiếu thị trường thứ cấp và phái sinh đối với các khoản nợ cũng là một rào cản, dẫn đến thanh khoản của các khoản nợ rất thấp, làm giảm mức độ hấp dẫn của các khoản nợ đã mua.

Thứ ba, cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng TSBĐ còn nhiều vướng mắc, dù đã được quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 42.

Hiện tòa án, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) không có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết. Đồng thời, cũng chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định sớm hữu hiệu trong quá trình thẩm định để xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo Nghị quyết số 42.

Thứ tư, việc thu giữ TSBĐ hiện nay vẫn phụ thuộc khá nhiều vào thiện chí của bên vay (đặc biệt trong trường hợp khách hàng không hợp tác, cố ý chây ỳ trong việc bàn giao TSBĐ). Đồng thời, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan tại địa phương trong một số trường hợp chưa kịp thời (như xác minh thông tin khách hàng, hỗ trợ thu giữ TSBĐ)… cũng làm ảnh hưởng đến công tác xử lý thu hồi nợ xấu.

Thứ năm, số lượng các vụ việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại tòa án hiện nay còn rất hạn chế, điều này phần nào ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ xấu nói chung. Theo số liệu do các TCTD báo cáo, một số TCTD đã áp dụng hình thức rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ và đang được tòa án các cấp xem xét giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Nguyên nhân là do nhiều trường hợp, bên có nghĩa vụ trả nợ/chủ tài sản/bên bảo đảm không hợp tác, chống đối, rất dễ dẫn đến cố tình tạo ra các tình tiết mới làm cho vụ án không còn bảo đảm điều kiện thực hiện thủ tục rút gọn, khiến vụ án được đưa về thủ tục tố tụng thông thường.

Ngoài VAMC và DATC, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài không mấy mặn mà với thị trường mua bán nợ

Thứ sáu, để đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là TSBĐ của khoản nợ xấu, các văn phòng đăng ký đất đai yêu cầu TCTD/tổ chức mua bán nợ phải cung cấp văn bản về việc bàn giao tài sản thế chấp hoặc văn bản về việc bàn giao tài sản mua bán nợ (đối với tổ chức mua bán nợ). Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình xử lý nợ xấu, hầu hết các chủ tài sản đều chống đối, không hợp tác nên các TCTD/tổ chức mua bán nợ không thể lập được văn bản bàn giao tài sản thế chấp/văn bản về việc bàn giao tài sản mua bán nợ mà phải tiến hành thu giữ và lập Biên bản thu giữ TSBĐ có sự chứng kiến của UBND cấp xã nơi tiến hành thu giữ.

Do đó, TCTD/tổ chức mua bán nợ đề xuất sử dụng biên bản thu giữ thay cho văn bản về việc bàn giao tài sản thế chấp/văn bản về việc bàn giao tài sản mua bán nợ, tuy nhiên không được văn phòng đăng ký đất đai chấp thuận. Từ đó dẫn đến các bên liên quan không thực hiện được việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho bên mua tài sản.

Thứ bảy, mặc dù Nghị quyết số 42 quy định điều kiện chuyển nhượng TSBĐ của khoản nợ xấu là dự án bất động sản không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận, tuy nhiên trên thực tế, việc chuyển nhượng các dự án chưa có Giấy chứng nhận vẫn gặp phải khó khăn khi tiến hành các thủ tục chuyển nhượng tại các cơ quan có thẩm quyền.

Thứ tám, việc thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và việc nộp thuế khi chuyển nhượng TSBĐ gặp khó khăn do chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ chín, việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng bởi hiện nay quy định pháp luật chưa rõ ràng.

Thứ mười, công tác phối hợp trong hoạt động THADS chưa thật sự hiệu quả, việc kê biên, bán đấu giá, cưỡng chế bàn giao tài sản cho người mua đấu giá thành công còn chậm, nhiều vụ việc kéo dài. Nhiều vụ việc thi hành án còn tồn đọng thời gian dài, phát sinh nhiều chi phí cho đơn vị xử lý nợ.

Thứ mười một, việc giới hạn phạm vi lựa chọn tổ chức thẩm định giá cũng là một rào cản.

Khi xử lý tranh chấp đến giai đoạn cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản, hầu hết các bên không thỏa thuận được về giá TSBĐ cũng như kết quả thẩm định giá. Khi đó, chấp hành viên sẽ ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản kê biên nhằm hạn chế phát sinh chi phí của ngân hàng và các bên đương sự.

Tuy nhiên, việc giới hạn tổ chức thẩm định giá phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố đã làm hạn chế cơ hội lựa chọn được tổ chức định giá có đủ uy tín, năng lực để thực hiện định giá tài sản. Nhiều địa phương còn thiếu tổ chức thẩm định giá hoặc năng lực của tổ chức thẩm định giá còn yếu, dẫn đến chất lượng thẩm định giá chưa cao. Thậm chí có khả năng xảy ra tình trạng thiếu minh bạch, câu kết giữa chấp hành viên – thẩm định giá viên – đấu giá viên; điều này có thể gây thiệt hại cho TCTD với việc định giá quá thấp để tẩu tán tài sản, định giá quá cao nên không thể xử lý được tài sản, dẫn đến tình trạng xử lý kéo dài, gây lãng phí do tài sản xuống cấp, chi phí bảo quản, kho bãi tăng cao.

Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc, thay mặt Chính phủ, Thống đốc Lê Minh Hưng kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu nói chung và xử lý nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết số 42 nói riêng thông qua việc quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hằng năm của đất nước. Cùng với đó, xem xét đến khía cạnh xử lý nợ xấu khi quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; đặc biệt là quy định liên quan đến thuế.

Về thực hiện nhiệm vụ giám sát, Thống đốc kiến nghị Quốc hội tiếp tục thực hiện quyền giám sát tối cao đối với quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ, các địa phương, các cấp, các ngành và các tổ chức xã hội; thêm vào đó, chỉ đạo các Đoàn Đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42 tại địa phương.

Đặc biệt, Thống đốc mong muốn Quốc hội yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Toà án nhân dân các cấp về việc triển khai thi hành quy định về thủ tục rút gọn theo quy định pháp luật để giải quyết nhanh chóng yêu cầu khởi kiện theo quy định của Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP.

Đồng thời, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Cơ quan thi hành án sớm có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện quy định về hoàn trả các TSBĐ là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết số 42.

Ngoài ra, phối hợp với cơ quan THADS sớm xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết và cho phép các TCTD được tra cứu trích xuất.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Chung cư Hà Nội tăng giá mạnh: 'Không ai đủ sức thổi giá BĐS trong một thời gian dài'

Chung cư Hà Nội tăng giá mạnh: 'Không ai đủ sức thổi giá BĐS trong một thời gian dài'

(VNF) - Các chuyên gia bất động nhận định, thị trường bất động sản có sự tăng giá, nhất là căn hộ chung cư Hà Nội. Trao đổi với VietnamFinance.vn, ông Bạch Dương, Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, giá phản ánh cán cân cung – cầu của thị trường, không ai đủ sức “thổi giá” bất động sản trong một thời gian dài.

Chân dung nữ Phó Bí thư được giao điều hành Tỉnh ủy Bắc Giang

Chân dung nữ Phó Bí thư được giao điều hành Tỉnh ủy Bắc Giang

(VNF) - Bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy được phân công tạm thời điều hành Tỉnh ủy Bắc Giang.

Đại án ngành đăng kiểm: 215 luật sư tham gia bào chữa

Đại án ngành đăng kiểm: 215 luật sư tham gia bào chữa

(VNF) - Viện Kiểm sát Nhân dân TP. HCM đã ban hành cáo trạng số 252/CT-VKS-P3, chuyển hồ sơ sang Tòa án Nhân dân cùng cấp để xét xử vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam. Vụ án có số lượng hồ sơ lớn với hơn 286.070 bút lục và sự tham gia bào chữa của 215 luật sư.

Đón đầu Sân bay Long Thành, tính mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành lên 10 làn xe

Đón đầu Sân bay Long Thành, tính mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành lên 10 làn xe

(VNF) - Tại cuộc họp về phương án đầu tư mở rộng đoạn TP. HCM - Long Thành, thuộc dự án đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc mở rộng đoạn TP. HCM - Long Thành là vấn đề cấp thiết, bảo đảm đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Khám phá tàu hỏa '5 sao' mới nhất Việt Nam

Khám phá tàu hỏa '5 sao' mới nhất Việt Nam

Hành khách đi tàu chất lượng cao SE21/22 (Sài Gòn - Đà Nẵng) sẽ được trải nghiệm những dịch vụ "cao cấp" chưa từng có trước đây.

Đề xuất Ủy viên Bộ Chính trị được thuê biệt thự công vụ 450-500 m2

Đề xuất Ủy viên Bộ Chính trị được thuê biệt thự công vụ 450-500 m2

(VNF) - Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư được bố trí cho thuê biệt thự công vụ, diện tích đất khuôn viên 450-500m2; kinh phí tối đa trang thiết bị nội thất là 350 triệu đồng.

Nhận diện Lý Hải Production: DN giúp Lý Hải thành đạo diễn nghìn tỷ với series phim 'Lật mặt'

Nhận diện Lý Hải Production: DN giúp Lý Hải thành đạo diễn nghìn tỷ với series phim 'Lật mặt'

(VNF) - Mới đây, Lý Hải trở thành đạo diễn Việt Nam tiếp theo có doanh thu 1.000 tỷ đồng. Đứng sau sự thành công này chính là Công ty TNHH Lý Hải Production - nhà sản xuất series phim 'Lật mặt'.

Đơn hàng mới tăng mạnh, DN kỳ vọng chu kỳ tăng trưởng mới

Đơn hàng mới tăng mạnh, DN kỳ vọng chu kỳ tăng trưởng mới

(VNF) - Theo Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global, ngành sản xuất Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tháng 4/2024, nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh giúp sản lượng tăng trở lại.

Đề xuất quy định về áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam

Đề xuất quy định về áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Hết tâm lý chờ đáy, nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền mua bất động sản?

Hết tâm lý chờ đáy, nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền mua bất động sản?

Nhà đầu tư đã thể hiện tâm lý tích cực hơn, nhưng giá bất động sản và mức lãi suất cho vay mua nhà thả nổi sau thời gian ưu đãi vẫn còn những

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

(VNF) - Nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên có chiều dài 163km, trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98,3km và đoạn La Sơn - Hoà Liên dài khoảng 64,9km.